Ánh sáng ở vùng cao - Bài cuối: Niềm tin theo ánh lửa hồng

ALĂNG NGƯỚC 23/09/2021 06:29

Sau trận mưa núi kéo dài từ chiều hôm trước, chúng tôi đón ánh nắng giữa không gian mặt bằng khu dân cư mới thôn Achoong (xã Ch’Ơm, Tây Giang). Nơi này, là vùng đất định cư lâu đời của đồng bào Cơ Tu, giáp biên với nước bạn Lào, được hình thành từ chủ trương, nghị quyết của huyện và tấm lòng của những đảng viên cơ sở...

Diện tích đất hơn 5ha tại trung tâm xã Ch’Ơm (Tây Giang) do gia đình đảng viên Alăng Nhun và cộng đồng hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện tích đất hơn 5ha tại trung tâm xã Ch’Ơm (Tây Giang) do gia đình đảng viên Alăng Nhun và cộng đồng hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Achoong không là cá biệt. Tôi từng đến rất nhiều nơi ở miền núi, và thấy ở đó, gần như chuyện hiến đất xây dựng khu dân cư trở thành trách nhiệm chung của cả cộng đồng, từ cán bộ đảng viên cho đến người dân, thậm chí người dân ở làng khác cùng “tiếp lửa”. Và hơn cả, gắn với từng khu dân cư mới này, là vô vàn câu chuyện về tình người gắn kết, giúp nhau vượt qua gian khó bằng tinh thần “Người của Đảng” ở vùng cao.

Trên đất chung của làng

Hôm trước, tôi ghé thăm mô hình trồng, sản xuất chè dây razéh của vợ chồng ông Phạm Quốc Phòng (ở thôn Panan, xã Tư, Đông Giang). Ông Phòng là Phó Bí thư Chi bộ thôn, được biết đến như người tiên phong trong việc hỗ trợ giảm nghèo cho người dân địa phương. Vốn có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm từ chè dây razéh, nhiều năm trước, ông Phòng đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ việc làm cho người khó khăn, bước đầu cụ thể hóa chủ trương của nghị quyết của chi bộ, thông qua mô hình “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”. Mỗi năm, ông Phòng duy trì giúp đỡ 3 - 4 hộ dân, tạo điều kiện cho họ cải thiện kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sương mai phủ xuống từng mái nhà. Từ chòi duông của Alăng Lơ - Trưởng thôn, kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn nhìn xuống, khu tái định cư Achoong như một vùng bình nguyên xanh thẳm giữa rừng.

Ông Lơ pha nước mời khách bằng những sợi dây leo tiện tay ngắt lúc băng qua cánh rẫy. Nâng chén nước màu vàng nhạt, ông Lơ nói đó là đảng sâm, một sản vật quý có giá trị kinh tế cao, góp công rất lớn cho sự đổi thay của làng vùng biên Achoong.

Nhấm nháp hương vị của loại thảo mộc vùng Trường Sơn Đông, ông Lơ nói, ở Achoong, gần như nhà nào cũng có vài héc ta đất rẫy trồng đảng sâm. Nhưng, đảng sâm thực sự được mở rộng, cũng chỉ vài năm trở lại đây, khi mặt bằng tái định cư được xây dựng, cuộc sống người dân ổn định hơn trước.

Ẩn sâu trong ký ức ngày cũ của ông Lơ, là khoảng trời lang bạt với cuộc sống “nay đây, mai đó”. Chừng mươi năm trước, làng người Cơ Tu này nằm cheo leo trên sườn dốc, tách lập với bên ngoài. Làng cách làng phải mất vài ngày đường băng rừng, lội suối khiến chuyện học hành của trẻ cũng đầy gian nan.

“Cho đến khi chủ trương, nghị quyết của Đảng về ổn định đời sống cho người dân vùng cao, xóa bỏ du canh du cư, được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, sự đổi thay mới bắt đầu. Nghị quyết đi vào cuộc sống, hàng loạt người dân miền núi, đặc biệt là các già làng, người có uy tín và cán bộ đảng viên đã đồng lòng hưởng ứng, rồi hiến tặng đất đai, vườn tược để xây dựng làng mới, cùng các công trình dân sinh khác…

Ở nhiều nơi, ngoài trực tiếp hiến đất và hoa màu, nhiều cán bộ đảng viên còn tích cực vận động bà con, dân làng cùng hiến đất, nhường chỗ cho các công trình dân sinh quan trọng, nhất là trường học và trạm y tế” - ông Lơ chia sẻ.

Nhiều mặt bằng ở Tây Giang được hình thành từ góp sức của cán bộ, đảng viên cơ sở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều mặt bằng ở Tây Giang được hình thành từ góp sức của cán bộ, đảng viên cơ sở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nghe Alăng Lơ kể, bất chợt nhớ đến câu chuyện của Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm - Pơloong Năng về diện mạo của trung tâm xã. Ông Năng nói với tôi, toàn bộ diện tích đất gần 5ha phủ rộng cả trung tâm xã, đều do các thế hệ đảng viên địa phương hiến tặng, cùng góp thêm ước vọng cho miền non cao khởi sắc.

Chuyện ông Năng nói là có thật. Tôi đến nhà các hộ dân từng hiến góp, họ xác nhận và đưa ra giấy chứng nhận ghi công. Alăng Nhun - cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã kể, chỉ riêng gia đình ông có đến gần 3ha đất được hiến cho xã làm trụ sở ủy ban, cùng trường học và trạm y tế vào đầu những năm 2000.

