Trung thu lại về
(QNO) - Cuối tháng 6 âm lịch, phố phường Sài Gòn đã vào mùa trung thu. Em họ tôi từ quê vào, chứng kiến cảnh bánh trung thu đủ chủng loại được bày bán khắp nơi, về nhà cứ thắc mắc mãi, rằng xứ Quảng trung thu chỉ rộn rịp trước đó vài hôm, chứ đâu có… hoành tráng như thế.
Ảnh: internet. |
Trung thu ở Sài Gòn chỉ đọng lại trong tôi hình ảnh một rừng người chở nhau nối dài, trên tay là những chiếc lồng đèn bằng nhựa đủ kích cỡ, màu sắc, phát ra nhiều điệu nhạc, trông thật hiện đại, khiến tôi quay quắt nhớ về trung thu quê nhà, với chiếc lồng đèn thủ công được cả nhà hợp sức… chế tác. Đêm trung thu thời bao cấp, dưới ánh trăng tròn vành vạnh, mọi hoạt động rước đèn, phá cỗ, múa lân diễn ra rộn ràng. Thời ấy, được ăn bánh trung thu ngay trong đêm trung thu, là niềm hạnh phúc của chúng tôi, nhưng không ít đứa chẳng thèm phá cỗ, cứ mải theo đoàn lân đến nửa đêm mới về. Trẻ em kéo nhau đi trên con đường đất, vừa bụi bặm, hồ môi nhễ nhại, mắt cứ dán theo con lân, chân thì nhịp theo điệu trống. Ở Sài Gòn, chỉ vào Tết Nguyên đán, trẻ em mới có dịp thưởng thức múa lân mà thôi.
Có thể nói, Tết Trung thu là cái tết “đặc cách” dành riêng cho trẻ em, nhưng đã ít nhiều bị biến tướng. Người lớn sẵn sàng chi vài triệu đồng mua hộp bánh để biếu, tặng kiểu… trao đổi tình cảm. Sống xa quê đã lâu, thành ra tôi cũng quen với trung thu “kiểu” Sài thành. Quen nhưng không thể không nhớ về những tối múa lân khuấy động con đường làng quê vốn yên tĩnh, với những trò chơi dân gian chơi càng về khuya lại càng thú vị. Ngẫm ra, nhiều trẻ em ở quê có thể thiệt thòi về vật chất, về điều kiện sống, nhưng tuổi thơ các em lại rất “giàu”. Chỉ tính riêng tết trung thu, kỷ niệm kể hoài không hết…
Ảnh: internet. |
Một tin vui dành cho trẻ em Sài Gòn nói chung và con em xứ Quảng sinh sống ở Sài thành nói riêng là nếu như những năm trước, trong khi các gian hàng bán lồng đèn hiện đại luôn nhộn nhịp, thì các cửa hàng truyền thống bán đèn kéo quân, hay lân, mặt nạ ông địa lại trở nên ế ẩm, thỉnh thoảng mới có vài người đảo mắt nhìn, thì năm nay thị trường lồng đèn Trung thu nội địa đã có nhiều khởi sắc. Trên đường Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5,), Lê Quang Sung (quận 6), các cửa hàng trưng bày phần lớn lồng đèn giấy trong nước với các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Đô rê mon, gấu Misa, Xì trum…, giá cả phải chăng. Đặc biệt, lần đầu tiên có sự xuất hiện lồng đèn nhựa in hình biển đảo, hải quân do Việt Nam sản xuất, rất thu hút khách hàng. Hy vọng, những hình ảnh đó sẽ ghi dấu ấn khó phai trong mỗi đứa trẻ mỗi độ trung thu về.
Những mùa trung thu Sài thành, tôi cũng đưa con gái đi “diễu hành” xuống các quận trung tâm. Vì từng có kỷ niệm với đêm trung thu quê nhà, nên con cứ đưa mắt tìm hình ảnh con lân, ông địa hay vểnh tai nghe tiếng trống tùng tùng giữa muôn vàn tạp âm nhộn nhịp của phố thị. Không để con gái thất vọng và nuối tiếc, tôi bảo con phải biết “thích ứng”, đón nhận những điều khác biệt, bởi cuộc sống không như mong đợi. Níu kỷ niệm, chỉ còn trong ký ức, tôi cũng chọn chiếc lồng đèn ngôi sao khung tre, cái mặt nạ ông địa để hai mẹ con cùng nhớ về những mùa trung thu xứ Quảng.
Mỗi dịp trung thu về, tôi mở đĩa nhạc hát về ông trăng, chị Hằng, về những chiếc lồng đèn, hay tiếng trống rộn ràng mùa lễ hội để tăng thêm “gia vị” tuổi thơ cho con cái, vừa nhắc nhớ bản thân mình: trung thu là của trẻ em, đừng… ăn theo kiểu lạm dụng, kẻo đêm trăng rằm không còn vành vạnh trong các con.
SONG NGUYÊN