Vượt khó đi lên

ALĂNG NGƯỚC 19/03/2020 10:29

Những khó khăn đã và đang được hóa giải bằng nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, giúp Đảng bộ xã La Dêê (Nam Giang) chỉ đạo thực hiện ngày càng hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng ở thôn, bản đồng bào biên giới.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, diện mạo nông thôn của La Dêê có bước phát triển mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, diện mạo nông thôn của La Dêê có bước phát triển mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiệm vụ đột phá

Ông Trần Thanh Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy xã La Dêê cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, địa phương đã cơ bản đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Những nhiệm vụ đột phá mới được chú trọng, nhất là việc hình thành các mô hình kinh tế trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Đến nay, ngoài duy trì diện tích gieo trồng hàng năm hơn 231ha, tổng sản lượng cây lương thực có hạt trung bình 5 năm khoảng 570 tấn, địa phương còn khuyến khích việc khai hoang, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng, đồng thời từng bước thay thế các loại cây không có hiệu quả, đưa vào trồng hàng nghìn héc ta cây chủ lực như chuối, cao su, keo, bời lời đỏ…

Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ xã La Dêê lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với xây dựng 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và 2 mô hình chăn nuôi tập trung, địa phương phấn đấu mỗi năm đạt khoảng 590 tấn sản lượng lương thực có hạt; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn hàng năm 15ha, diện tích trồng cây ăn quả các loại khoảng 3 ha; có 2/6 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% trở lên; mỗi năm kết nạp 10 đảng viên mới; đến năm 2025 có 100% số cán bộ đạt chuẩn theo quy định…

“Từ Nghị quyết 03 của Huyện ủy và Nghị quyết 47 của HĐND huyện, chúng tôi đã cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cây giống, con vật nuôi trong sản xuất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào địa phương. Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã hình thành 10 mô hình phát triển chăn nuôi trang trại theo nhóm hộ gia đình, chủ yếu phát triển đàn bò, heo cỏ địa phương, nuôi gà, vịt với số lượng đàn gia súc bình quân hàng năm duy trì khoảng gần 1.900 con” - ông Vinh cho hay.

Là xã điểm của huyện Nam Giang trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, bên cạnh tập trung công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sinh hoạt và phát triển sản xuất, La Dêê còn chuẩn bị các điều kiện mở rộng trung tâm hành chính xã với tổng diện tích hơn 5ha.

Đồng thời tiến hành quy hoạch sử dụng đất theo lộ trình 5 năm gắn liền với bố trí đất sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế và quy hoạch diện tích trồng rừng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nhờ vậy, đến nay địa phương đã đạt được 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tăng 7 tiêu chí so với năm 2015.

Chú trọng giảm nghèo

Chủ tịch UBND xã La Dêê - Brao Ngưu cho hay, xác định công tác giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cho sự thành công của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngay từ khi bắt đầu triển khai các nội dung của nghị quyết, địa phương đã chú trọng đến việc nâng tỷ lệ hộ thoát nghèo bền vững hàng năm, thông qua hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi tập trung. Từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách, La Dêê định hướng người dân trong việc phát triển kinh tế theo các mô hình hiệu quả.

“Năm năm qua, người dân đã được hỗ trợ vay số tiền hơn 15,5 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư mua cây con giống, xây dựng chuồng trại nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng. Từ đó, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, với tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,5%, đạt theo chỉ tiêu nghị quyết, giảm từ 65,20% năm 2015 xuống còn 37,71% vào cuối năm 2019” - ông Ngưu nói.

Song song với phát triển kinh tế, công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới cũng luôn được chú trọng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn tham gia làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua đó, bên cạnh tham gia tổ chức 27 đợt tuần tra đường biên, mốc giới, tại 6 thôn trên địa bàn xã đều thành lập tổ tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là công tác cán bộ địa phương cũng thường xuyên được chú trọng và duy trì, vừa góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở, vừa đảm bảo nguồn cán bộ đạt điều kiện, tiêu chuẩn theo Điều lệ Đảng.

“Qua công tác đào tạo, đến nay, hầu hết cán bộ, công chức xã có trình độ chuyên môn đại học; đội ngũ cán bộ xã đều có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng tôi đã phát triển được 64 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 13 đảng viên, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đưa tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 223 đồng chí” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Thanh Vinh cho biết.

ALĂNG NGƯỚC