Gặp người Quảng nơi đất khách

Ghi chép của ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC 12/07/2014 12:44

Năm 2010, cùng với các serie phim tài liệu phản ánh đời sống xã hội, những giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử, chiến tranh cách mạng… Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) thực hiện những tập phim về người Quảng xa quê trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ những người con xa xứ và cảm nhận rõ về cốt cách Quảng Nam của họ nơi xứ người…
Hơn ba năm trôi qua, dẫu bàn chân chúng tôi chưa thể đi khắp đất nước để ghi lại những thước phim về người Quảng Nam xa xứ, nhưng có một điều chắc chắn, mỗi lần “đụng” đến đề tài này “trái tim nghề nghiệp” của chúng tôi lại ngân rung những cảm giác khó tả. Nó giống như lúc ta đang đơn độc giữa rừng người xa lạ, bỗng vang bên tai một giọng nói Quảng Nam quen thuộc và thân thương vô cùng. Thật lạ, cũng là giọng nói ấy, cốt cách ứng xử và giao tiếp mà hằng ngày ta vẫn thường va đập như là cơm ăn, nước uống… lại trở nên quá đỗi thân tình khi bất chợt gặp gỡ, chuyện trò nơi đất khách quê người. Trong lần thực hiện các tập phim về người Quảng ở cao nguyên Lâm Đồng mới đây, sau nhiều ngày lang thang theo bước chân người Quảng xa xứ từ Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng và vùng ngoại vi thành phố Đà Lạt, đến thăm khu du lịch thác Prenn nổi tiếng, giọng nói rặt Quảng của cô gái Duy Xuyên có cái tên khá đẹp Dương Hương Ly đã khiến những người làm phim chúng tôi xao xuyến một nỗi gì thật khó tả. Không hẳn vì Hương Ly xinh đẹp mà chúng tôi tự hào vì cô là người Quảng. Lại càng không phải câu chuyện Hương Ly kể về xuất xứ cái tên của mình là do ba mẹ cô yêu mến bài thơ “Đất quê ta mênh mông” lấy cảm hứng từ mảnh đất Quảng Nam với những hào hùng, đau thương và oanh liệt trong chiến tranh của nhà thơ Dương Hương Ly mà đặt tên cho cô. Cái chính là giữa một khu du lịch sinh thái ở xứ sở ngàn hoa, giữa muôn ngàn màu sắc, thanh âm… bỗng nhiên có một giọng Quảng Nam làm nên hiệu ứng rất đặc biệt là truyền cảm xúc đến với những người đồng hương nơi đất khách quê người. Chúng tôi cảm thấy vui với ý nghĩ, hóa ra con gái quê mình cũng xinh, cũng hoạt bát, bặt thiệp...

Gặp mặt đồng hương người Quảng ở Cần Thơ.Ảnh: K.ĐỨC
Gặp mặt đồng hương người Quảng ở Cần Thơ.Ảnh: K.ĐỨC

Làm phim về người Quảng xa quê, chúng tôi được đặt chân đến những miền quê khắp dọc dài đất nước, được thăm thú cảnh sắc non ngàn và khám phá cuộc sống cũng như phong tục, tập quán ở mỗi vùng đất mình đi qua. Đó chính là cái thú của người làm nghề truyền hình. Nhưng vượt lên trên hết chính là niềm tự hào và hãnh diện vì những người đồng hương của mình. Tự hào vì họ, dẫu là người xa quê bôn ba mưu sinh nơi đất khách quê người, dẫu cuộc sống của nhiều người trong số họ cũng không mấy khá giả, nhưng tất cả đều biết vươn lên, đem cái cần cù, chịu thương chịu khó, sống khiêm nhường và hòa nhã giữa cộng đồng… để làm nên “cốt cách” Quảng Nam khó lẫn vào đâu được.

Phóng viên QRT tác nghiệp ở Bảo Lộc - Đà Lạt.
Phóng viên QRT tác nghiệp ở Bảo Lộc - Đà Lạt.

Chúng tôi còn nhớ lần đi Nghệ An để thực hiện những thước phim về người Quảng ở xứ sở sông Lam núi Hồng vào năm 2011 với nhiều cảm xúc khó nói nên lời. Lần ấy, từ thành phố Vinh, ngược lên miền tây xứ Nghệ gần 200km, băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn của nông trường 1.5 huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tiếp ở xóm Bình Hải xã Nghĩa Bình. Mẹ Tiếp là người con của quê hương Duy Nghĩa - Duy Xuyên nhưng vì duyên phận đời người mà gắn bó trên đất Nghĩa Đàn như là hình tượng đẹp về tình người cao cả, về đức hy sinh vô ngần và về cốt cách của một người mẹ Quảng Nam trung hậu tuyệt vời. Câu chuyện về mẹ Tiếp chúng tôi đã có dịp kể cùng khán thính giả trong hai tập phim tài liệu “Người Quảng ở Nghệ An” và ký sự phát thanh ba kỳ: “Theo bước chân người xa xứ”. Thiết nghĩ, chỉ có những người mẹ xứ Quảng can trường mới có thể vượt qua và sống trọn đạo làm người như thế. Mẹ Tiếp có chồng thoát ly tham gia cách mạng rồi tập kết ra Bắc.  Một mình mẹ nuôi con khôn lớn để trở thành một du kích gan dạ ở đất Duy Nghĩa. Năm mẹ Tiếp bị địch bắt vào tù vì làm cơ sở cách mạng, cũng là năm con trai mẹ hy sinh trong một trận chống càn. Ngày giải phóng, chồng mẹ trở về, mang theo đứa con út của nguời vợ thứ hai ở Nghĩa Đàn - Nghệ An. Mẹ chết lặng với những nỗi niềm chồng chất, nhưng mẹ vẫn gạt nước mắt cùng chồng mang đứa nhỏ ra Bắc cho mẹ nó. Khi đến Bắc, người vợ thứ hai của chồng lâm bệnh rồi mất đột ngột. Không còn lựa chọn nào khác, mẹ đành ở lại Nghĩa Đàn để chăm nom đàn con nhỏ của chồng. Nhưng còn mồ mả người con trai ở Duy Nghĩa biết làm sao thăm nom hương khói? Vậy là mẹ lặn lội về Quảng đưa hài cốt con trai ra an táng ở Nghĩa Đàn rồi từ đó yên tâm nuôi nấng bốn đứa con chồng khôn lớn, dựng vợ gả chồng yên bề gia thất… Ai có thể vượt qua hết mọi nỗi đau cuộc đời để sống trọn đạo làm người như mẹ Tiếp - người mẹ Quảng Nam trên đất Nghĩa Đàn, đã làm trái tim chúng tôi rưng rưng một niềm kính phục vô ngần.

Làm phim về người Quảng xa quê, điều khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm và tự tin với những nhận định, suy nghĩ và cả những thước phim ghi được là nhờ sự giúp đỡ tận tình của bao đồng hương nơi đất khách quê người. Cái tình ấy, dù đi bất cứ nơi đâu, hễ gặp người Quảng và nghe những câu chuyện họ kể về giềng mối quê hương, về sự đoàn kết gắn bó giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau, hoạn nạn… thông qua từng cá nhân hay hội đồng hương Quảng Nam nơi đất khách quê người luôn khiến chúng tôi ấm lòng. Khi về miền sông nước Cần Thơ, gặp những người đồng hương xứ Quảng như anh Lê văn Lộc, người biết trân quý và tận tình giúp đỡ đồng hương không từ nan điều gì. Chuyện kể của anh vừa hài hước lại vừa cảm động. Rằng, có hôm anh đang chạy xe máy trên đường phố Cần Thơ, bất chợt gặp một xe máy mang biển số 92H chạy vượt qua, anh lập tức tăng ga, đuổi theo với mục đích hỏi thăm có phải người Quảng Nam hay không. Ai dè, người phía trước thấy có kẻ đuổi theo mình ngỡ là  cướp giật nên cũng tăng ga bỏ chạy. Được một đoạn, biết không thể đuổi kịp vì nghĩ bị hiểu lầm, anh Lộc vội la lớn: “Đừng chạy, người Quảng Nam đây mà!”. Lại có hôm, tại quầy photocopy của gia đình mình, vợ anh Lộc đang loay hoay làm việc thì một cậu bé bán vé số vào mời mua. Mua xong, chị hỏi thăm hoàn cảnh cậu bé sao phải đi bộ bán vé số dưới trời nắng oi bức như thế. Cậu bé tình thiệt thưa rằng mình quê ở Đại Lộc - Quảng Nam, cùng cha lặn lội vào các tỉnh miền sông nước bán vé số vừa tìm kế sinh nhai cho cả gia đình ngoài quê, vừa kiếm tiền ăn học tại trường THPT Phan Ngọc Hiển - Cà Mau. Tuy chỉ là người con dâu xứ Quảng, nhưng chị rất cảm động với hoàn cảnh một người đồng hương của chồng và vội vàng mang chiếc xe đạp cũ cho cậu bé dùng làm phương tiện đi bán vé số. Câu chuyện sau đó được chị kể với anh Lộc, anh tìm gặp những người trong hội đồng hương ở TP.Cần Thơ vận động quyên góp mua một chiếc xe đạp mới giúp cha con cậu bé bán vé số với kỳ vọng dù có khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua để đến trường. Và, không phụ lòng những người đồng hương xứ Quảng, cuối năm đó, cậu bé quê ở Đại Lộc đã trở thành thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp của trường THPT Phan Ngọc Hiển - Cà Mau.

Vậy đó, người Quảng ở khắp nơi trên đất nước này biết bao lần đã làm trái tim chúng tôi ngân rung những cung bậc tình cảm, giúp chúng tôi hiểu thêm về những giá trị sống trên cuộc đời này. Và điều quan trọng nữa là, người Quảng dù ở bất cứ phương trời nào, hoàn cảnh nào, cũng nêu cao cốt cách của những người con được sinh ra từ đất mẹ Quảng Nam, từ phù sa đồng bãi Thu Bồn, Trường Giang, Vu Gia…

Ghi chép của ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC

Ghi chép của ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC