Dấu ấn trên những chặng đường
Cách đây 85 năm, vào ngày 9/12/1937, Đảng bộ huyện Đại Lộc ra đời, đánh dấu bước chuyển mình của phong trào cách mạng trên quê hương Đại Lộc. Từ đó đến nay, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển quê hương.
Mốc son
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Đại Lộc lúc bấy giờ phát triển mạnh mẽ, Chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá rộng khắp.
Những thanh niên ưu tú đã giác ngộ cách mạng thành lập các nhóm thanh niên cộng sản, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Năm 1935, hai nhóm thanh niên cộng sản ở hai tổng Đức Hạ và Đại An ra đời.
Đến tháng 11/1936, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập, về sau phát triển thành 2 chi bộ đảng ở tổng Đức Hạ và tổng Đại An. Đến giữa năm 1937, đồng chí Trần Tống từ Trường Quốc học Huế về quê mở trường dạy học tại làng Mỹ Hòa, giác ngộ được nhiều thanh niên, học sinh.
Trên hành trình 85 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Đại Lộc đã tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, coi đó là nhiệm vụ then chốt. Hiện nay, toàn Đảng bộ có gần 4.900 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 59 tổ chức cơ sở đảng. Đảng viên luôn là lực lượng tiền phong, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động từ huyện đến cơ sở; góp phần quan trọng xây dựng và phát triển quê hương.
Trên cơ sở số thanh niên, học sinh này, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu (SN 1907 tại Ấp Nhì, làng Ái Nghĩa, nay thuộc khu 2, thị trấn Ái Nghĩa) tiếp tục bồi dưỡng và chọn ra những thanh niên tiên tiến nhất để lập Chi bộ tổng Mỹ Hòa. Như vậy, vào những tháng cuối năm 1937, toàn huyện Đại Lộc có 3 chi bộ đảng.
Lúc này, các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức thanh niên dân chủ cũng lần lượt ra đời. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng diễn ra sôi nổi.
Yêu cầu lịch sử đặt ra lúc này là phải có một cơ quan lãnh đạo Đảng cao nhất của huyện để thống nhất các đầu mối cơ sở đảng và lãnh đạo quần chúng vùng lên đấu tranh.
Nắm bắt yêu cầu và điều kiện cho sự ra đời của Đảng bộ huyện, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 9/12/1937, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu triệu tập cuộc họp thành lập Đảng bộ huyện và hội nghị cử ra Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 đồng chí (Nguyễn Đức Thiệu, Hồ Phước Hậu, Trương Văn Chấn, Lê Cao Phong, Lê Nghiên, Trương Quang Lạc và Nguyễn Thúc Hưng). Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được cử làm Bí thư.
Rèn luyện trong thử thách
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ huyện Đại Lộc không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, đảm đương được vai trò lãnh đạo các phong trào cách mạng của nhân dân địa phương.
Trong những ngày tháng đầy gian khổ, hy sinh đó, có lúc phải rút vào hoạt động bí mật, song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, Đảng bộ huyện Đại Lộc vẫn lãnh đạo phong trào cách mạng đứng vững trước những sóng gió, làm nên những chiến công vang dội như chiến thắng Núi Lở, chiến thắng Ba Khe, chiến thắng Hà Vy, chiến thắng Cầu Ông Nở, chiến thắng Thượng Đức,... góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, toàn huyện có 128 thôn thì có tới 116 thôn bị tàn phá nặng nề; Đảng bộ chỉ có 375 đảng viên. Với quyết tâm xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng bộ huyện Đại Lộc đã cùng toàn dân tổ chức nhiều phong trào thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Nhờ vậy, chỉ 10 năm sau ngày quê hương giải phóng, huyện Đại Lộc đã trở thành một trong những địa phương tiêu biểu của cả tỉnh, cả nước với những dấu ấn đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.
Điển hình là những mùa vàng kỳ diệu trên cánh đồng cao sản Đại Phước (đỉnh cao năng suất lúa của cả nước: 21,6 tấn/ha/3 vụ), với những ánh điện bừng sáng từ sức dân của các nhà máy thủy điện Hố Bà Thai (Đại Quang 3), An Định (Đại Đồng), với mô hình nông - lâm - công nghiệp kết hợp ở HTX Đại Đồng 2 (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985)…
Đột phá trong phát triển
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc tiếp tục kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng, đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu thực tế địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đại Lộc đã trở thành địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều cụm công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động hiệu quả, giải quyết số lượng lớn lao động địa phương.
Toàn huyện xây dựng được 13/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, tất cả trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia; có 2/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chính sách an sinh xã hội đã được chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện.
Nhiều dự án trọng điểm, mang tính đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng được triển khai thực hiện như: hoàn thành cầu Hội Khách - Tân Đợi; khởi công đường nối ĐT609C đến quốc lộ 14B (trong đó có cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia); cầu Sông Thu; đường ĐH3, cơ quan Huyện ủy với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Công tác quốc phòng - an ninh được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trải qua 85 năm, từ điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp, song với truyền thống đoàn kết và không ngừng đổi mới, Đảng bộ huyện Đại Lộc cùng với các tầng lớp nhân dân phát huy những truyền thống quý báu của quê hương, đất nước, xây dựng Đại Lộc ngày càng giàu đẹp, văn minh; trở thành một trong những địa phương phát triển của tỉnh Quảng Nam.