Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng: Chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn từ gốc
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam xác định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (KT-GS) để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.
Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, đảm bảo thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Tạo sức bật ngay đầu nhiệm kỳ
Với quyết tâm tạo ra bước chuyển mới ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (khóa XXII) và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tập trung tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình KT-GS toàn khóa; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nghị quyết, quy định, quy chế, quy trình về công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ.
Cùng với đó, UBKT Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định, quy trình KT-GS của Trung ương, Tỉnh ủy cho cấp ủy, UBKT các cấp để nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Dấu ấn nổi bật trong năm 2021 là UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Tỉnh ủy về công tác KT-GS kể từ khi tái lập tỉnh, tạo nền tảng cho công tác KT-GS nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, thể hiện nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT-GS nhằm phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
KT-GS là công cụ đắc lực kiểm soát quyền lực của Đảng, ở đâu có quyền lực, ở đó phải KT-GS. Vì vậy, cần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả KT-GS theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; tránh chồng chéo nhưng không bỏ sót, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực. Cấp ủy, UBKT các cấp phải nắm chắc thông tin, không bị động “chờ việc” mà phải chủ động kiểm tra, đi trước, “mở đường”; khi có vấn đề, vụ việc mới phát sinh hoặc có dư luận, cần kịp thời giám sát, kiểm tra để xử lý, chấn chỉnh. Gắn KT-GS sát tập thể với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Triển khai nhiệm vụ năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ KT-GS theo Điều lệ Đảng quy định và thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp ủy giao; chất lượng, hiệu quả KT-GS được nâng lên rõ rệt.
Nhất là tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, những vụ việc nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Toàn ngành tích cực kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ KT-GS, thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là các trường hợp tổ chức đảng không xử lý kỷ luật hoặc kỷ luật chưa tương xứng nội dung, tính chất mức độ sai phạm, chấn chỉnh tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”.
Qua KT-GS, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp đã đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng, đảng viên để phát huy, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để chấn chỉnh, uốn nắn, khắc phục; phát hiện, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh những chủ trương, chính sách chưa phù hợp, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận, nhân dân quan tâm.
Các cấp xem xét xử lý kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường xã hội lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ngăn chặn từ gốc các vi phạm
Thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp phải tiếp tục nâng cao nhận thức, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ KT-GS để đạt chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao. Các cấp phải tập trung tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6, khóa XXII về tăng cường công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, cán bộ, đảng viên đối với công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng. Cấp ủy, UBKT các cấp tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn về công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng đảm bảo khoa học, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và khả thi.
Chú trọng đổi mới, cải tiến quy trình KT-GS, thi hành kỷ luật, kịp thời phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực vào trong “lồng cơ chế”.
UBKT các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành; chủ động, tích cực tham mưu, giúp cấp ủy về công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; chú trọng kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp và đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ cấp ủy cùng cấp quản lý; khi cần thiết, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới cách cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện tổ chức đảng cấp dưới quản lý, khắc phục tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”, “trên nóng, dưới lạnh”.
Tập trung kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: Kinh tế, tài chính; đầu tư công, xây dựng cơ bản; đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là công tác cán bộ nhằm chống chạy chức, chạy quyền. Trong quá trình KT-GS, phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra, không chờ kết thúc cuộc KT-GS.
Công tác KT-GS của Đảng còn phải kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật và giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác KT-GS của Đảng. Xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên đến cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả.
Cấp ủy các cấp thường xuyên xây dựng, củng cố, kiện toàn UBKT và cơ quan UBKT đảm bảo số lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hằng năm, tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra và cán bộ được quy hoạch ủy viên UBKT để cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị và nghiệp vụ KT-GS đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Cấp ủy, UBKT các cấp triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”.
Kịp thời tổng kết việc kiểm tra, xử lý các vụ việc lớn, phức tạp, có tính chất điển hình để rút ra bài học kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ KT-GS.