Sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống
Sáng 3.2, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc thông báo nhanh kết quả Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo cấp huyện, báo cáo viên các cấp của tỉnh dự hội nghị.
Thông báo nhanh về kết quả Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: Việc báo cáo kịp thời kết quả của Đại hội XIII có ý nghĩa rất quan trọng, để chúng ta sớm quán triệt, tạo sự lan tỏa về thành công của đại hội trên các nội dung từ văn kiện, nhân sự, tổ chức đại hội. Đặc biệt, sớm đưa Nghị quyết của Đại hội XIII vào cuộc sống, có được sự thành công của đại hội trong thực tế như đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói tại cuộc họp báo bế mạc Đại hội XIII của Đảng.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, trên cả ba phương diện, đầu tiên là quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức đại hội. Trong đó, công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để đại hội bầu được một Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có tâm, có tầm, gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới.
Về công tác chuẩn bị các nội dung văn kiện (gồm báo cáo chính trị; kinh tế - xã hội; báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng), theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, công việc này chuẩn bị từ rất sớm, từ hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Bộ Chính trị đã thành lập các tiểu ban: Văn kiện, kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng. Một điểm rất mới là ngay tại hội nghị đầu tiên để chuẩn bị triển khai xây dựng các báo cáo này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục chỉ đạo và đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc, để chỉ đạo cho công tác xây dựng văn kiện, bao gồm: kế thừa phát triển, ổn định và đổi mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn với lý luận.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, từ những nguyên tắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần này, chúng ta chuẩn bị rất sớm, chủ động, công phu trên nhiệm vụ cụ thể của từng tiểu ban; từ xây dựng đề cương, đến khảo sát thực tiễn, đi khảo sát nước ngoài, lấy ý kiến chuyên gia. Rồi gửi xin ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, lấy ý kiến toàn dân, đồng bào ta ở nước ngoài, rất rộng rãi, dân chủ thật sự chứ không hình thức, với hơn 1.400 đóng góp ý kiến đã được chắt lọc, phong phú, sâu sắc, rất thực tiễn… Riêng báo cáo kiến nghị của các cơ quan nghiên cứu cũng chưa bao giờ có được sự đóng góp bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm như lần này, với 80 báo cáo kiến nghị dày dặn, tâm huyết…
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, lần đầu tiên trong một báo cáo của nhiệm kỳ, chúng ta thấy được một nhiệm kỳ đặt ra trong chiến lược cụ thể, với tầm nhìn, định hướng dài hạn chứ không chỉ có một nhiệm kỳ trước mắt. Hay nói đúng hơn, chúng ta đánh giá 5 năm thì đặt trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập, phát triển đất nước; 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, mà trong đó trọng tâm là chiến lược cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011… “Về tầm nhìn, ngay từ đầu đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã định hướng, chúng ta phải phóng tầm mắt xa hơn, giải quyết hai việc: xác định trong lộ trình 5 năm này chúng ta làm gì, vừa giải quyết được vấn đề cấp bách; cũng đồng thời đặt nền móng để chúng ta thực hiện các chiến lược dài hạn, khắc phục được tư duy nhiệm kỳ…” – đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.