Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Lồng ghép Nghị quyết 35 vào bài giảng chính trị
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết 35), cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam đã chủ động lồng ghép nội dung nghị quyết vào bài giảng, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của học viên.
Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
Với tâm thế chủ động, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã tiến hành lồng ghép nội dung Nghị quyết 35 vào công tác nghiên cứu, giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Ông Lê Minh Đức - Hiệu phó phụ trách nhà trường nhấn mạnh: “Lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào công tác nghiên cứu, giảng dạy vừa là nhiệm vụ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu, vai trò, vị trí của tất cả môn học trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng, vừa là nhiệm vụ chính trị có tính bắt buộc phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, tự giác của cán bộ, giảng viên trường Đảng. Do đó, nhà trường coi đây là trách nhiệm, là vinh dự, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy”.
Cùng với thực hiện tốt công tác nghiên cứu, giảng dạy, giảng viên nhà trường chủ động viết bài trên các loại hình báo chí và mạng xã hội để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.
Đáng chú ý, nhằm cung cấp tài liệu học thuật có giá trị lý luận và thực tiễn về thực hiện Nghị quyết 35 ở Quảng Nam cho học viên cũng như cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của tỉnh hiện nay, trường đã ấn hành cuốn sách “Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Ông Kiều Duy Khánh - Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu cho biết thêm, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc lồng ghép nội dung Nghị quyết 35 vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã tổ chức 28 cuộc sinh hoạt chuyên môn, hội thảo khoa học có nội dung lồng ghép Nghị quyết 35 vào nhiệm vụ của từng khoa, phòng.
Đồng thời đã có 39 chủ đề nghiên cứu thực tế, đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp khoa nghiên cứu về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được nhà trường nghiệm thu và đưa vào phục vụ công tác giảng dạy, học tập.
Ngân hàng câu hỏi thi hết môn và thi tốt nghiệp (tự luận, vấn đáp và trắc nghiệm) của chương trình Trung cấp lý luận chính trị đã được nhà trường chủ động bổ sung các câu hỏi có liên quan đến nội dung Nghị quyết 35.
Nội san Thông tin Lý luận - thực tiễn của trường mở chuyên mục và dành dung lượng ưu tiên cho các bài viết về triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn Quảng Nam. Phát động từ tháng 3.2022, Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cấp trường lần 1 đã thu hút sự tham gia tích cực và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong học viên toàn trường…
“Nhận rõ sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật”
Để đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35, nhà trường đã nghiên cứu biên soạn bài giảng “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở Quảng Nam” để bổ sung vào phần học “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị.
“Qua thực tiễn giảng dạy cho thấy, bổ sung bài giảng này vào chương trình đào tạo không những giúp giảng viên nhà trường nâng cao trách nhiệm của mình về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn góp phần tuyên truyền, lan tỏa nội dung này đến toàn thể học viên.
Hơn nữa, bài giảng đã trực tiếp gợi mở, định hướng, trang bị những kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị việc nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở Quảng Nam hiện nay” - ông Kiều Duy Khánh khẳng định.
Trong tháng 10 tới, nhà trường tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường; trong đó có nội dung đánh giá quan trọng là việc lồng ghép Nghị quyết 35 vào bài giảng. Đồng thời để nghị quyết lần này của Đảng đi vào cuộc sống, việc đổi mới cách giảng dạy theo hướng sáng tạo, gợi mở, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực được nhà trường chú trọng.
Theo đó, giảng viên nhà trường cần chủ động xây dựng các vấn đề, tình huống liên quan đến nội dung Nghị quyết 35 để người học thảo luận, nêu lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân, qua đó nắm bắt, định hướng tư tưởng cho học viên, nhất là những vấn đề liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin sai lệch, xấu độc.
Về kinh nghiệm trong giảng dạy lồng ghép nội dung Nghị quyết 35 ở các môn lý luận chính trị, ông Kiều Duy Khánh chia sẻ: “Trong mỗi nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần chỉ rõ đâu là những vấn đề có giá trị bền vững, quan điểm nhất quán của Đảng cần kiên định; đâu là những nhận thức mới, các vấn đề có bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình; đâu là những vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc và cần kiên quyết đấu tranh phản bác.
Lưu ý rằng, giảng viên phải luôn chú ý đến thực hiện đúng tôn chỉ “giảng đúng, liên hệ trúng, vận dụng hay” và “nhận rõ sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật”. Chỉ nói sự thật mới có thể trở thành người bảo vệ sự thật và chỉ có sự thật mới phản bác được các quan điểm sai trái, sai sự thật của các thế lực thù địch”.
Nhấn mạnh thêm những lưu ý khi lồng ghép Nghị quyết 35 vào bài giảng, ông Lê Minh Đức nói: “Điều rất cơ bản là giảng viên giảng dạy phải nhận diện đúng, phân biệt rõ được đâu là quan điểm sai trái, thù địch, đâu là những ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng.
Nếu giảng viên không nắm chắc chuyên môn, không cẩn trọng trong tìm hiểu, xem xét thì rất có thể sẽ bị rơi vào chủ quan, duy ý chí khi quy chụp chính trị mọi ý kiến khác biệt và từ đó dễ dẫn đến những ứng xử sư phạm không phù hợp”.