Lúc đó, cha ông Nhun là Alăng Kiah làm cán bộ Trung tâm Y tế huyện. Hay tin chính quyền địa phương chọn đặt trung tâm xã ngay làng mình, ông Kiah tình nguyện hiến đất và vận động người dân ủng hộ chủ trương chung.

Gần 10 năm sau, những người con của ông Kiah như Alăng Nha, Alăng Nhun… noi theo tinh thần của cha nên hiến thêm hàng nghìn mét vuông đất vườn, góp vào “đất chung” của làng để hình thành mặt bằng định cư mới, như bây giờ.

Tôi hỏi Nhun, hiến xong, bây giờ có thấy tiếc không? Nhun cười, rồi hướng ánh mắt về phía những dãy nhà đối diện. “Bây giờ, mình hết đất rồi. Nếu còn, cũng sẽ hiến để mở rộng thêm không gian làng, có chỗ cho mấy đứa nhỏ vui chơi” - Nhun bộc bạch.

Từ dưới bếp, mẹ Nhun - bà Tơ Ngôn Chín góp lời: “Ôi, tiếc gì đâu con. Nhà amế (mẹ) nhiều người là cán bộ, đảng viên mà. Thời amế đã khổ rồi, bây giờ phải khác xưa chứ. Đó là điều mà lúc còn sống, chồng amế mong muốn nhất!”. Phía gươl - nhà truyền thống cộng đồng, những phụ nữ Cơ Tu vừa trở về sau đợt thu hoạch đảng sâm, nụ cười lung linh bóng nắng…

Không bỏ rơi người nghèo!

Nghe có vẻ hơi “suông”, nhưng tinh thần này được chuyển hóa thành việc làm cụ thể đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở huyện Nam Trà My thoát nghèo bền vững. Chính xác là 2.225 hộ, được ghi nhận qua 4 năm (2017 - 2020) Nam Trà My triển khai mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ dân thoát nghèo”.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng nói, con số này là thực chất. Bởi qua rà soát tỷ lệ giảm nghèo hàng năm, số hộ dân đăng ký thoát nghèo bền vững tăng dần đều với nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhất là chăn nuôi gia súc tập trung và di thực trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Nhiều mô hình giúp nhau làm giàu được các chi bộ cơ sở ở Nam Trà My duy trì, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều mô hình giúp nhau làm giàu được các chi bộ cơ sở ở Nam Trà My duy trì, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vài ngày trước, tôi theo chân ông Hưng đến tận làng Tu Ton (xã Trà Linh). Nơi này, được xem như “thủ phủ” sâm Ngọc Linh với nhiều câu chuyện thực tế đến… bất ngờ. Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Dang (dân tộc Xê Đăng) kể, cho đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên ánh mắt rơm rớm của vợ chồng Hồ Văn Dân khi lần đầu tiên được trả công bằng 5 cây giống sâm Ngọc Linh từ tay của chủ vườn.

Đó là vào năm 2015, thời điểm Dang bắt đầu thực hiện việc trả công cho người chăm sóc vườn sâm gia đình bằng… sâm giống. Mỗi ngày, khi hoàn tất công việc, những cây sâm hơn 1 năm tuổi được Dang trao tận tay từng hộ dân, góp thêm vào cuộc đổi đời chung của cộng đồng.

Dang nói, đó là cách anh khuyến khích các hộ dân khó khăn vươn lên trong cuộc sống và cũng là câu chuyện thực tế để anh cụ thể hóa nghị quyết của huyện về giảm nghèo. Sau nhiều năm hỗ trợ, số sâm giống Ngọc Linh được Dang “chia lửa” đã lên đến hàng trăm cây, nhiều hộ từ nghèo khó nay đã trở thành khá giả, tiếp tục học theo cách làm của Dang giúp đỡ các hộ khó khăn phát sinh mới.

“Quà sinh nhật, mình cũng tặng bằng sâm giống, cứ thế để các hộ dân có thêm điều kiện mở rộng vườn sâm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - Dang chia sẻ.

Câu chuyện của Dang chỉ là lát cắt nhỏ trong rất nhiều cách mà cộng đồng Xê Đăng giúp nhau trong cuộc sống. Tinh thần đảng viên được phát huy, mang nhiều dấu ấn tiên phong và thực tế. Như mô hình “Vườn sâm của Đoàn”, hình thành từ 6 năm trước, giúp hàng chục thanh niên ở Trà Linh thoát nghèo.

Mô hình này được khởi xướng bởi đảng viên trẻ Hồ Văn Dấu - Bí thư Đoàn xã Trà Linh. Dấu là em ruột Hồ Văn Dang, sau thời gian vận động đã tập hợp 32 thành viên lập chốt sâm để tạo “quỹ sâm giống” hỗ trợ thanh niên khó khăn, mới lập gia đình.

Như trường hợp hộ Hồ Văn Linh (29 tuổi), sau thời gian được trả công từ mô hình, nay đã trở thành chủ vườn với hơn 200 gốc sâm Ngọc Linh đang phát triển tốt. Năm ngoái, Linh mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, mở cơ hội lập nghiệp bằng niềm tin từ mô hình của các đảng viên trẻ và cộng đồng, phía chân núi Ngọc Linh...


*          *

Vùng cao Quảng Nam hôm nay rộn rã thanh âm nhịp sống mới. Hòa trong nhịp sống đó là tinh thần tiền phong đi đầu vì lợi ích cộng đồng của cán bộ đảng viên và niềm tin nhân dân hướng về Đảng, về ngày mai tươi sáng.

ALĂNG NGƯỚC