Ấm tình người Quảng ở thủ đô
Tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau đủ điều. Giọng Quảng không đặc sệt nhưng chất Quảng vẫn y nguyên. Ngày gặp mặt đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội diễn ra vào cuối tuần qua (24.2, tại nhà khách Văn phòng Chính phủ, số 10 Chu Văn An, Hà Nội) nồng ấm trong biết bao kỷ niệm quê nhà…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải với bà con đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội.Ảnh: M.KIỆT |
“Về” gặp người thân quen
Chương trình “Gặp mặt đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội” bắt đầu từ 8 giờ sáng, nhưng mới 7 giờ, ông Phạm Quang Giáng (quê Thăng Bình) đã bảo con trai đưa đến để sớm được gặp và trò chuyện với bà con đồng hương. Năm nay đã 109 tuổi, ông Giáng vẫn nói chuyện bằng giọng Quảng Nam giòn tan: “Tết năm nào tôi cũng đợi đến ngày này để được gặp bà con đồng hương. Tuổi đã quá 100 rồi, sáng nào cũng ngồi nhớ cái hồi còn ở quê, rồi thèm cái cảnh được đi dạo quanh xóm cũ. Nhưng con cháu không cho về quê nữa vì sợ sức khỏe tôi không đảm bảo, thôi thì đến đây với bà con mình, coi như đã được về quê cho vơi nỗi nhớ cố hương”. TS. Nguyễn Hữu Phước (từng công tác tại Quân đoàn 4, và là hội viên Hội Doanh nghiệp Việt Nhật) cũng xúc động không kém khi được trò chuyện với bà con đồng hương, sẻ chia những câu chuyện, cuộc sống nơi xứ người.
Tại khuôn viên nhà khách Văn phòng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng đã có mặt để chào đón bà con đồng hương Quảng Nam từ 7 giờ sáng. Sự gần gũi, ân cần, thấm tình người của các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm cho buổi sáng Hà Nội lạnh căm bỗng trở nên ấm áp lạ thường. Nắm chặt tay ông Phạm Quang Giáng, Bí thư Nguyễn Đức Hải chúc ông thêm sức khỏe để sống lâu hơn. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đến buổi gặp mặt từ rất sớm. Bà chia sẻ: “Bao nhiêu năm rồi, cộng đồng người Quảng ở đây trải qua nhiều thế hệ vẫn giữ những kỷ niệm về quê nhà. Cứ mỗi năm gặp mặt tại đây, từng thế hệ già cứ vơi dần đi vì thời gian, lại thấy những người trẻ thành đạt ân cần đưa ông bà, cha mẹ đến gặp mặt đồng hương… Như vậy mới thấy được người dân mình ở đây cần lắm những tình cảm quê hương”.
“Thời gian tới đây, chính quyền Quảng Nam sẽ nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư từ các chủ doanh nghiệp là con em Quảng Nam xa quê. Chúng tôi hứa sẽ quyết tâm và đồng hành với doanh nghiệp muốn trở về đầu tư tại quê nhà. Chính quyền và nhân dân Quảng Nam luôn tin tưởng vào sự đồng lòng của bà con xa quê với quyết tâm đưa quê hương phát triển ngày một tươi sáng, hiện đại hơn”. (Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh) |
Khác với đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, cộng đồng người Quảng tại Hà Nội ít hơn về số lượng và phần lớn đã cao tuổi. Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí - Trưởng ban Liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội cho biết: “Người Quảng ở Hà Nội bây giờ phần lớn đã qua tuổi 60 nên các hoạt động gặp mặt thường khó tổ chức. Những năm qua, Ban Chấp hành Hội đồng hương vẫn theo dõi sát sao bà con mình, hằng năm đi thăm hỏi, chúc sức khỏe các cụ cao niên, tổ chức trao học bổng khuyến học cho con em Quảng Nam có thành tích học tập tốt. Chúng tôi cũng đã tích cực vận động những doanh nhân thành đạt ủng hộ, giúp đỡ bà con quê nhà khi thiên tai, bão lũ… Ngày thường, gặp nhau chỉ một vài người thôi, có mấy khi được tề tựu đông đủ như thế này”.
Hướng về quê nhà
Ngày gặp mặt hôm ấy, đã có biết bao tâm tình hoài niệm cố hương được thổ lộ. Ở góc cuối hội trường, bà Nguyễn Thị Cúc (quê Điện Bàn) khẽ chặm nước mắt rồi thủ thỉ với bà Trương Thị Hoa (người cùng quê): “Rứa là hơn 40 năm xa quê hương rồi. Chắc khi nhắm mắt xuôi tay cũng nằm lại đất này!”. Bà Hoa chia sẻ: “Bà cũng đừng buồn nữa. Dù gì thì quê hương cũng đã ở trong tim những người như chúng ta suốt bao nhiêu năm qua!”.
Niềm vui ngày gặp mặt và nhận tờ báo xuân Quảng Nam. |
Như thấu hiểu được tấm lòng của những đồng hương đến tham dự buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh tâm sự cùng bà con quê hương: “Suốt bao năm qua, đồng hương Quảng Nam ở Hà Nội tuy hoạt động không nhộn nhịp bằng những nơi khác, nhưng chúng tôi đã và luôn nhận được những đóng góp to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho quê hương của bà con. Chính sự đồng lòng, sát cánh luôn hướng về quê nhà đã khiến chúng tôi thêm vững tin trước những chiến lược, chính sách kinh tế để đưa Quảng Nam phát triển vững mạnh hơn. Chúng tôi luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người con xa quê, vì chúng tôi biết rằng đó chính là những trăn trở, nghĩ suy, mong muốn làm sao để Quảng Nam ngày càng phát triển hơn của bà con”.
Vừa từ Quảng Nam trở lại Hà Nội sau chuyến công tác dài ngày, ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Mỗi lần trở về Điện Bàn, tôi lại nghĩ, mình phải làm gì để mang những dự án đầu tư cho quê hương. Người ta thường nói “nói thì dễ, làm khó”. Nhưng tôi nghĩ, làm cũng dễ thôi, nếu như chúng tôi có được cầu nối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư”. Hiện tại ông Phước đang làm cho một tổ chức đầu tư không hoàn vốn của Nhật Bản. Vấn đề ông đang quan tâm là tìm đối tác đầu tư những khu du lịch sinh thái ở Điện Bàn và ông sẵn sàng nỗ lực đem về những dự án tốt nhất cho quê nhà. Tuy nhiên, vấn để ông Phước đưa ra cũng đã và đang được nhiều doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt tán thành là: những thông tin về đầu tư, doanh nghiệp của Quảng Nam còn rất là ít. Chính sách thu hút đầu tư của chính quyền Quảng Nam cũng không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, lãnh đạo Quảng Nam nên có những cuộc gặp mặt riêng với các doanh nghiệp đồng hương ở Hà Nội để họ có thể đem về cho quê hương những dự án đầu tư lớn, giàu tiềm năng…
Buổi gặp mặt kết thúc bằng bữa tiệc thân mật với những món ăn đậm chất Quảng Nam như bê thui chấm mắm cái, mì Quảng, bánh tét... Ông Trần Thiên Hướng đã 80 tuổi nhưng vẫn còn có thể ăn món bê thui một cách thích thú. Ông bảo: “Phải hơn 10 năm rồi, hôm nay mới lại được thưởng thức hương vị mắm cái đúng điệu Quảng Nam. Còn món mì Quảng, gắp một đũa, cắn trái ớt xanh nghe rau ráu là thấy “đã” rồi!”.
MINH KIỆT