Về quê ăn tết - Bài cuối: Ấm tình người xa quê
Con đường về quê dẫu lắm gập ghềnh nhưng tình đồng hương ấm áp lạ kỳ. Khi ngoài đường phố Sài Gòn đủ sắc xuân, người Quảng dù có đi về hay ở lại vẫn thấy lòng mình bình yên và ấm áp!
|
Chị Lan chuẩn bị về quê, khoe tấm vé xe do bạn bè tặng.Ảnh: MINH KIỆT |
Cầm 3 chiếc vé xe của nhóm bạn thân tặng gia đình về quê ăn tết, chị Nguyễn Thị Lan nghẹn ngào không nói nên lời. Cùng nhau rời quê hương từ tuổi 18, nhóm bạn của chị giờ đây ai cũng ăn nên làm ra, người nào cũng có nhà cửa đề huề ở Sài Gòn; riêng vợ chồng chị vẫn ở trọ và sống nhờ vào đồng lương công nhân còm cõi. Đã hơn 5 năm rồi, vợ chồng chị không về quê ăn tết. Ước mơ một đêm giao thừa được ngồi bên cha mẹ giờ đã thành hiện thực khi nhóm bạn cùng quê tặng vợ chồng chị và đứa con gái 6 tuổi vé xe về quê ăn tết. Chị Lan xúc động bảo: “Mấy đêm rồi chị ngủ không được. Mình tha hương mưu sinh nhiều năm, giờ mới được trở về đón tết quê, nôn nao còn hơn ngày về nhà chồng. Suốt mấy năm qua, xa quê nhưng lòng chị vẫn ấm khi được bạn bè đồng hương thương yêu đùm bọc. Quần áo của con mình, bạn cũng mua cho để về quê được tươi tắn hơn, thiệt là chẳng biết nói sao cho hết tấm chân tình này”.
Từ Gò Vấp, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng lên đường Lê Lâm (quận Tân Phú) để theo xe của anh Phạm Văn Tư về Thăng Bình. Anh Tư có ô tô nên năm nào cũng lái xe về quê ăn tết và thường gọi những bà con có hoàn cảnh khó khăn đi cùng. Nhưng cũng đâu được mấy trường hợp cả gia đình may mắn đi nhờ xe về quê như ông Hùng. Chiều chủ nhật, ở nhà xe Đình Nhân (620 Bình Long, Tân Phú) đông nghịt người chờ xe. Người đến đây không phải ai cũng được khăn gói lên xe về quê. Người ta đưa nhau ra bến xe, tiễn nhau để lấy cái không khí háo hức được trở về, ở đó thấm đẫm tình người, gửi về cho cha mẹ già chiếc áo, gửi về cho bạn đôi giày đẹp, nhắn lời chúc về quê ăn tết vui cùng gia đình...
Tình người trong những ngày cuối năm còn lan tỏa khắp những khu công nghiệp, ở các trường đại học. Tính đến thời điểm này, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (Hepza) đã hỗ trợ 6 nghìn vé xe cho công nhân nghèo có 3 năm không về quê đón tết, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 710 triệu đồng vận động từ các doanh nghiệp. Năm nay, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.Hồ Chí Minh cũng đã tặng gần 3 nghìn vé xe tết cho sinh viên nghèo có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh miền Bắc, Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Mới đây nhất, tại Đồng Nai, Công đoàn Các khu công nghiệp Đồng Nai đã tặng 100 vé xe cho công nhân có từ 2 năm chưa về quê ăn tết. Ngoài ra Liên đoàn Lao động Đồng Nai còn dành tặng hơn 1.700 phần quà tết cho công nhân, người lao động nghèo.
Tạm biệt Sài Gòn Với nhiều người, lần về tết này là lần cuối cùng họ ở Sài Gòn sau bao năm bôn ba mưu sinh, kiếm sống, khi quyết định trở về làm công nhân tại quê nhà… Chiều nay là buổi làm việc cuối cùng tại xưởng may Thu Dung, chị Võ Thị Thanh đứng chần chừ mãi với nhóm may của mình rồi mới nói câu tạm biệt. Ngày mai chị sẽ lên đường về quê và sẽ không vào lại nữa. “Sau 4 năm làm công nhân may ở Sài Gòn, nay chị quyết định về quê làm ăn sinh sống. Ở đây, muốn lập gia đình, sinh con đẻ cái cũng khó; về quê dù răng cũng có cha mẹ, ông bà, mức chi tiêu cũng ít hơn nên chắc không đến nỗi khó khăn. Ở quê chị nay cũng đã có công ty may, chị liên lạc về hỏi thăm và đã được nhận vào làm công nhân” - chị Thanh cho biết. Không chỉ chị Thanh mà nhiều công nhân khác cũng đang tính đường về quê lập nghiệp vì quê hương đang rộng mở đón họ về. Anh Lê Thế Huynh - công nhân may lành nghề cho hay: “Nhà anh ở Phú Ninh, mấy tháng trước nghe mẹ điện vào nói ở Chợ Lò mới xây dựng nhà máy may Hòa Thọ nên làm hồ sơ gửi về nhờ mẹ nộp. Đợi nhận thưởng tết, giải quyết bảo hiểm xong xuôi là anh về quê luôn. Nghe nói lương công nhân may ở quê mình giờ khá lắm, tay nghề cao thì thu nhập mỗi tháng có thể được 6 - 7 triệu đồng là bình thường. Vậy thì tính đường về quê chứ tha hương chi nữa”. Quanh các dãy phòng trọ ở Khu công nghiệp Tân Bình, nhiều công nhân đang chở đồ gửi xe tải về quê, mấy thứ như bàn ghế thì bán rẻ hoặc cho những công nhân khác. Cả 3 phòng trọ ở đường CN1 mấy hôm nay rộn ràng vì 6 công nhân quê Quảng Nam ở đây quyết định về quê lập nghiệp. Chị Lê Thị Ngọc Hà (quê Điện Phước, Điện Bàn) vui vẻ nói: “Năm ngoái cũng tính ở quê luôn rồi nhưng còn lấn cấn mấy cái chế độ trong này nên vào làm thêm một năm nữa. Nghe chị về quê, mấy đứa cùng dãy trọ cũng quyết theo về. Hồi xưa ở quê mình không có nhà máy, xưởng may nên mới phải vào đây làm công nhân, giờ nhà máy mọc lên như nấm thì sợ gì không có việc làm ở quê. Không sống ở đâu bằng quê hương mình, nên trở về là lựa chọn tốt nhất”. |
MINH KIỆT