Củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận để phát triển

NGUYÊN ĐOAN 05/09/2022 06:34

Theo kế hoạch, ngày mai 6.9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề, trong đó tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 14.11.2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chủ trì tiếp dân định kỳ tháng 8.2022 của Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: N.Đ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chủ trì tiếp dân định kỳ tháng 8.2022 của Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: N.Đ

Trong 5 năm qua, có rất nhiều vụ việc đã được chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm ngay sau khi công dân đến phản ánh tại buổi tiếp dân định kỳ hằng tháng của lãnh đạo tỉnh. Và niềm tin của người dân vào cơ quan Đảng, Nhà nước thêm được củng cố khi quyền lợi chính đáng được bảo vệ.

Lắng nghe, chỉ đạo giải quyết

Có vụ việc kéo dài nhiều năm, chính quyền cấp dưới cứ loay hoay trong phương án giải quyết, song khi công dân phản ánh lên các buổi tiếp dân định kỳ của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì “rõ” hướng giải quyết bằng các Thông báo kết luận tiếp dân của người chủ trì.

Như trường hợp của ông Lê Hùng Cường (khối phố Xuân Nam, phường Trường Xuân, Tam Kỳ). Từ năm 1998, cơ quan có thẩm quyền đã công nhận thửa đất của ông Cường có diện tích 123,6m2. Tuy nhiên, khi đo đạc, lập hồ sơ địa chính phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện Dự án duy tu cải tạo đường Lê Tấn Trung, UBND TP.Tam Kỳ xác định thửa đất của ông Cường có diện tích 53,6m2.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tiếp 62.772 lượt người (có 72 vụ việc đông người/261 đoàn); tiếp nhận 45.518 đơn các loại, trong đó có 37.661 đơn đủ điều kiện xử lý, 7.857 đơn không đủ điều kiện xử lý được xếp lưu theo quy định.

Kết quả đã xử lý, giải quyết 37.612 đơn/37.661 đơn đủ điều kiện xử lý. Có 1.989 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, và đã giải quyết 1.872 đơn (khiếu nại 1.715 đơn, tố cáo 157 đơn).

Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, người có thẩm quyền đều thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định; các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đều được công khai, đôn đốc, theo dõi thực hiện.

Do ranh giới, tọa độ các mốc giới của thửa đất theo các quyết định giải quyết khiếu nại nêu trên hiện nay không xác định được nên hộ ông Cường thống nhất xác định ranh giới, diện tích thửa đất theo cơ sở dữ liệu đất đai đã được Sở Tài nguyên và môi trường phê duyệt ngày 16.11.2015, với diện tích là 92,2m2.

Theo đó, ông Cường đề nghị UBND TP.Tam Kỳ lập hồ sơ, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho ông đối với thửa đất có diện tích 92,2m2 được xác định theo cơ sở dữ liệu đất đai được phê duyệt.

Sau buổi tiếp ông Lê Hùng Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu UBND TP.Tam Kỳ xác lập hồ sơ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ ông đối với thửa đất theo hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai đã duyệt.

Trường hợp thửa đất còn lại sau khi bị thu hồi để cải tạo đường Lê Tấn Trung (11,5m) và ngoài phạm vi bị ảnh hưởng hành lang quy hoạch tuyến đường này không đảm bảo diện tích, hình dáng, điều kiện quy định để làm nhà ở tại chỗ, nếu gia đình có nguyện vọng được giải tỏa trắng, UBND TP.Tam Kỳ xem xét lập hồ sơ, thủ tục thu hồi toàn bộ diện tích thửa đất nêu trên và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ ông Lê Hùng Cường theo đúng quy định. Sau đó, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm.

Cũng có vụ việc, ghi nhận phản ánh của công dân, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã theo dõi sát sao, chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đơn cử, Sở LĐ-TB&XH đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho kiểm lâm viên Trần Văn Quý (con trai ông Trần Đức Dũng) tử nạn khi làm nhiệm vụ. Việc giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho con trai ông Trần Đức Dũng mất rất nhiều thời gian (đã 11 năm), phải trình đi trình lại nhiều lần.

Hay có nhiều vụ việc, dù không vướng mắc về mặt pháp lý, song đợi đến khi công dân đến phản ánh tại buổi tiếp dân định kỳ, Thường trực Tỉnh ủy có chỉ đạo mới được giải quyết dứt điểm.

Từ kết quả giải quyết đã nhận được sự đồng tình của người dân ở cơ sở. Như vụ việc thi hành án, mở lại đường lâm sinh bị tranh chất ở thôn An Phố (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) phục vụ đi lại của người dân mới đây là ví dụ.

Không để phát sinh điểm nóng

Thông điệp về thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, đơn khiếu nại, tố cáo luôn được nhấn mạnh tại các cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh với các ngành, địa phương.

Quyết liệt chỉ đạo nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 22 ngày 14.11.2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Chuyển biến tích cực là đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các đơn vị, địa phương đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức.

Công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được quan tâm thực hiện. Các vụ khiếu nại, tố cáo phát sinh được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, kéo dài trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, tại các địa phương vùng Đông của tỉnh (Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành) tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng đất đai, khoáng sản, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho việc triển khai các dự án đầu tư, cùng với yếu tố lịch sử, sự thay đổi và việc thực hiện, áp dụng pháp luật chưa thống nhất đã và đang là thách thức, trở ngại lớn, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện và khó khăn trong việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ và thường xuyên trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, toàn tỉnh chú trọng hơn nữa công tác tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương; với tinh thần quan tâm giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở khi có vấn đề, vụ việc phát sinh.

Tập trung thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại và chủ động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân theo chức năng, thẩm quyền. Kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Khi phát sinh vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp thì người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời theo đúng quy định, không để tạo thành điểm nóng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

NGUYÊN ĐOAN