Về với quê nhà
(QNO) - Vào TP.Hồ Chí Minh, tôi ở nhờ nhà chú thím. Ba năm ở đây, tôi được chú thím cưu mang, coi như con cái trong nhà. Tôi chưa bao giờ thấy không khí nghiêm trang, nhưng cũng rất thân mật như hôm nay. Đúng là ngày đặc biệt. Thím tất bật đi chợ, làm cơm. Vợ chồng chị hai mang theo hoa quả, sang phụ giúp thím bày biện, nấu nướng. Anh ba rinh về thùng bia, gương mặt hớn hở, có lẽ vì sắp được… nhậu. Cả nhà đang chuẩn bị bữa tiệc nho nhỏ nhân sự kiện ngày mai chú tôi chính thức nghỉ hưu. Chiều hôm qua, chú được cơ quan làm tiệc chia tay; còn hôm nay, cả nhà muốn gây sự bất ngờ cho chú, nên trông ai cũng có vẻ bí mật.
Chú về. Nghe tuyên bố lý do, chú bảo: vẽ chuyện, từ nay tôi trở thành người vô dụng mất rồi! Chú nâng ly bia mà đôi tay run run, có lẽ chú đang đầy tâm trạng. Thím tôi bảo: “Ba về hưu, từ nay mẹ có người đỡ đần công việc. Xưa nay ba các con chỉ lo việc nước, giao việc nhà mẹ gánh vác, mà việc nhà đâu chỉ là việc trong nhà. Nào họ hàng nội ngoại, giỗ quẩy, nào việc hiếu việc hỷ, rồi còn phải cân đo đong đếm mọi việc đến nát cả óc. Bây giờ mẹ chỉ muốn được nghỉ ngơi”. Thím kết thúc một hơi dài trước sự ngỡ ngàng của chú, như thể động viên “về hưu chưa hẳn đã là người vô dụng”. Chú hớp thêm ngụm bia, bảo: “Thì xưa nay không tôi, bà vẫn làm tốt mọi việc trong nhà. Tôi về hưu, nghĩa là tôi đã già rồi, hết đất sống rồi bà ơi”.
Thấy không khí căng thẳng, chị hai, anh ba cùng pha trò. Khi mọi người vui vẻ, bất ngờ chú tôi quyết định tuần sau sẽ “tiền trạm” về quê hương sau mấy mươi năm xa cách, để chuẩn bị một cuộc sống mới. Chú bảo “cây có cội, nước có nguồn, con người phải có tổ tông…”, rằng việc chú về quê là chuyện đương nhiên, không có chi phải bàn cãi. Tôi được biết, trước khi qua đời, bà nội tôi có để lại cho chú mảnh vườn. Chú dự định sẽ cùng thím về cất nhà, sống đời an nhiên, vui thú đồng quê thanh bình ngay sau khi nghỉ hưu. Chú dặn dò con cháu ở lại thành phố phấn đấu làm việc hiệu quả, sống tốt, như truyền thống gia đình xưa nay.
Không khí bữa tiệc chùng xuống, có lẽ vì sắp phải chia tay người thân. Ai cũng cho rằng chú sốc vì nghỉ hưu, nên mới quyết định nhanh như vậy. Nhưng thím tôi bảo, thật ra ý định của chú là nghỉ hưu thì sẽ về quê cho thỏa những năm tháng xa cách, được đi đây đi đó, gần bà con họ hàng, nhang khói ông bà tổ tiên… Thím tôi còn ý tứ nói nhỏ “người về hưu cần việc hơn cần tiền, vì công việc sẽ khiến người già khuây khỏa, để thấy mình vẫn là người có ích”. Về hưu, về quê, chú tôi may mắn khi có thím song hành, một phụ nữ luôn thấu hiểu và chia sẻ với chồng ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất.
Nhớ mỗi khi bên chú, tôi hay nghe chú kể về tuổi thơ nơi biền dâu xanh ngắt trên triền Vu Gia, về những trận lụt lớn chèo ghe vớt củi, hay bắt một lèo mấy xô dế cơm về làm mồi ngon cho cả nhà… Chú kể, hồi thanh niên chú là “trai mía” khỏe mạnh, đốn một hơi ngoảnh lại đã hết cả sào ruộng mía… Sống ở xứ người, nhưng tâm hồn chú cứ mải nhớ quê hương, nguồn cội. Tết nhứt, giỗ chạp, hay mỗi khi công tác miền Trung, chú thường tranh thủ để được về quê. Thỉnh thoảng, chú giục thím tôi ghé chợ Bà Hoa mua bánh rò, bánh thuẫn hay khoai lang khô nấu với đường bát… Thấy chú sửa soạn hành trang cho ngày về, tôi hỏi “hành lý nhiều không chú?”. Chú cười: “Chỉ mang theo tâm thế của một người già về với quê cha đất tổ thôi cháu à!”. Cái tâm thế ấy chẳng thể cân đong đo đếm được, nhưng chắc nặng nghĩa ân tình lắm đây.
PHI KHANH