Tuổi trẻ nói về quê hương

MINH KIỆT (ghi) 24/03/2014 15:02

Họ yêu quê bằng sự khát khao mãnh liệt của tuổi trẻ rằng một ngày nào đó sẽ trở về và dựng xây mảnh đất đầy nắng gió vươn đến một tầm cao mới! Bằng các góc nhìn khác, trẻ hơn, năng động hơn… những người trẻ xa quê đã chia sẻ cùng Báo Quảng Nam suy nghĩ rất thật của mình về quê hương.

Nguyễn Hoàng Duy (trái).
Nguyễn Hoàng Duy (trái).

Nguyễn Hoàng Duy - 24 tuổi, sinh viên năm thứ 4 Đại học Saint John - Hoa Kỳ:

“Hãy giữ chân nhân lực trẻ”

Trong những tháng ngày học hành nơi xứ người, tôi luôn nghĩ đến chuyện sẽ trở về  để cùng chung tay với các bạn trẻ xây dựng quê hương. Chúng tôi - những người nói tiếng Anh thông thạo và có thể biết nhiều thứ tiếng khác nhưng vẫn tự hào về giọng Quảng quê mình. Hằng ngày tôi vẫn vào mạng để đọc tất cả thông tin của Quảng Nam, Đà Nẵng, tôi xem và phân tích những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế cũng như chế độ đãi ngộ nhân tài. Và, tôi tự hỏi tại sao các bác sĩ mới ra trường quyết định ở lại thành phố làm việc chứ không về lại quê hương. Tôi biết rất rõ tại sao những kỹ sư, cử nhân sau khi đã nhận biên chế thì lại “chấp nhận” bỏ đi để làm lại từ con số 0. Chỉ vì họ cảm thấy rằng kiến thức của họ, tâm huyết của họ đã không được sử dụng đúng hoặc không thể nào cháy hết mình bằng đam mê khi ở trong một môi trường làm việc còn rất “chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp”.

Nhiều bạn bè tôi đã từng chia sẻ rằng sau khi học xong họ sẽ trở về Đà Nẵng để làm việc và cống hiến. Các bạn của tôi đã cảm thấy rất hào hứng khi Đà Nẵng có những chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài rất tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần để người ta đến. Còn để giữ chân người trẻ, những nhà lãnh đạo có tâm huyết và thực sự yêu quê hương cần biết lắng nghe những góp ý của người trẻ, đồng hành với họ trong những đam mê sáng tạo, ý tưởng...

Điều cuối cùng tôi muốn nói là những người trẻ chúng tôi, dù ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn hướng trái tim mình về quê hương. Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để phát triển nơi mình “chôn nhau cắt rốn”. Nhưng, xét ở mọi khía cạnh, cần lắm những cái nhìn trẻ hơn, mới hơn và thậm chí phải hơi “điên rồ” một chút mới có thể tạo nên những dấu ấn riêng biệt trong thành tựu xây dựng và phát triển quê nhà.

Nguyễn Văn Lộc.
Nguyễn Văn Lộc.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc - 25 tuổi, làm việc tại Văn phòng luật sư tại TP.Hồ Chí Minh:

“Giúp quê hương ngay từ các bạn tân sinh viên”

Điều đầu tiên tôi muốn tạo cho các bạn sinh viên sự tự tin và tình đồng hương gắn bó, tương trợ nhau ở những ngày đầu mới bước chân vào TP.Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là bạn nên đi xe buýt số mấy để đến trường, bạn nên học như thế nào để thi được điểm cao. Ngôi nhà đồng hành dành cho những sinh viên Quảng Nam nghèo hiếu học của tôi đến nay đã được một năm. Trong một năm đó, các em đã được trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để hòa nhập với môi trường năng động nhưng cũng đầy sự cạnh tranh. Và tôi nhận thấy khát khao được học ngoại ngữ của các sinh viên người Quảng. Họ nói rằng, họ muốn học giỏi, nói tiếng Anh tốt để trở về phát triển ngành du lịch Quảng Nam. Họ nói họ muốn quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh thân thiện, cổ kính của Hội An đến với quốc tế.

Tuổi trẻ chúng tôi nghĩ gì về quê hương? Đơn giản lắm, dù chúng tôi làm việc ở bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng nghĩ rằng những gì mình đang làm là đều dành cho quê hương. Điều minh chứng rõ nhất là hầu hết người Quảng thành đạt tại TP.Hồ Chí Minh đều ủng hộ hết sức mình cho quê hương, từ chuyện cứu trợ khi bão lụt đến chuyện trở về xây nhà tình nghĩa, phát học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… Thế hệ đi trước sẽ giúp đỡ thế hệ đi sau. Nếu không nghĩ về tình đồng hương, không nghĩ về quê nhà, có lẽ những người trẻ chúng tôi sẽ không làm được như vậy.

Hồ Vũ Quốc Vương - 33 tuổi, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ tư vấn Gia Minh (TP.Hồ Chí Minh):

“Tạo sức hút đầu tư cho quê nhà”

Ngành nghề giúp tôi tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp. Và nếu ai đó hỏi về Quảng Nam với chính sách thu hút đầu tư, tôi luôn vận dụng tất cả hiểu biết về quê hương để nói. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan, những thông tin về thu hút đầu tư ở Quảng Nam chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Thời buổi phát triển của công nghệ thông tin, những chính sách ưu đãi hoặc những hình ảnh của các nhà máy lớn đã đầu tư ở Quảng Nam cần được quảng bá rộng rãi. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp yên tâm với sự lựa chọn của mình. Với lợi thế về tiềm năng du lịch, nhưng hầu hết trang web của các sở, trung tâm văn hóa không có hình ảnh nổi bật. Chúng ta cần tạo ra một sân chơi, hoặc một diễn đàn, thậm chí là một cuộc thi để thu hút du khách. Chẳng hạn như cuộc thi “khoảnh khắc Hội An” do chính những du khách nước ngoài tham gia…

Chúng tôi, những người trẻ tuổi nhưng luôn tự hào về quê hương của mình. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được góp tiếng nói của mình để quê hương tốt đẹp hơn.

MINH KIỆT (ghi)

MINH KIỆT (ghi)