Ánh sáng ở vùng cao - Bài 1: Ý Đảng thuận lòng Dân
Sau những nỗ lực không mệt mỏi, người ta nhắc đến nhiều về sự đổi thay của miền núi xứ Quảng. Một hành trình “lột xác” được ví như luồng sinh khí mới, bắt nguồn từ tinh thần cộng đồng của những “người con của Đảng”, cùng góp xây cho non ngàn xanh thắm…Chuyện chúng tôi ghi được trên hành trình tác nghiệp ở miền núi Quảng Nam về tinh thần đảng viên trong đời sống vùng cao.
BÀI 1: Ý ĐẢNG THUẬN LÒNG DÂN
Bí thư Chi bộ thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) - Cơlâu Nhức đứng trước gươl ngắm công trình của làng. Sau những đóng góp chung của cộng đồng, gươl - nhà sinh hoạt truyền thống Cơ Tu - của thôn Pơr’ning cơ bản đã hoàn thiện, từ tinh thần và lòng nhiệt huyết của những cán bộ, đảng viên trẻ vùng cao.
"Mình phải làm gương…"
Ba hồi trống được đánh vang. Chẳng mấy chốc, dân làng Pơr’ning đã có mặt đông đủ để dự họp. Giọng Cơlâu Nhức phát ra từ loa, thông báo với dân làng về chủ trương khôi phục gươl theo nghị quyết của Chi bộ thôn Pơr’ning.
“Mùa mưa đang đến gần, không triển khai nữa là không kịp” - Bí thư Chi bộ Cơlâu Nhức nói, rồi trình bày thêm những phần việc cụ thể để dân làng thống nhất. Sau một hồi bàn bạc, những cánh tay giơ cao tán thành…
Nêu cao tinh thần vì cộng đồng
Bí thư Đảng ủy xã Lăng - bà Bríu Thị Sen cho hay, rất nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khắc phục hậu quả thiên tai được các chi bộ thôn trên địa bàn xã triển khai. Như đợt mưa lũ năm 2020, từ chủ trương của Đảng ủy xã, các chi bộ trực thuộc đã bắt tay vào việc nạo vét đưa nguồn nước sinh hoạt về làng, hỗ trợ người dân tái tạo khu đất sản xuất, hoa màu và kết nối các nhà hảo tâm chia sẻ với từng hoàn cảnh khó khăn sau mưa lũ. “Vai trò của cán bộ, đảng viên còn được thể hiện qua các đợt vận động quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho đồng bào vùng dịch Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh vừa qua. Không chỉ tích cực hưởng ứng, nhiều gia đình đảng viên trên địa bàn xã còn vận động người thân, gia đình góp thêm từng bó rau, quả bí, buồng chuối… gửi về miền xuôi chống dịch” - bà Sen nói.
Cơlâu Nhức nói với tôi, đó là câu chuyện của tháng trước, còn bây giờ, gươl đã sắp sửa hoàn thành. Trên mặt bằng tái định cư, mỗi ngày có hàng chục thanh niên, già làng và cả phụ nữ đến góp công, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho công trình thuộc hạng bậc nhất của làng người Cơ Tu.
Nhưng, để gươl sớm được dựng, Cơlâu Nhức và cán bộ, đảng viên chi bộ phải làm gương để dân làng hưởng ứng. Cùng nhau lên rừng, họ vượt qua những triền núi hiểm trở kiếm lá apoong - một loại mây rừng chỉ có ở vùng Trường Sơn - mang về lợp gươl. Thanh niên lên rừng, phụ nữ ở nhà lo bếp núc; những người già đảm nhận công việc chẻ sợi mây, điêu khắc, trang trí cột gươl…
Vì thế, Cơlâu Nhức nói, nghị quyết chi bộ nay đã trở thành công việc chung của làng, cùng góp sức hình thành nên công trình mang dấu ấn đặc biệt về tình đoàn kết giữa cộng đồng vùng cao.
“Nghị quyết của chi bộ trong nhiệm kỳ này, ngoài dựng gươl, còn làm thêm 2 nhà dài truyền thống. Một cái để sinh hoạt, hội họp công việc nội bộ; một dành đón tiếp khách. Cả 31 đảng viên chi bộ đều thống nhất, dân làng cũng hưởng ứng nên quyết tâm làm cho bằng được” - Cơlâu Nhức quả quyết.
