Đình Phong Ngũ xưa và nay

HÀ SÁU 30/08/2013 08:05

Đình Phong Ngũ tọa lạc trên xứ đất Thùy Chu của làng Ngũ Giáp, thuộc xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn. Đình Phong Ngũ có tên xưa là đình Châu Phong, được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII. Trải qua năm tháng, các thế hệ nối tiếp nhau trùng tu tôn tạo trở thành di tích lịch sử của làng. Đến năm Kỷ Mùi (1919), đình được xây dựng kiên cố và được đại trùng tu vào năm Tân Mão (1939). Sân đình thoáng rộng, ngoài cổng có bốn trụ biểu cao vút, chạm trổ hoa văn, trên đỉnh có gắn hai con kỳ lân bằng đá giao diện, mặt trước có hai cặp câu đối: “Ngũ Giáp oai hùng nhơn lương tuấn vọng tường/Châu Phong linh kiệt thủ văn long hổ bảng” (Tạm dịch: Làng  Ngũ Giáp oai hùng nhiều người tuấn kiệt/ Đất Châu Phong linh thiêng sản sinh khoa bảng) và “Cảnh tiền Thùy vũ giang sơn cựu/ Hướng hậu trường sinh thủy phù tân” (Tạm dịch: Trước cánh đồng Thùy Chu xưa lưu lại/ Sau dòng sông bồi đắp đến ngày nay).

Từ sự đóng góp của con em quê hương, đình Phong Ngũ được xây mới khang trang.
Từ sự đóng góp của con em quê hương, đình Phong Ngũ được xây mới khang trang.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đình bị tàn phá, nhưng may mắn thay dân làng vẫn còn lưu giữ hai bức hoành phi cổ làm bằng gỗ mít. Một bức có nội dung “Châu Phong Đình” viết bằng chữ Hán; niên đại và phẩm hàm của người cúng bức hoành này được ghi “Thanh Hóa tỉnh, Đốc học Hà Đằng phụng cúng, Khải Định, Kỷ Mùi niên” (do cử nhân Hà Đằng, Đốc học tỉnh Thanh Hóa cúng năm 1919). Bức hoành thứ hai có nội dung “Văn Đức Võ Công” cũng được ghi bằng chữ Hán; phẩm hàm và niên đại của người cúng được ghi “Xuất đội Hà Đình phụng cúng, Canh Thìn niên xuân” (do ông Đội Đình (Hà Đình) cúng năm 1940).

Tri ân tiền nhân

Do chiến tranh và thiên tai tàn phá, ngôi đình sau đó chỉ còn là phế tích. Bà con dân làng mong muốn xây dựng lại ngôi đình làng để làm nơi thờ cúng tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp. Đáp ứng nguyện vọng đó, một cuộc vận động ủng hộ phục dựng ngôi đình được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Công trình được khởi công vào ngày 8.9.2011 nhằm ngày 11 tháng 8 năm Tân Mão. Hơn 2 năm tổ chức thi công, đến nay ngôi đình đã cơ bản hoàn thành, kinh phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng.

Đình Phong Ngũ hiện nay được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái, diện tích nền gần 200m2, hai góc phía trước có gian để chiêng, trống đắp hình chữ Thọ. Cột, kèo, xuyên, trính đúc bê tông cốt thép, ở đuôi kèo, lòng trính có chạm trổ hoa văn, sơn giả gỗ, đòn tay và rui bằng gỗ căm xe, mái lợp ngói âm dương. Bên trong hai tẩm hậu rất thâm nghiêm, đỉnh nóc đều có trang trí hoa văn rồng chầu nguyệt. Tiền đường trang trí nóc đôi ở giữa có bức tranh sơn thủy, mái trước có hai con phụng, mái sau có hai lá hoa văn góc. Ngoài cổng có cặp rồng chầu, trong sân có bức bình phong, mặt trước chạm nổi hình con hổ, mặt sau là bức tranh phong thủy. Các gian thờ được bố trí uy nghiêm, tráng lệ.

Hội tụ về làng

Từ khi phát động xây dựng đình làng, bà con, anh em làm ăn sinh sống xa quê thường xuyên hội ngộ, lúc gặp gỡ tại làng, lúc gặp mặt tại nơi công tác, thường xuyên liên lạc, thăm hỏi động viên, hiến kế, để xây dựng quê hương. Bà con đồng hương khắp nơi ngoài việc đóng góp hơn 2 tỷ đồng xây đình còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào quỹ khuyến học của các tộc để động viên khen thưởng đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Có người con quê hương công tác trong ngành ngân hàng kêu gọi bạn bè đồng nghiệp hỗ trợ đầu tư xây dựng bên cạnh đình một ngôi trường mẫu giáo kinh phí hơn 1 tỷ đồng, xây dựng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách tại quê nhà.

Song song với công việc xây dựng đình, nhóm đồng hương tại Tây Nguyên kêu gọi vận động bà con, đồng nghiệp, bạn bè đóng góp 1,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 800 triệu đồng, nhân dân đóng góp, hiến đất và vật kiến trúc trị giá hơn 1 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn của làng với tổng chiều dài hơn 2km, mặt đường bằng bê tông rộng  5 - 6m, lề đường 1,5m. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 3,5 tỷ đồng. Hiện nay bà con đang tổ chức trồng cây bóng mát để tạo cảnh quan đẹp cho làng quê mới.

