Nhớ câu nhân ngãi quê nhà…
Nhạc sĩ Phan Văn Minh vốn được biết đến nhiều qua ca khúc thiếu nhi “Cả nhà thương nhau”, nhưng anh cũng là người có nhiều sáng tác đương đại để lại dấu ấn, nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân ca đạt hiệu quả âm nhạc cao. Nhiều năm nay, bằng tinh thần làm việc nghiêm túc và sức sáng tạo khá sung mãn, Phan Văn Minh đã giành được hơn 30 giải thưởng âm nhạc, trong đó có nhiều giải thưởng cấp quốc gia được giới chuyên môn và công chúng yêu âm nhạc đánh giá cao.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh và bà Tám. |
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phan Văn Minh, âm nhạc truyền thống xứ Quảng nói riêng, cả nước nói chung đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Lý do thì nhiều nhưng quan trọng nhất là chủ thể của âm nhạc truyền thống - tức người dân - tỏ ra không mấy mặn mà với vốn quý từng được xem là hơi thở, là nếp sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu của làng quê. Ngay như ở xóm Gò Rùa - Liễu Thạnh của anh một thời quá khứ sôi động với hò khoan, ứng đáp mà giờ đây chỉ còn lại vài người đang ở tuổi “thất thập cổ lai hy” thuộc và hát được hò khoan, ứng đáp.
Không chỉ say sưa sáng tác ca khúc mới, anh còn là người trăn trở với âm nhạc truyền thống, bởi tuổi thơ anh từng được nuôi dưỡng trong không gian của những câu hò khoan, nhân ngãi từ cha mẹ. Anh tâm sự: “Tôi rất may mắn khi sinh ra trong gia đình yêu nhạc, mẹ tôi hát nhân ngãi có tiếng một thời. Không những vậy, cả làng quê Gò Rùa, Liễu Thạnh này cũng từng một thời xôm tụ với không khí hò khoan ứng đáp. Ngay từ nhỏ tôi đã được tắm táp trong môi trường như thế nên bây giờ, một cách tự nhiên âm nhạc truyền thống đã đi vào sáng tác của tôi, nhất là những sáng tác về quê hương xứ Quảng”.
Chúng tôi vừa có dịp tìm đến Gò Rùa - Liễu Thạnh thăm một trong những “chứng nhân cuối cùng” của thời hát hò khoan, nhân ngãi, theo lời nhạc sĩ Phan Văn Minh. Đó là bà Lê Thị Bông (còn có tên gọi khác là Tám Bông). Khi chúng tôi đến, bà Tám Bông đang loay hoay với mấy luống cải trước vườn nhà. Vừa thấy nhạc sĩ Phan văn Minh và khách, bà Tám liền cất giọng hát theo lối ứng khẩu:
A… Chứ thầy Minh đi dạy nơi đâu
Bữa ni đi thăm thôn xóm tôi có mấy câu xin chào thầy!
Khá bất ngờ trước lời hát chào, nhạc sĩ Phan Văn Minh nhanh trí đáp ngay:
A… Chứ ai như bác gái Tám Bông
Chứ hỏi chừ răng còn mấy chiếc mà trồng cái chi chi…
Hát xong, bà Tám vội vàng bỏ đám cải vào nhà đón khách. Bà Tám Bông năm nay đã ngoài tám mươi. Một thời con gái xuân sắc đi qua trong bao nỗi nhọc nhằn của nhà nông chân lấm tay bùn, rồi lại chiến tranh, ly biệt. Cái thời dù khổ cực ly tán ấy phải chạy nguồn chạy biển trăm bề kiếm cơm nuôi gia đình, nhưng không khí văn nghệ thì lúc nào cũng rạo rực. Ngày ấy, bà Tám còn trẻ, giọng hát thắm thiết vô cùng đã khiến không biết bao trai làng mê mệt. “Thiệt với mấy chú chứ hồi nớ mà cha mẹ không can ngăn thì chắc tui đã đi theo nghiệp hát xướng mất rồi. Cái thời mới vui chi lạ, cực cách mấy nhưng hễ nghe ở mô có đám hát hò khoan ứng đáp là phải lặn lội tìm tới cho bằng được. Tới, hát vài ba câu cho thỏa lòng rồi về. Chừ tuổi già, răng rụng hết có hát hò chi được mô!” – bà nói.
Ông hát cháu nghe. Ảnh: Đ.N.Đ |
Như để nhắc nhớ một thời son trẻ, bà Tám liền cất giọng, nhưng có vẻ buồn buồn: “A… Chứ chèo ghe mà bẻ bắp bên sông/ Bắp chưa ra trái thì bẻ bông chèo về… Đó, mấy chú thấy chưa, chừ hát dở lắm, uổng thiệt!”. Chúng tôi cũng dễ nhận ra giọng không còn thanh, nhưng dù sao những câu nhân ngãi ngày xưa vẫn như suối nguồn tuôn chảy trong trí nhớ của bà bây giờ, mỗi lần ngồi bên khung cửa sổ, nhìn ngắm vườn quê. Bà Tám lại hát trong niềm hồi tưởng miên man: “A… Chứ hồi nhỏ tui ở với cô/ Cô đánh, cô đuổi, cô xô tui về/ Tui về đến chợ Bồ Đề/ Cô theo cô hỏi tui về mần chi…”.
Mấy năm gần đây, con cháu bà Tám Bông đi làm ăn xa bắt đầu có công việc ổn định, muốn đưa bà vào thành phố sống những ngày an nhàn tuổi già. Nhưng cái tình quê kiểng, nỗi nhớ những câu nhân ngãi quê nhà vẫn cứ níu kéo. Về lại ngôi nhà xưa, nhìn di ảnh chồng rồi lặng lẽ vào ra với mảnh vườn thân thuộc, chừng đó thôi mà bà cứ muốn về. Bà tâm sự: “Ở thành phố ăn uống sung sướng, tay chân rảnh rỗi, rứa mà vẫn cứ đòi về mấy chú ạ. Về với làng, với xóm, với mấy ông bà già ngoài ni, thỉnh thoảng rủ nhau ăn miếng trầu, hát vài câu nhân ngãi cũng đỡ buồn ở tuổi xế chiều”.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh cũng tâm sự, trên mảnh đất Quảng Nam còn có biết bao cụ ông, cụ bà vẫn đau đáu một niềm thương nhớ câu hát nhân ngãi xưa, như bà Tám Bông quê anh. Theo anh, các cụ chính là những chứng nhân cuối cùng còn nhớ và gìn giữ vốn quý ấy cho đến bây giờ. Chúng tôi cũng từng gặp không ít cụ ông, cụ bà đam mê hát nhân ngãi ở thôn Thương Nghiệp (Hương An, Quế Sơn), Cẩm Nam (Hội An), Tam Giang (Núi Thành)… Với họ, những câu hát xưa như vốn quý ở đời, có thể “gián tiếp” dạy bảo con cháu về lời ăn, tiếng nói, lẽ sống, đạo nghĩa… ở đời. Nhưng liệu rồi lớp trẻ có còn mặn mà?
ĐẶNG NAM ĐÔNG