Mang theo một chút quê nhà
Xã Hòa Sơn, (huyện Krông Pông, tỉnh Đắk Lắk) tọa lạc dưới chân núi Cư Yang Sin hùng vĩ cùng với con thác Krông Kmar xinh đẹp. Có diện tích tự nhiên gần 54km2 với 8.611 nhân khẩu được phân bố ở 14 thôn và 1 buôn, trong đó có thôn Thanh Phú được ghép lại bởi 2 từ sau của xã Tam Thanh và xã Tam Phú (thành phố Tam Kỳ) với hơn 250 hộ, hầu hết là người dân của 2 địa phương này được Nhà nước đưa đi di dân từ năm 1976, nay đã an cư lạc nghiệp.
Tỉnh lộ 12 từ ngã ba Yang Reh về thị trấn Krông Kmar. Ảnh: N.Đ.N |
Nơi quê hương mới
Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, thị xã Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ) đã đưa hàng trăm hộ dân ở các địa phương trên địa bàn đi khai hoang và xây dựng kinh tế mới tại các tỉnh Tây nguyên, mà nhiều nhất là huyện Krông Pông, tỉnh Đắk Lắk.
Mặc dù được Nhà nước quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt nhưng do rừng thiêng nước độc, vắt rừng, muỗi vằn, bệnh sốt rét hoành hành cùng với việc học hành của con em cũng như điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân thiếu thốn, phương tiện giao thông không thuận lợi, tình hình sản xuất bất lợi, nhà ở tạm bợ, đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình cảnh đó, có không ít người không chịu đựng được phải quay về chỗ ở cũ hoặc tự di dân đến nơi ở khác.
Ông Huỳnh Văn Ánh (sinh năm 1960 quê ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh) theo gia đình đi kinh tế mới vào xã Hòa Sơn, huyện Krông Pông từ năm 1976 nhớ lại: “Lúc đó tôi chưa tròn 16 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng phải ngày hai buổi vác rựa theo cha lên rừng phát nương làm rẫy, hoặc vác cuốc, vác cày xuống ruộng cày sâu cuốc bẫm để làm ra hạt thóc, củ khoai nuôi các em ăn học”.
Công việc vất vả, cơm ăn không đủ no và dịch bệnh luôn là mối lo thường nhật nhưng lúc bấy giờ thực hiện cơ chế quản lý tập trung, bao cấp, mọi người phải tham gia hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã kéo theo biết bao hệ lụy như hợp tác xã làm ăn trì trệ, không hiệu quả, đời sống nhân dân lại tiếp tục đói khổ.
Đã khó lại càng khó khăn hơn khi ngày hai buổi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hai tay làm việc quần quật nhưng khoai không đủ ăn chứ nói chi đến gạo nên đã có thơ rằng: “Anh lang hỏi với anh mỳ/ Anh gạo giờ này làm gì ở đâu?/ Anh gạo trả lời một câu/ Tôi ở hợp tác lâu lâu mới về”. Đói nghèo thường hay nảy sinh các tệ nạn trộm cắp, người ăn trộm vẫn biết việc mình làm là phạm pháp nhưng “bần cùng sinh đạo tặc” cho nên lúc bấy giờ có người ăn trộm nhưng rất… văn hóa bằng cách… làm thơ dán trên đám khoai trước khi đào trộm: “Chính sách tôi học đã thông/ Nhưng mà đói quá xin ông 2 hàng”. Người mất khoai rất tức nhưng khi đọc đến những dòng thơ này tự nhiên… hạ giận và cảm thông với người cùng cảnh ngộ.
Đói khổ là vậy nhưng với tính chịu thương, chịu khó, người dân 2 xã Tam Thanh và Tam Phú đã đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn, chung tay góp sức xây dựng nên một làng kinh tế mới trù phú như ngày hôm nay. “Thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con, năm 2002 thôn 2 được đổi tên thành thôn Thanh Phú. Mặc dù cách xa hàng trăm cây số nhưng với cái tên mới này đã gắn liền với hình ảnh quê nhà trong tim của mỗi một người dân chúng tôi” - ông Ánh nói.
An cư lạc nghiệp
Nằm dọc theo tỉnh lộ 12 từ ngã ba Yang Reh về thị trấn Krông Kmar, những cánh đồng phủ một màu xanh của lúa, của khoai, những ngôi nhà ngói đỏ xen lẫn với những hàng cây sum sê hoa trái. Thanh Phú đã thật sự thay da đổi thịt bằng định hướng phát triển nông - lâm nghiệp, đặc biệt đã hình thành các vùng chuyên canh cây nông nghiệp tập trung như bắp, sắn, thuốc lá...
Nếu như những năm trước đây điều kiện đi lại cũng như đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn thì đến nay đã có 100% hộ sử dụng điện sinh hoạt, cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng khang trang, hơn 92% dân số đạt phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em đến trường ở các cấp đạt trên 95%. Đặc biệt, ngoài các tuyến xe nội huyện, nội tỉnh, trên địa bàn huyện Krông Pông đã hình thành được 2 tuyến xe khách chất lượng cao phục vụ nhân dân đi về 2 thành phố lớn, trong đó Đà Nẵng 2 chuyến/ngày và TP.Hồ Chí Minh 3 chuyến/ngày.
Trong một lần đến thăm người bà con ở xã Hòa Sơn mới đây, người viết bài này tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Thức (sinh năm 1956, quê ở thôn Thượng Thanh, xã Tam Thanh) đang chờ xe về Đà Nẵng để thăm quê. Chị Thức cho biết: “Tôi theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới lúc 20 tuổi. Mặc dù phải đối mặt với cái đói, cái nghèo nhưng tôi đã cố gắng theo học ngành sư phạm, ra trường làm giáo viên tại quê hương thứ hai của mình”. Gia đình đang ấm êm bất ngờ chồng chị bệnh nặng rồi qua đời, để lại cho chị một nách 3 con nhỏ. Nhờ có công ăn việc làm ổn định nên chị đã nuôi các con ăn học nên người. Đến nay cuộc sống đã được cải thiện, chị có thời gian để về thăm quê, thăm họ hàng sau nhiều năm xa cách.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1977, quê ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh) là người thuộc thế hệ thứ hai, được sinh ra và lớn lên trên vùng đất đỏ bazan Tây nguyên. Mặc dù ra đời trong thời kỳ còn khốn khó nhưng chị được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Lớn lên gặp người con trai quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cùng đi kinh tế mới tại huyện Krông Pông. Hai người đã tìm hiểu và bén duyên vợ chồng. Hiện chị Lệ là hiệu trưởng trường Mẫu giáo Phong Lan, anh Lê Văn Tư - chồng chị làm chủ doanh nghiệp. Nhà cửa khang trang, con cái được đầu tư học hành đúng hướng, đang hứa hẹn ở một thế hệ mới thứ ba ở vùng đất này.
Đã qua rồi cái thời khốn khó, những người đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Krông Pông, tỉnh Đắk Lắk nói chung, người dân Tam Thanh và Tam Phú nói riêng đáng tự hào vì họ đã phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần cùng người dân bản địa làm nên sự trù phú và phát triển.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC