Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh: Nền tảng hiện thực hóa khát vọng phát triển

NGUYÊN ĐOAN 30/10/2023 07:29

Những thành quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII là động lực quan trọng để Quảng Nam vững tin, kiên trì với hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển như mục tiêu đã đề ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: N.Đ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: N.Đ

Chú trọng bồi dưỡng cán bộ

Trong các kết quả đạt được, Tỉnh ủy đánh giá, hệ thống các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng của Trung ương được cụ thể hóa, ban hành đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn Quảng Nam.

Trên cơ sở tổ chức sơ kết, tổng kết các nghị quyết về công tác cán bộ nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXII) đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 20/12/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 21 ngày 10/02/2022 về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

“Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí, thông qua sản phẩm cụ thể. Chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2025 - 2030 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý…”.

(Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, việc tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được chú trọng thực hiện tốt.

Theo đó, toàn tỉnh đã mở 1.235 lớp với hàng chục nghìn lượt cán bộ, đảng viên tham gia. Quy trình công tác cán bộ được thực hiện nền nếp, chặt chẽ, với việc phân cấp quản lý cán bộ ngày càng cụ thể, tập trung giao quyền cho cấp dưới.

Công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, chuyển biến theo hướng thực chất hơn. Gắn với đó, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm bảo phương châm “động” và “mở”, có tính khả thi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhìn nhận, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng mở rộng phạm vi, đối tượng, tập trung đào tạo chuyên môn sâu và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh ở trong và ngoài nước.

Đến nay, tỉnh đã cử 576 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị, 647 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị và tổ chức bồi dưỡng cho 310 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Công tác bố trí, phân công công tác, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ được lãnh đạo thực hiện đảm bảo quan điểm, nguyên tắc, quy trình; kịp thời kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Cụ thể, thực hiện bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, kiện toàn nhân sự cơ cấu đảng đoàn, ban cán sự đảng, điều động, luân chuyển 415 trường hợp. Đi cùng với đó, chế độ, chính sách đối với cán bộ được quan tâm xây dựng, có nhiều cải thiện.

Việc kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ được coi trọng, góp phần chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót, có tác dụng cảnh báo, răn đe và ngăn ngừa vi phạm trong công tác cán bộ.

“Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định, kịp thời phục vụ công tác cán bộ và phát triển đảng viên.

Theo đó, đã thẩm tra, xác minh, thẩm định, kết luận 896 trường hợp; tra cứu, trích lục và sao lục 493 hồ sơ phục vụ công tác cán bộ” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thông tin.

Xác định nhiệm vụ then chốt

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: Những thành quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối đổi mới của Đảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây chính là động lực quan trọng để Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn mới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định mục tiêu và cũng là khát vọng xây dựng “Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.

Khát vọng phấn đấu vươn lên từ chính bản lĩnh, ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của con người xứ Quảng trong suốt hơn 550 năm hình thành và phát triển.

Đó là sự kết tinh trí tuệ, tầm nhìn, ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với sự phát triển của quê hương. Đó cũng chính là sứ mệnh mà Quảng Nam phải quyết tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Để hiện thực hóa khát vọng nêu trên, đồng chí Phan Việt Cường cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã đề ra 14 nhóm giải pháp trọng tâm với các đột phá chiến lược, lộ trình, bước đi phù hợp, cụ thể.

Trong đó, có 3 giải pháp trọng tâm về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Song trước hết và quan trọng nhất là tập trung công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ tỉnh xác định đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, toàn tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu.

Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ và đánh giá cán bộ.

NGUYÊN ĐOAN