Gặp hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu

NGUYỄN VĂN THỊNH 26/04/2013 08:05

Chúng tôi vừa gặp được hậu duệ của cụ Hoàng Diệu - vị tổng đốc trung liệt xứ Quảng - ở tận Biên Hòa (Đồng Nai) với những kỷ niệm khó quên của thời chiến…

Xếp bút nghiên…

Ông Hoàng Lan (sinh năm 1943) là hậu duệ đời thứ 4. Cha ông là Hoàng Tầm (cháu nội cụ Hoàng Diệu), mẹ ông là con gái bác sĩ Lê Đình Thám - Chủ tịch Liên khu 5 thời chống Pháp. Ông từng giữ chức Trưởng khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Hồi nhỏ, ông theo cha mẹ đi nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội. Sau 3 năm học ngành vật lý ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hoàng Lan (lúc đó có tên khai sinh là Hoàng Dũng) được giữ lại học thêm  một năm. Ông là một trong số 8 sinh viên được cố giáo sư Nguyễn Đình Tứ từ Dupna (Liên Xô cũ) về hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.

Ông Lan bên bàn thờ cụ Hoàng Diệu ở nhà mình. Ảnh: N.V.THỊNH
Ông Lan bên bàn thờ cụ Hoàng Diệu ở nhà mình. Ảnh: N.V.THỊNH

Theo lời ông Lan, nếu không có chuyện ông xung phong vào chiến trường miền Nam thì có lẽ ông đã là một nhà khoa học, vì sau đó giáo sư Tứ xin ông về làm việc tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật hạt nhân ở 39 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Một năm sau ngày 30.4.1975, trong  một chuyến công tác vào Sài Gòn, giáo sư Tứ cũng tiếp tục đi tìm ông. Nhưng lúc ấy, không ai biết Hoàng Dũng - người mà giáo sư tìm, vì khi tập trung huấn luyện đi B ai cũng phải đổi tên, và Hoàng Dũng đã đổi thành Hoàng Lan. “Dù sao thì cái tình thầy trò của thầy Tứ thật hiếm có, và đó là cơ hội cuối cùng để tôi có thể làm đúng sở nguyện của mình nhưng đành bỏ lỡ” - ông Lan tâm sự.

Trở lại những ngày đầu xung phong vào chiến trường miền Nam. Vào đến miền Nam, do tình hình chiến trường thay đổi, ông được biệt phái sang quân đội về một đơn vị ở ATK (an toàn khu), ở đó hầu hết bộ đội là thanh niên nông thôn Nam Bộ. Với vai trò trợ lý văn hóa, hằng đêm ông thức soạn bài chính tả từ những trang báo Quân giải phóng và tự soạn bài dạy toán từ dễ đến khó để hướng dẫn. Và cũng từ chiến trường, ông kết nối tình bạn đặc biệt với một đồng đội...

Tình hình chiến trường thay đổi theo từng mùa khô, ông cũng phải chuyển địa bàn và đơn vị liên tục. Thời gian công tác tại Phòng Chính trị Trung đoàn E70, ông ở chung với Phạm Xuân Phương. “Anh ấy học sư phạm Toán, đi B mang theo quyển  “Hình học xạ ảnh” của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn. Còn tôi thì nhờ mua được  một quyển Từ điển Anh Việt bỏ túi của Lê Bá Kông, một quyển Truyện Kiều mang theo dọc Trường Sơn vừa đi vừa học thuộc từng đoạn. Hai đứa tôi tranh thủ mọi thời gian rảnh cùng học và giải bài tập. Phương quyết đi theo nghiệp Toán với thầy Toàn. Thấy tôi ham nhiều thứ, Phương khuyên: Chọn một thứ thôi, mày “theo” lung tung như vậy sẽ không đi đến đâu!” - ông Lan hồi tưởng.

Nhiều kỷ niệm khó quên ở chiến trường, nhưng có một chuyện khiến ông nhớ và ân hận mãi. Ông kể: “Đầu mùa khô 1966, giặc càn lên cứ, đó là trận càn Johnson City. Tôi đang trên đường đi công tác với chiến sĩ tên Thành quê Quảng Ngãi. Chúng tôi tới cơ quan Quân bưu nhận công văn thư tín về cho Phòng Chính trị trung đoàn, trong đó có bức thư của gia đình gửi cho Thành. Trưa hôm đó, hai đứa tấp vào một cứ cũ nấu ăn. Do xích mích, tôi chưa đưa thư cho Thành, cứ nghĩ khi về cơ quan đưa cũng chưa muộn. Ai ngờ trên đường về, khi đi qua suối cạn, Thành bị pháo chụp và chết trên tay tôi. Tôi ân hận suốt đời! Một lá thư từ Quảng Ngãi, có khi hàng năm mới đến nếu như không thất lạc...”.

