Tình đồng hương

HOÀNG DUNG 15/04/2015 09:11

Giữa xứ người, trong những cuộc mưu sinh, con người ta vẫn thèm khát những cuộc gặp gỡ đồng hương. Trong tiếng nói ân tình của xứ Quảng, dù trẻ hay già vẫn tìm thấy những khát vọng sống để vươn lên. Đó cũng chính là lý do để những người phụ trách các ban liên lạc đồng hương dù ở cấp xã, huyện hay tỉnh đều đem hết sức mình để kết nối những cuộc gặp gỡ… Và trong tháng 4 rực rỡ nắng vàng phương Nam, người Quảng từ Sài Gòn, Bình Thuận, Lâm Đồng, miền Tây Nam Bộ đã lần lượt tụ hội trong những ngày gặp mặt đồng hương đậm nghĩa tình.

Gặp gỡ giao lưu với nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Tổng tiến công giải phóng miền Nam tại Ngày hội đồng hương Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.D
Gặp gỡ giao lưu với nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Tổng tiến công giải phóng miền Nam tại Ngày hội đồng hương Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.D

Quê nhà trong tim

Lên danh sách, ngồi viết từng tấm thiệp mời. Họp ban chấp hành hội, thu thập bài viết để làm kỷ yếu, duyệt kịch bản chương trình gặp mặt…, những chuyện có thể nhẹ nhàng, bình thường với người trẻ, nhưng với người đã ở tuổi 80 như ông Trần Châu Khanh - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh là sự cố gắng lớn. Ông chia sẻ: “Hồi chưa nhận làm công việc của hội đồng hương, tôi luôn nghĩ đây là chuyện đơn giản, chỉ gặp mặt trò chuyện, ăn uống rồi ra về. Đến khi nhận nhiệm vụ rồi mới thấy đâu phải như vậy là xong. Tổ chức gặp mặt đồng hương phải để làm sao người thành đạt hay người còn khó khăn gặp nhau mà không có khoảng cách nào cả. Gặp đồng hương là phải thấm tình thấm nghĩa, là phải làm sao cho người già thấy trân quý những phút giây còn lại của cuộc đời, người trẻ thấy cần phải cố gắng hơn nữa nơi xứ người”. Và chính bằng trăn trở như vậy, ông đã đồng hành với hoạt động đồng hương của người Quảng hơn 4 năm qua, tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa thiết thực cho đồng hương và quê nhà.

Ra đời và đồng hành với người Quảng xa quê hơn 20 năm qua giữa Sài Gòn, Hội đồng hương Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức gặp mặt đồng hương, nhưng phải đến tháng 3.2013, một ngày hội gặp mặt đồng hương Quảng Nam thực sự có quy mô mới được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen, thu hút hàng nghìn bà con xa quê tham gia. Các hoạt động tổ chức trong ngày hội của người Quảng đã gây được nhiều ấn tượng trong lòng mọi người. Cũng chính từ cuộc gặp gỡ quy mô và ấn tượng này, hoạt động đồng hương của người Quảng Nam đã nhận được sự đánh giá cao từ phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Đức Hải - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam trong một lần gặp mặt đồng hương đã chia sẻ: “Ngày gặp mặt đồng hương không chỉ là dịp cho những người Quảng Nam xa xứ gặp mặt, hàn huyên để thỏa nỗi niềm của những tháng ngày xa quê. Đây cũng là cơ hội gắn kết bền chặt giữa bà con xa quê và quê hương. Đến đây và nghe những lời chân tình mới thấy hết được nỗi lòng của người đi xa. Họ vui mừng và tự hào khi quê hương thay đổi, phát triển. Họ cũng như có lửa đốt trong lòng mỗi khi quê nhà có bão lũ. Suốt thời gian qua, dù ít hay nhiều, người dân Quảng Nam đã luôn ấm áp hơn bởi những tấm lòng của đồng hương Quảng trên mọi miền đất nước”.

Tấm lòng người trẻ

Điều khiến không ít người Quảng Nam trẻ ở Sài Gòn ngạc nhiên khi Nguyễn Ngọc Khôi - người thành lập trang Diễn đàn Thanh niên Quảng Nam luôn tổ chức thành công những trận đấu, giải đấu bóng đá đồng hương đầy khí thế và hừng hực lửa. Không tính đến yếu tố chuyên nghiệp, với Khôi, một trận bóng đá đồng hương phải hội tụ đầy đủ những yếu tố đồng hương. Nghĩa là có sự ủng hộ từ phía hội đồng hương, được các doanh nghiệp đồng hương tài trợ và cầu thủ của các đội dĩ nhiên đều là đồng hương Quảng. Ngọc Khôi chia sẻ: “Sau nhiều giải đấu được tổ chức thành công, tôi nhận thấy, dù rằng sẽ có những cuộc đua tranh nảy lửa trên sân bóng, nhưng ẩn đằng sau đó là tình đồng hương vô cùng ấm áp. Mỗi một cái tên của xã, hay huyện nào đó được xướng lên trong một trận đấu đều mang lại niềm tự hào vô cùng kỳ lạ của người tham gia lẫn người cổ vũ. Ở đó, tình quê trong mỗi người được trỗi dậy bằng những cái nắm tay thật chặt, bằng sự cố gắng chiến thắng đúng theo tinh thần chịu khó, quyết tâm của người Quảng”.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, kéo theo tình đồng hương trên các fanpage do đồng hương Quảng lập ra cũng vô cùng mạnh mẽ. Từ câu chuyện một cô bạn đồng hương tốt nghiệp đại học ra trường nhưng chưa tìm được việc làm nên mở quán bánh mỳ Hội An để kiếm sống được cộng đồng người Quảng lan truyền đã khiến tủ bánh mỳ của cô bán không kịp nghỉ. Từ câu chuyện nông dân quê nhà đớn đau vì bán rẻ dưa hấu bởi lũ trái mùa được các thành viên chia sẻ và một chiến dịch bán dưa giúp nông dân Quảng Nam đã được lập nên. Bạn Trần Trà My - sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đi học ở Sài Gòn, mỗi năm mình chỉ về quê một vài lần, và nhận ra rằng, chỉ có sống xa nhà mới thấy quý tình đồng hương. Đôi lúc đau ốm nằm trong phòng trọ, nghe được tiếng của đứa bạn người Quảng thôi cũng đỡ tủi thân. Mấy năm gần đây, năm nào mình và các bạn cũng đi họp đồng hương. Hôm rồi đi họp nghe được câu chuyện về chú Bùi Văn Tùng - người thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc mà tụi mình thấy tự hào lắm. Người Quảng mình đi đâu cũng rất giỏi! Vậy nên, tụi mình thấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để không hổ thẹn với gốc gác Quảng Nam yêu thương”.

HOÀNG DUNG

HOÀNG DUNG