Trao niềm tin bằng hành động
Mưa vẫn rả rích trên ngàn. Tôi theo chân Cơlâu Nhức tìm đến gươl, bên trong đã thấy người làng quây quần bên bếp lửa thực hiện các công đoạn cuối cùng. Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bh’ling Phát nói, vì mưa, vì dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ hoàn thiện gươl chậm hơn so với dự kiến. Nhưng việc đó không làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của làng.
Bởi, khi nghị quyết đưa ra, ngoài sự tán đồng của đảng viên chi bộ, từng hộ dân Pơr’ning cũng bày tỏ nguyện vọng được góp sức, xem đó như trách nhiệm chung của cộng đồng.
“Nhưng, đảng viên thì phải làm gương, đi đầu trong mọi công việc để người dân làm theo. Ở vùng cao này, niềm tin không được đánh giá bằng lời nói, mà phải bằng một hành động cụ thể nào đó thật ý nghĩa với cộng đồng” - ông Phát chia sẻ.
Bí thư Cơlâu Nhức kể, nhiều chuyến ngược rừng tìm hái lá apoong, lúc nào anh cũng được thanh niên trong làng cho… nghỉ sớm. Thậm chí, chùm lá apoong của anh cũng được bó nhỏ hơn để “vượt núi an toàn”.
Nhưng, chưa lần nào Cơlâu Nhức đồng ý chuyện đó. Bởi bí thư chi bộ hay đảng viên không là ngoại lệ của... nghị quyết và cộng đồng. Anh nghĩ vậy nên chia sẻ công việc cùng anh em, vì thế tình cảm giữa cán bộ đảng viên với dân làng ngày thêm gắn kết.
“Mình làm, để góp sức với anh em vì tinh thần, vì công trình chung, chứ không phải đến để chỉ đạo” - Cơlâu Nhức bày tỏ.
Dân vận trên… nguồn nước
Miền núi đang vào mùa mưa dông. Lại thêm ảnh hưởng của cơn bão số 5 (bão Conson) càng khiến lượng mưa đổ xuống nhiều hơn. Lũ từ phía đầu nguồn chảy về cuồn cuộn, tàn phá hoa màu, ao thả cá và cả hệ thống nước sinh hoạt của người dân.
Sau lũ, tại cuộc họp Chi bộ thôn Pơr’ning, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bh’ling Phát đưa ra ý kiến, huy động lực lượng cùng tham gia nạo vét nguồn nước, khơi thông dòng chảy sau mưa lũ.
“Mấy ngày nay, dân làng không có nước để dùng. Lũ gây tắc đường ống, phải khắc phục thôi!”. Một lần nữa, những cánh tay giơ lên. Cả chi bộ thống nhất, ngày mai cùng dân làng tìm đến đầu nguồn để đưa dòng nước về.
Lắng nghe đầy đủ nội dung cuộc họp, già làng Cơlâu Nhấp - đảng viên kỳ cựu của làng Pơr’ning bảo, mặc dù đã hình thành tổ thanh niên xung kích, nhưng không thể để mỗi lực lượng này triển khai nhiệm vụ.
Các đảng viên, cán bộ thôn phải cùng tham gia, góp sức hoàn thành công việc chung của làng. Lời gợi nhắc của già làng Cơlâu Nhấp nhanh chóng được tiếp thu. Ngày hôm sau, cả 31 đảng viên chi bộ cùng 15 thành viên tổ xung kích cùng lên đường…
Già Nhấp từng là cán bộ xã, tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng. Hôm ghé chân vào gươl, tôi ngồi cạnh già Nhấp, hỏi han mấy điều vụn vặt. Câu chuyện “kéo rê” sang nguồn nước và ruộng đồng.
Già Nhấp nói, hễ mưa lũ, hễ nắng hạn, cả cán bộ và thanh niên đều đến tận nguồn nước để dọn rác, nạo vét bùn đất, cát sỏi đọng trên bể lắng giúp thông dòng chảy. Trong những chuyến đi như thế, rất nhiều câu chuyện được già Nhấp kể, mang hàm nghĩa về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn trong cuộc sống cộng đồng.
Nói chuyện với già Nhấp và cả Bí thư Cơlâu Nhức, tôi có cảm giác, chừng như những đảng viên của vùng cao này có thể làm công tác dân vận mọi lúc mọi nơi. Trao đi niềm tin để đổi lấy tinh thần cố kết cộng đồng. Truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay tiếp tục được vun đắp như chính câu ví của người Cơ Tu ở vùng đất này về niềm tin với Đảng: “Mắt tơ’ngay zớ ang, loom ahe zớ Đảng” (Mặt trời còn sáng, lòng ta còn Đảng)…