Bát đường quê

SONG NGUYÊN 04/10/2014 10:06

(QNO) - Ở Sài Gòn, mỗi khi dạo chợ Bà Hoa, tôi ngẩn ngơ nhìn những bát đường tán (gọi đường tán hay đường bát cũng được) xếp gọn trên một cái mẹt. Tất nhiên là đường ở quê mình gửi vào. Người bán bảo bây giờ ít ai dùng đường bát, nhưng nếu đã quen thì lại rất thích, nên chị luôn có mối “ruột”. Đường bát cho hương vị đậm đà, hơn nữa thợ nấu đường không dùng hóa chất, rất an toàn khi sử dụng. Riêng với tôi, những tán đường bát còn được xem là gia vị ngọt ngào quê nhà, nên dù xa quê đã lâu, dù đường cát trắng bày bán ngập phố, tôi cũng trung thành với bát đường dung dị xứ Quảng.

Tôi còn nhớ ba thường gánh những “đôi bầu” đường bát về từ những lò nấu đường. Tùy loại mía, tùy thợ nấu, có khi đường bát cho màu đen hay màu vàng sậm. Nhưng tôi thích nhất là đường “rút mật”. Đường rút mật có màu trắng ngà, vị ngọt thanh đầu lưỡi. Mẹ tôi hay để dành loại đặc biệt này cho các con. Thời bao cấp, chúng tôi hay lấy đường rút mật ăn với cơm, với dưa leo hay củ sắn. Ở quê mình, nấu chè, nấu xôi ngọt, cháo ngọt hay làm bánh nổ, bánh tổ, bánh in… cũng đếu sử dụng đường bát, thậm chí có thể bào một ít đường bát để “thắng” làm nước màu trong chế biến thức ăn hay dùng để khuấy nước chanh một thời.

Mẹ tôi nhiều năm đi buôn đường bát để cải thiện kinh tế gia đình, nuôi cả bầy con đông. Mẹ hiền lành, có duyên mua bán, nên khắp làng trên xóm dưới, nhà ai nấu đường, không quên kêu mẹ đến thu mua. Nếu hôm ấy mua được nhiều đường, mẹ thuê xe bò đẩy thẳng lên chợ gửi. Nếu mua được chừng một đôi bầu, mẹ tự gánh về nhà hoặc nhắn người đi đường gọi ba tới gánh phụ. Sáng sớm, mẹ đã ra chợ. Trưa về lật đật ăn miếng cơm, rồi đi đến các lò nấu đường để thu mua. Những hôm đường “rớt” giá, mẹ đành “trữ” đường, để dành khi được giá thì bán. Đường để lâu, phải phơi cẩn thận. Tôi phụ mẹ “trở” đường dưới cái nắng chang chang, rồi xếp đường vào bầu. Một bầu đường gồm 30 cặp và luôn có một tán đường kèm, được cho là cách buôn bán “lấy phước” của người Quảng Nam.

Không ít lần tôi theo mẹ đến các chòi đường. Ở đó, tôi được hớp bát nước chè hai sóng sánh, có mùi thơm cực kỳ quyến rũ, được ăn món đường non quấn vào đầu ngọn mía, hay xem các bác thợ rót đường từ bát này sang bát khác một cách chuyên nghiệp. Ngồi đợi đến khi đường khô, tôi tranh thủ bẻ những “bông” đường viền quanh bát để nhâm nhi. Đường bát với tôi đong đầy kỷ niệm, nên dù xa quê, trong chạn bếp nhà mình, tôi luôn thủ sẵn mấy bát đường để dành nấu chè. Thỉnh thoảng chặt cục đường cắn đôi, để nhớ về một thời gian khó bên bát đường tuy ngọt ngào nhưng đầy nhọc nhằn trên đôi vai gầy của mẹ.

Ngày trước, quê tôi bạt ngàn ruộng mía. Mùa thu hoạch mía rộn ràng lắm, vì mỗi năm chỉ thu hoạch vụ duy nhất, nên từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng khấp khởi đón chờ. Nhớ một thời, muốn mua sắm vật dụng gì đáng giá trong nhà, mẹ tôi đều hẹn đến mùa thu hoạch mía. Sau này, vì các nhà máy đường chậm thu mua, giá mía thấp, ruộng mía bị thu hẹp thay thế cho các loại cây trồng khác, làng tôi không còn được mía che chở, nâng niu nữa. Dù vậy, trong ký ức chúng tôi, sản phẩm từ mía là những bát đường tán vẫn còn vẹn nguyên. Ở Sài thành, đường bát vẫn chễm chệ trên cái mẹt quê, mới thấy sức sống mãnh liệt của một thứ sản vật quê nhà.

SONG NGUYÊN

SONG NGUYÊN