Trái tim nhân hậu

PHẠM ANH 03/01/2015 09:45

Chị nói mình kiếp trước như có nợ với đồng bào Tây Nguyên nên ở cái tuổi đôi mươi đẹp nhất đã tạm biệt quê nhà Tam Phú (Tam Kỳ) lên tận đây sinh sống. Hơn 30 năm sống với đồng bào, với chị Võ Thị Lễ - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long, huyện Kon Plông (Kon Tum) rất nhiều chuyện vui buồn. Phía sau những chuyện ấy là tấm lòng sẻ chia và nghĩa tình của người con gái xứ Quảng nhân hậu…
Giành giật với thần chết…

Mỗi khi có ai hỏi đến Y Nôn là A Hành ở làng Nước La (thôn Đăk Sút, huyện Kon Plông, Kon Tum) bảo: “Ô! Nó giờ là con Y Lễ rồi, vì Y Lễ cứu sống nó, còn tao đẻ ra chứ có cứu nó đâu…”. Mọi người cười ầm lên và thi nhau kể về chuyện cách đây một năm, chị Võ Thị Lễ đã giành giật lại sự sống cho Y Nôn...

Chị Võ Thị Lễ và bé Y Nôn. Ảnh: PHẠM ANH
Chị Võ Thị Lễ và bé Y Nôn. Ảnh: PHẠM ANH

Cuối năm 2013, bé Y Nôn bị bệnh toàn thân mọng nước và khi bong ra, khắp người bị lở loét nên nghỉ học. Nhà trường cử người đến thuyết phục gia đình, nhưng A Hành yên lặng, mẹ Y Đương cũng không nói gì. Giáo viên Trường Tiểu học Đăk Long báo cho chính quyền biết và bé Y Nôn tội nghiệp được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kon Plông chữa trị. Tại đây, em được chẩn đoán viêm da nhiễm trùng toàn thân. Đang điều trị thì ngày 24.12.2013, A Hành và vợ âm thầm dắt bé Y Nôn trốn khỏi bệnh viện đưa con về nhà. Với người Mơ Nâm xứ này, gia đình có ai đau bệnh thì hay xem bói. Ba mẹ Y Nôn cũng thế, khi nghe thầy bói trong làng phán “con Y Nôn bị ma rừng bắt tội, ăn hết tim, gan rồi nên không chữa trị được mà phải cúng nó cho ma rừng”, dù ai thuyết phục cũng cương quyết không cho con mình đi điều trị tại bệnh viện. Thế nhưng cúng mãi bệnh vẫn không thuyên giảm, ba mẹ dựng một căn lều ngoài bìa rừng đưa bé Y Nôn ra nằm thoi thóp ở đó.

Giấy khen điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Kon Plông tặng chị Võ Thị Lễ. 
Giấy khen điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Kon Plông tặng chị Võ Thị Lễ. 

Chị Võ Thị Lễ kể, đầu năm 2014, khi ra quân làm đường giao thông thì phát hiện bé Y Nôn lúc này đã thoi thóp, sốt cao. Mọi việc từ vệ sinh, ăn uống của bé đều do một đứa trẻ 13 tuổi, là anh trai bé Y Nôn đảm nhận. Lúc phát hiện, bé Y Nôn toàn thân lở loét, hôi thối, chị Lễ bế Y Nôn lên trên tay, thương đến chảy nước mắt. Chị nói: “Mình đổ sữa vào, thấy bé nuốt và dần dần nhận biết xung quanh. Mình bảo, các bác sẽ cứu cháu sống. Bé Y Nôn nói dạ rồi khóc”. Đau lòng quá, chị Lễ và chính quyền xã Đăk Long liên lạc với Trung tâm Y tế huyện Kon Plông cho xe cấp cứu vào để đưa em đi nhưng ba mẹ Y Nôn cương quyết không cho. Không bỏ cuộc, chị Lễ quyết tâm cứu bằng được đứa trẻ bé bỏng này. Nhưng muốn vậy thì phải nói làm sao cho ba mẹ bé “ưng cái bụng” nên chị tìm đến nhà A Hành và Y Đương để thuyết phục. “Nói một hồi, nghe A Hành bảo đi bệnh viện lấy gì ăn. Đơn giản quá, mình lo được. Mình mừng muốn ngất xỉu. Vậy là tức khắc đưa Y Nôn đi ngay. Nói thì nghe đơn giản, nhưng quả thật khi trực tiếp đưa bé Y Nôn lên sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, các y bác sĩ phải… chạy vì mùi hôi toát ra từ bé, có những con giòi vẫn còn nằm trong da thịt. Cái mền đắp lên người cháu cũng dính vào da. Sự sống mong manh lắm…” - chị kể.

Qua được lúc nguy cấp ấy, bé Y Nôn lần lượt được đưa đi cứu chữa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Da liễu trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn). Hai tháng sau em xuất viện, người đón Y Nôn tại TP.Kon Tum cũng lại là “mẹ Y Lễ”. Và cho đến bây giờ em xem chị Lễ như người mẹ thứ hai.  

Duyên nợ với Tây Nguyên

Năm 2014, chị Võ Thị Lễ được khen là cá nhân tiêu biểu điển hình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Kon Plông và là người duy nhất của huyện này được cử đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến về học tập làm theo lời Bác của tỉnh Kon Tum sắp đến.

