Cội nguồn quê kiểng

Song Nguyên 06/12/2013 09:05

Đứng đón con trước cổng trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh), mới thấy người Quảng Nam vào đây lập nghiệp khá nhiều. Mọi người tranh thủ trò chuyện bằng giọng Quảng… rặc, hỏi han, rồi làm quen nhau vì tình đồng hương. Nhớ lại những ngày đầu xa quê, tôi tập điều chỉnh giọng nói cho dễ hòa nhập. Hành trình ấy cũng khá vất vả, bởi từ bỏ một thói quen đâu phải chuyện dễ dàng, huống hồ phải giấu tiếng mẹ đẻ, chẳng khác nào chối bỏ quê hương! Vậy nên, tôi chỉ tập “uốn lưỡi” với người ngoại tỉnh, còn với đồng hương thì cứ tha hồ bộc bạch, chẳng cần phải uốn éo chi cho mệt!

Nói chuyện với chồng con, tôi vẫn dùng tiếng Quảng, giọng Quảng.  Các con tôi dù được sinh ra ở thành phố này, nhưng nói giọng Quảng rất rành. Ở nhà, các bé vẫn thường xuyên dùng “chi, mô, răng, rứa”. Những lúc giận nhau, chúng còn xưng “tau, mi” một cách… chuyên nghiệp. Với 43 học sinh trong lớp học của con gái tôi, có đến phân nửa là con em người Quảng Nam. Ở trường, khi đứa này nói giọng Quảng, đứa kia cũng liền đáp trả bằng giọng Quảng, khiến những đứa… ở tỉnh thành khác cứ ngẩng tò te! Thế rồi, qua bạn bè, chúng nó cũng dần học hỏi được chút ít tiếng… Quảng lai, để khi nào thích thì sẵn sàng cao giọng.

Chuyện ăn uống của bọn trẻ cũng rặc Quảng. Ngay từ khi bước vào lớp 3, các con tôi đã biết ăn ớt, ăn mắm cái. Đến bây giờ, nếu được chọn lựa giữa hai chén mắm, chúng vẫn trung thành với chén mắm cái giã thật nhiều ớt, vừa ăn vừa hít hà, mới là… người Quảng Nam! Mỗi lần về quê, mẹ con tôi không ngại “tha” đủ thứ, nào bánh tổ, bánh tráng, dầu phụng, ớt bột, nghệ bột… để dành ăn dần. “Mình là người Quảng, thiếu những món ấy, chịu sao nổi” - con gái tôi kết luận như thế.

Cái giọng Quảng nặng trịch, khó lẫn vào đâu được ấy, đã làm nên “thương hiệu” cho tôi. Sinh hoạt trong một tổ chức hội, tên tôi trùng tên với một hội viên. Mọi người không gọi tên thật của tôi, mà dành cho tôi hai tiếng “chị Quảng” để phân biệt. Trong mắt mọi người, tôi là một phụ nữ Quảng Nam thẳng thắn, bộc trực. Cách nói “toạc móng heo” ấy từng gây hiểu nhầm cho một vài người, để rồi sau đó họ nhận ra tâm tính tôi cũng khá “lành”. Sau này, những chuyện khó nói, hay nhạy cảm, mọi người không ngại chia sẻ cùng tôi.

Con gái tôi đi đâu cũng giới thiệu mình là người Quảng Nam. Với cháu, người Quảng Nam thông minh và chăm chỉ (đơn cử là số học sinh Quảng Nam trong lớp, đều có học lực khá, giỏi), thẳng thắn, chân thành. Nhất là xứ Quảng có… nhiều món ăn ngon! Những nhận định chủ quan và có phần trẻ con ấy chưa hẳn chính xác, nhưng vẫn được nhiều người công nhận. Mỗi dịp xuân về tết đến, dù có bận bịu thế nào, chúng tôi vẫn sắp xếp thời gian để về với cội nguồn quê xứ...

Song Nguyên

Song Nguyên