Đột phá từ thế mạnh của vùng

ALĂNG NGƯỚC 27/02/2020 11:33

Từ các nhiệm vụ đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tây Giang đã tạo ra giải pháp mang tính chiến lược gắn phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sắp xếp dân cư với thế mạnh của vùng.

Từ các giải pháp đồng bộ được triển khai, diện mạo nông thôn miền núi huyện Tây Giang đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ các giải pháp đồng bộ được triển khai, diện mạo nông thôn miền núi huyện Tây Giang đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nội dung này được Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang báo cáo tại cuộc họp với đoàn công tác của Tỉnh ủy - do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường làm trưởng đoàn - liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, vào sáng qua 26.2.

Đồng bộ giải pháp

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, bên cạnh triển khai các nhiệm vụ chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tây Giang đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, bước đầu đem lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Phó Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho hay, những năm qua, bên cạnh tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn và lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển một số loại cây dược liệu có kinh tế cao, Tây Giang còn tính toán đưa một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có sức cạnh tranh thị trường thành chuỗi sản phẩm mang thương hiệu địa phương. Đến nay, Tây Giang đã hình thành 5 sản phẩm từ dược liệu tham gia OCOP đạt chuẩn, bao gồm cao đảng sâm, cao ba kích, trà túi lọc đảng sâm, măng điền trúc sấy khô, rượu sâm dược liệu. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào địa phương, hướng đến việc hình thành và phát triển khu dược liệu tập trung quy mô lớn ở miền núi.

Để giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, cùng với tập trung xây dựng hệ thống chợ nông thôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, buôn bán, từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dung của nhân dân, Tây Giang đã xây dựng và hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần phát triển theo định hướng của huyện.

“Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới gắn với sắp xếp, bố trí dân cư miền núi theo chủ trương của tỉnh. Qua đó, hình thành nhiều khu dân cư kiểu mẫu, thay đổi tập quán lạc hậu, tạo phương thức sản xuất mới phù hợp với đặc tính của đồng bào Cơ Tu” - ông Lượm nói.

Đảm bảo sinh kế

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến nay Tây Giang đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 7,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 23,7 triệu đồng/năm; giảm dần tỷ lệ hộ nghèo từ 48,05% (năm 2015) xuống còn 38,07 (năm 2019). Địa phương đã giải quyết việc làm cho 1.027 lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động trong nhiều lĩnh vực.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh cho biết, cùng với thực hiện đúng theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, địa phương gắn triển khai một số dự án trọng điểm, động lực, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, huyện đẩy mạnh các nguồn lực theo hướng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu và trồng rừng gỗ lớn, đồng thời đưa vào khai thác hiệu quả cây cao su. Cùng với đó, việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả, kích thích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được xác định sẽ tạo được “cú hích” mang tính đột phá, bền vững cho phát triển kinh tế địa phương.

“Tuy nhiên, là huyện miền núi cao, muốn làm được điều đó, Tây Giang rất cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, nhất là kêu gọi thu hút doanh nghiệp vào địa bàn để tạo sự liên kết phát triển sinh kế cho người dân theo chuỗi giá trị cao và bền vững” - ông Linh chia sẻ.

Tây Giang cũng đã thực hiện sắp xếp, bố trí thành công 940 hộ đồng bào sinh sống ổn định tại các khu định cư mới, giải quyết được hiểm họa do thiên tai, bão lũ theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Ở các điểm dân cư mới, bên cạnh ổn định điều kiện nhà ở, chính quyền địa phương tính toán xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, đáp ứng việc ổn định, đảm bảo sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào địa phương.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bh’riu Liếc cho hay, bằng việc chọn đúng hướng đi theo từng bước, đã giúp địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển mang tính đột phá, trong đó, việc mở rộng và phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa làng Cơ Tu được chú trọng, đảm bảo vừa phát triển kinh tế, du lịch vừa giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương.

Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn văn hóa

Chia sẻ tại cuộc họp, bên cạnh đánh giá cao những nỗ lực của huyện Tây Giang trong việc thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý địa phương cần tiếp tục định hướng, tập trung hơn nữa các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn. Từ định hướng này, sẽ gợi mở nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ,… góp phần xây dựng Tây Giang trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

“Phát triển kinh tế là tất yếu, nhưng quá trình phát triển phải đi đôi với bảo tồn văn hóa, xóa dần các hủ tục lạc hậu. Trong những năm tiếp theo, bên cạnh tiếp tục thảo luận các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - văn hóa - con người, huyện Tây Giang cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, đảm bảo các điều kiện theo mục tiêu đề ra. Liên quan đến công tác cán bộ, cần phải làm đúng theo các bước quy trình, rà soát chặt chẽ việc giới thiệu nhân sự cho Đại hội Đảng bộ huyện sắp tới đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Đảng” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh.

ALĂNG NGƯỚC