Hơn 30 năm xa quê, nhưng chị Lễ vẫn nói tiếng Quảng Nam nặng trình trịch. “Năm 1984, tròn 20 tuổi là mình rời quê Tam Phú lên Tây Nguyên. Không phải ở quê  khó tìm việc nhưng không hiểu sao lại muốn đi. Hồi đó, biết không giữ được con gái, mẹ mình đành cho đi nhưng đe với hàng tá “không”: mi lên nớ không được ăn uống chung, không ngủ chung, không đi làm chung với đồng bào người Thượng,... Không nghe lời, bị thư là… chết cha mi” - chị kể lại. Ban đầu chị cũng hơi lo lo. Thế nhưng hai tháng đầu chờ việc, “mình thấy họ chân chất thiệt thà như người Quảng Nam chứ khác chi”. Thế là quên mất lời mẹ dặn, chị Lễ cứ đi rẫy chung, nói chuyện, ăn uống thân mật với đồng bào. Họ bắt Lễ kể chuyện dưới đồng bằng, chuyện biển xanh thẳm, chuyện người Kinh làm lúa nước… Cô gái người Tam Kỳ bày đồng bào bản địa cách gieo trồng, chăm sóc cây hoa màu, nuôi gia súc...

Như duyên nợ tự kiếp nào, mỗi khi về với đồng bào trong làng là chị Lễ vui lắm. Nhiều bạn bè nói vui khi cùng chị “về nhà”: thấy ai lam lũ, không có quần áo lành để mặc: thương; thấy trẻ con bơ vơ không ba mẹ chăm sóc: thương; thấy các bà vợ có chồng uống rượu bê tha: thương... Chị kể, những năm làm Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông, khi xuống xã, về làng chị thường chạy xe Honda 67, phía sau lúc nào cũng chở thêm quà của cơ quan và cá nhân ủng hộ như quần áo, gạo, mắm, cá khô… “Bà con không biết nói cảm ơn, nhưng thấy mắt họ sáng lên, mình vui vô cùng”. Ấy là chưa kể, khi chạy xe máy về làng, ai đi nhờ xe là chị đưa đến tận nơi tận chỗ. Như chuyện gần đây, đang đi công tác từ làng về huyện Kon Plông, thấy 2 mẹ con đi bộ, chị Lễ hỏi và biết họ đi khám bệnh. Thế là chị chở 2 mẹ con đến Trung tâm Y tế huyện, nhưng lúc đến đúng vào giờ nghỉ trưa, chị phải mua cơm cho 2 mẹ con và mình cùng ăn, rồi chờ đến đầu giờ chiều để dắt họ vào khám vì bà mẹ cứ đòi về vì thấy đứa con có vẻ… khỏe lại. Hay như một lần chị Lễ về làng Kon Leng, thấy đứa trẻ hơn một tuổi đang bế em trong bộ áo quần lấm lem. Hỏi ra chị mới hay mẹ của 2 đứa trẻ mất rồi, còn cha chúng thì rượu chè bê tha suốt ngày. Cầm lòng không được, chị rơi nước mắt. Hôm đó, chị đứng ra dọn quét nhà cửa cho gia đình này, rồi bỏ tiền cá nhân và huy động phụ nữ mua sữa, đồ ăn cho 2 đứa trẻ. Từ đó đến giờ, chị như mẹ đỡ đầu của 2 đứa, có quà là gửi về cho.

Cái tên Võ Thị Lễ với đồng bào đã được thay đổi, họ gọi chị là “Y Lễ”, xem chị như người con của làng, của những gia đình khó khăn. Bây giờ, thấy bóng dáng chị về, nhiều người trong làng bảo nhau “hôm nay Y Lễ nó về đấy. Đến nhà rông nghe nó nói cái gì”. Những điều chị Lễ nói, bà con đều tin và làm theo. Như chuyện bé Y Heng ở làng  Kon Ke 2 (xã Đăk Long) phát bệnh như Y Nôn ngày trước và cũng bị cha mẹ bỏ rơi không cứu chữa, sau đó nhà trường, chính quyền thôn, xã và các hội đoàn thể vào cuộc khuyên nhủ, Y Heng vẫn không được ba mẹ đưa đi bệnh viện. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Long là Trần Thông phải đến nhờ “Y Lễ” giúp. Thế là chị xuống nhà, thấy mẹ bé Y Heng mang bầu, hỏi: vất vả không, người mẹ bảo có. “Bé Y Heng 7 - 8 tuổi rồi, đau ốm như vầy sao em không đưa cháu đi bệnh viện?” Chỉ cần một lời chị Lễ như thế, gia đình đưa Y Heng đã gật đầu cho đi chữa trị và khỏi hẳn. Gia đình ấy vui, còn chị Lễ lại có thêm… một đứa con mà chính chị giành sự sống với ma rừng, với thần chết bí ẩn trong tâm linh sâu xa của đồng bào bản xứ. Mới đây, Huyện ủy Kon Plông làm việc với Đảng ủy xã Đăk Long về vấn đề nhân sự để đưa chị Lễ về huyện làm việc, cán bộ xã ở đây nuối tiếc: chị đi rồi, bà con đau ốm, biết ai lo? Chị Lễ nghèn nghẹn: “ai đau ốm, cứ gọi cho chị”. Và, nguyện vọng của chị là muốn ở lại với xã, với dân của 7 làng xã Đăk Long…

PHẠM ANH

PHẠM ANH