Người sáng lập Mì Quảng Sâm: "Thiếu tâm huyết có nghĩa là thua"

THÂN NHƯ QUỲNH - VĂN THỊNH 19/02/2015 15:53

Từ một nhà giáo ở Quảng Nam, dắt díu vợ con vào Sài Gòn mưu sinh bắt đầu với nghề đạp xích lô, nhưng rồi nhờ gánh mì Quảng mà làm ăn khấm khá, đi lên xây dựng được thương hiệu Mì Quảng Sâm. Đó là câu chuyện của vợ chồng anh Võ Văn Sâm, quê ở Quế Sơn…

Ai sống ở khu vực Bàu Cát, ngã tư Bảy Hiền, TP.Hồ Chí Minh, không xa lạ với quán Mì Quảng Sâm, tọa lạc ở số 8 Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình. Mì Quảng Sâm từng được quảng bá trên các phương tiện truyền thông trong chuyên mục ẩm thực: Hai lần xuất hiện trên HTV9, một lần lên sóng VTV9, chưa kể nhiều bài viết khác trên các tờ báo. Ngoài thương hiệu được UBND quận Tân Bình cấp Giấy đăng ký nhãn hiệu (01.8.2008), Mì Quảng Sâm còn được vinh danh trong Chương trình tôn vinh danh hiệu văn hóa nghệ thuật ẩm thực và sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam (2013) lẫn Chương trình Ẩm thực ba miền (phát sóng trên Đài truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Bình Dương).

Vợ chồng anh Võ Văn Sâm.
Vợ chồng anh Võ Văn Sâm.

Có được vinh dự đó, với vợ chồng anh Võ Văn Sâm là cả một hành trình gian truân. Nghỉ việc và lĩnh lương một lần, ông lao vào làm ăn, nhưng thất bại. Sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 1992, ông quyết tâm đưa vợ con vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh.

Đối với Võ Văn Sâm, tâm huyết quyết định thành công. Thiếu yếu tố này có nghĩa là đầu hàng. Anh nói rằng: “Thụ động, lưỡng lự, dừng lại, thụt lùi là việc không dễ chấp nhận”. Khi còn giữ chức Tổng phụ trách Đoàn, Đội Trường PTCS cấp I&II xã Quế An (Quế Sơn) anh tháo gỡ cái khó về kinh tế thời bao cấp nơi mình đang công tác bằng cách tự tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện các chương trình Đoàn, Đội có hiệu quả, trở thành “mũi nhọn” của phong trào, được biết đến như một gương mặt tiêu biểu trong hoạt động Đoàn, Đội ở quê nhà thời bấy giờ. “Tay cầm phấn, tay cầm cày”, Võ Văn Sâm luôn xốc vác, vừa là thầy giáo vừa  trở thành nông dân điển hình trong sản xuất. Khi cây mía, cây đậu phụng còn làm chủ “ruộng vườn cày lên sỏi đá” thì lò nấu đường, máy ép dầu của anh Sâm nhanh chóng tiên phong ra đời. Khi giá đường bát tụt dốc thê thảm thì Võ Văn Sâm đành phải chia tay cây mía, lò nấu đường. Sau nhiều lần bàn bạc, thuyết phục, vợ anh cũng thuận tình đi vào Sài Gòn lập nghiệp. Dắt díu vợ con vào phương Nam, anh cầm trong tay hơn năm cây vàng là số tiền bán hết cả gia sản, chỉ đủ mua một nửa miếng đất 52m2 ở phường 10, quận Tân Bình (phải nhờ ông cậu mua nửa miếng đất còn lại). Rồi anh mua tôn về cất nhà ở, xung quanh che bằng bìa các-tông. Mỗi sáng, anh đạp chiếc xe xích lô thuê lại của người ta 3.000 đồng/ ngày chở ba đứa con (đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi) đi học. Vợ anh quẩy gánh mì Quảng đi bán dạo khắp phố. Hằng ngày, anh đặt chỉ tiêu phải có đủ 80 nghìn đồng mới về nhà. Không đủ chỉ tiêu, anh ngủ qua đêm trên xe để mai dậy kiếm khách sớm. Công việc bán mì Quảng của vợ anh khá suôn sẻ nhưng do bán ở vỉa hè nên bị chính quyền cấm. Võ Văn Sâm tìm thuê mặt bằng ở đường Võ Thành Trang, mở tiệm lấy tên Mì Quảng Sâm cho vợ bán. Còn mình vẫn đạp xích lô. Đến khi thấy việc bán mì Quảng phát triển, anh nghỉ đạp xích lô về phụ vợ bán mì. Việc buôn bán vừa ăn nên làm ra thì chủ lấy lại mặt bằng. Khi vợ chồng anh dọn đi, chỗ đó lại mọc lên quán mì Quảng. Nhiều lần di chuyển như thế anh Sâm mới tìm được chỗ ổn định để buôn bán đến giờ.

Từ những lần làm ăn như thế, anh Sâm rút ra bài học: Muốn kinh doanh thuận lợi, phát triển thì quan trọng là mặt bằng có địa thế tốt và không lệ thuộc để đầu tư, cơ sở vật chất của quán. “Tôi rút ra sự thành công của mình là từ chất lượng món ăn lúc nào cũng mới, nóng và tươi chứ không có đồ ăn cũ. Khi họ ăn ngon, thì họ sẽ tới nữa, rồi dần dần đông khách.Cách phục vụ, giao tiếp phải tận tình, niềm nở” - anh  Sâm chia sẻ.

Gói chữ tâm từ phước đức của mẹ và cái chuẩn mực của ngành sư phạm để ra đi làm lại từ đầu với một nghề mới, Võ Văn Sâm cùng người vợ hiền đã xây dựng được thương hiệu Mì Quảng Sâm nổi tiếng. Thật đáng tự hào!

Bên cạnh việc tận tâm xây dựng thương hiệu Mì Quảng Sâm, anh Sâm còn tận tụy với thơ, một lĩnh vực mà bạn đọc lẫn bạn hàng còn khá lạ lẫm, dù thơ anh rất quen thuộc với CLB Thơ - Nhạc Đất Quảng. Anh có bài “24 năm Mì Quảng Sâm”- như một điểm nhấn bên cạnh thương hiệu của mình với chữ Nhân và chữ Tâm trong việc chế biến thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng suốt 24 năm qua. Bài thơ có nhiều câu thật cảm động tri ân khách muôn phương đến thưởng thức đặc sản quê hương, rằng: Một ngày bằng một trăm năm/Hàm ân trăm họ nghĩa ân đủ dày, hay là tấc dạ gửi về quê nhà: Làm gì có chuyện rủi may/Giữ thơm đủ bốn bàn tay vợ chồng/Bước ra từ rạ, từ rơm/An nhiên đứng giữa Sài Gòn, lạy quê…

 THÂN NHƯ QUỲNH - VĂN THỊNH

THÂN NHƯ QUỲNH - VĂN THỊNH