Những năm 1967-1968, ông công tác tại Cục Tham mưu Miền, lo tiếp đón bộ đội chi viện từ Bắc vào, tổ chức giao cho các đơn vị quân giải phóng theo lệnh ở trên. Từ những con số, ông hình dung ngày càng rõ những đau thương, mất mát từ chiến tranh: “Sổ sách trong xắc-cốt tôi chi chít con số. Mỗi con số là một con người, một số phận… Một D chi viện vào đến chỗ tôi thường xé lẻ đi nhiều đơn vị ở nhiều chiến trường, có thể hầu hết họ không còn gặp lại nhau nữa, mà phần lớn họ là học sinh, sinh viên, giáo viên từ miền Bắc”.

Với con trai nhà văn Ngô Tất Tố

Trong số những chiến sĩ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, có con trai nhà văn Ngô Tất Tố. Ông Lan kể: “Hồi đó, tôi làm việc với một trợ lý quân lực D, tên Ngô Hải Cao. Anh vóc người nhỏ nhắn, có chiếc mũi khoằm trông ngồ ngộ. Hỏi chuyện, mới biết anh là con nhà văn Ngô Tất Tố. Anh mới ở trường Viết văn Nguyễn Du ra, xung phong đi B để có vốn sống. Tôi nảy ra ý định giữ Cao lại phụ tôi, mong anh không phải xông pha nơi hòn tên mũi đạn bởi chiến trường quá khốc liệt. Được chưa đầy 2 tháng, anh đoán được ý tôi, một mực đòi được ra trận trực tiếp cầm súng. Tôi không thể giữ anh ở lại thêm nữa... Sau giải phóng đến giờ, tôi không biết tin gì về anh, vẫn hy vọng anh còn sống và rất mong gặp lại”.

Giữa năm  1968, Hoàng Lan được điều về Dân chánh. Cuộc chia tay ở đơn vị thật lưu luyến. Ở Dân chánh, ông lại tiếp tục công tác bổ túc văn hóa cho nhân viên Ban Tuyên huấn R. Tình hình chiến tranh mở rộng ra toàn Đông Dương, ông sang công tác tổ chức  kiêm cả công tác bố phòng, chống biệt kích thám báo càn cho cơ quan với chức danh xã đội trưởng. Mùa khô 1970, cơ quan ông phối hợp với một C quân chủ lực đánh đuổi được bọn biệt kích vào sát căn cứ. Trận đánh đó, đơn vị ông bị tổn thương vài đồng chí... Giữa năm 1972, ông đi xuống Kiến Phong làm tuyên huấn, nắm tình hình, tập trung dân võ trang tuyên truyền, thậm chí binh vận với tay đồn trưởng bảo an Hồng Ngự... Sau 30.4.1975, ông trở về tham gia tiếp quản ngành giáo dục, sau đó đi học khóa cao học đầu tiên tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai năm sau, ông được phân công về dạy học tại trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu...

Những năm công tác ở Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Hoàng Lan tham gia khóa nghiên cứu sinh trong nước đầu tiên của trường. “Sau 5 năm làm đề tài về Lý thuyết trường thống nhất, tôi thấy vượt quá sức, vì tinh lực hao mòn, đầu óc xơ cứng qua chiến tranh mà mình không hình dung hết. Tôi xin dừng nghiên cứu, dù thầy hướng dẫn động viên và cho gia hạn. Thực lòng, tôi quyết chí học là vì lời hứa với Phương, rằng đứa nào còn sống đến hòa bình phải học thay phần cho đứa nằm xuống dọc đường. Tôi tự thấy có cố gắng đấy, nhưng lỗi hẹn với bạn rồi. Nghiệm ra, tôi còn lỗi hẹn với bao người khác nữa” - ông Lan tâm sự. Nhưng ông bảo mình cũng có “chút tự hào nho nhỏ” do đã theo nghề vật lý suốt đời, và là người duy nhất trong đoàn đi Nam năm xưa “dám” quay lại với chuyên môn đúng nghĩa...

NGUYỄN VĂN THỊNH

NGUYỄN VĂN THỊNH