Nhóm anh em trong làng làm ăn khấm khá cũng đóng góp hơn 200 triệu đồng xây dựng cống qua đường và khu bãi tập thể dục, thể thao gồm 1 sân bóng đá mi ni, 1 sân bóng chuyền và một sân cầu lông, tổng diện tích khoảng 3.000m2.

Song song với việc xây dựng làng quê, việc đầu tư về lĩnh vực tinh thần cũng được chú trọng. Con em xa quê ở khắp nơi, cả trong và ngoài nước, đã đầu tư biên soạn phát hành tập sách mang tên “Ký ức quê nhà” dày 300 trang với hơn 40 bài viết của gần 30 tác giả. Điều đáng quý, tập sách dành nhiều dung lượng để viết về địa chí làng. Điều này nếu bây giờ không làm được thì mai hậu rất khó thực hiện được bởi những “pho sử sống” trong làng đều vượt qua ngưỡng thất thập cổ lai hy. Nếu ngôi đình là một thực thể vật chất tác động vào tâm tư tình cảm của mỗi người về ký ức tuổi thơ và những hình ảnh sống động của quê nhà, thì tập sách “Ký ức quê nhà” là mảnh hồn của làng quê yêu dấu được những người con của làng ghi sâu từ trái tim.

Nối tiếp truyền thống

Nhân dịp lễ khánh thành và chuẩn bị đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đình làng Phong Ngũ, qua bài viết này, thay mặt bà con dân làng chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, UBND huyện Điện Bàn, xã Điện Thắng Nam và bà con xa gần đã hỗ trợ vật chất, tinh thần để xây dựng đình làng và các công trình có ý nghĩa rất lớn trên quê hương Phong Ngũ.

Cách đây 146 năm, nhà khoa bảng đầu tiên của làng là ông Hà Đức Ý - đỗ cử nhân vào năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867). Kế tiếp, có rất nhiều người học hành đỗ đạt tiếng tăm như cụ Đốc học Hà Đằng đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1903) đời vua Thành Thái thứ 15. Sau đó là nhà thơ Thu Bồn, từng nhận Giải thưởng văn học quốc tế của Hội Nhà văn Á Phi (1973). Sau này còn có tiến sĩ Toán học Hà Phụng tốt nghiệp tại Pháp năm 1973, và gần đây là tiến sĩ Hà Ban, tiến sĩ Võ Văn Lâm. Hiện nay có nhiều tiến sĩ còn rất trẻ như Hà Thạch (SN 1976), Võ Văn Chi (SN 1985) tốt nghiệp tại Pháp. Hiện tại làng có hơn 10 tiến sĩ, hơn 30 thạc sĩ và hàng trăm cử nhân đang sinh sống và công tác khắp nơi. Riêng trong năm 2013 này, làng có 26 con em đỗ đại học; trước đó năm 2012, làng có 18 con em đỗ đại học, trong đó có 1 thủ khoa... Những thành tích đó là nhờ làng có truyền thống hiếu học từ bao đời và các phong trào khuyến học khuyến tài được phát động sâu rộng trong từng tộc họ, cùng với sự chăm lo chu đáo của người dân trong làng cũng như bà con sinh sống xa quê.

Thao thức với làng

Ngôi đình không chỉ là hồn khí thiêng liêng của làng mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo mối gắn bó mật thiết giữa bà con nhân dân trong làng và những người con đang làm ăn, sinh sống xa quê. Dù đi đâu hay ở bất cứ nơi nào, những con em của làng Phong Ngũ luôn nhớ về cội nguồn tiên tổ, nơi cắt rốn chôn nhau và vẫn  luôn “Thao thức với làng” (đề tựa một bài viết trong tập sách “Ký ức quê nhà”).

Xin mượn đoạn kết trong bài “Thao thức với làng” của anh Hà Ban để nói lên nỗi lòng của những người con sinh sống xa quê: “...Để những giá trị văn hóa truyền thống của làng, của quê hương được trường tồn mãi mãi thì thế hệ hôm qua đã làm, thế hệ chúng ta hôm nay đang làm, thế hệ con cháu chúng ta mai sau sẽ tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa. Tất nhiên còn nhiều việc chúng ta phải làm, tiếp tục làm để làng ngày càng phát triển hơn, những người con của làng ngày càng giàu mạnh hơn, đoàn kết hơn và yêu thương nhau hơn.

... một người con xa quê luôn “thao thức với làng” và “tri ân” với quê hương, với những bậc tiền nhân đáng kính”.

Giờ đây nhìn ngôi đình uy nghiêm, tráng lệ, mỗi người con của làng không khỏi bồi hồi xúc động bằng một tình cảm da diết khi nghĩ về mảnh đất quê hương:

Ta đi ta nhớ quê nhà

Con sông, bến nước, cây đa, mái đình...

HÀ SÁU

HÀ SÁU