"Nhịp cầu" nối niềm tin
Xuyên suốt bằng nhiều việc làm cụ thể của các cấp ủy đảng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, niềm tin của nhân dân với hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững bền, mang “nhịp cầu” nối ý Đảng - lòng dân.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Văn Dũng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đến nay, bên cạnh tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác tổ chức xây dựng Đảng và cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn việc quán triệt tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Từ việc làm xuyên suốt, đồng bộ đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần làm tốt công tác xây dựng Đảng ở các cấp ngành, địa phương trên toàn tỉnh.
Khắc phục tồn tại, hạn chế
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho hay, ngoài việc triển khai quán triệt và tổ chức học tập các nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy đảng còn nhận thức sâu sắc các chủ trương của Trung ương và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Chính sự đồng bộ và quyết liệt đã giúp nhiều địa phương làm tốt công tác phát triển đảng viên có trình độ về chuyên môn, đặc biệt là ở địa bàn miền núi, xóa hẳn tình trạng “trắng” đảng viên ở các điểm thôn, khối phố.
Cũng theo ông Lê Văn Dũng, ở lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, cùng với việc cụ thể hóa nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác tổ chức cán bộ, đã khắc phục dần những tồn tại, hạn chế trước đây liên quan đến các quy định về tiêu chuẩn chức danh, quy trình công tác cán bộ... Song song với đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành đồng bộ từ cấp ủy chi bộ cho đến các đảng bộ, trên cơ sở thực hiện tinh thần Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII).
“Đến nay, hầu hết địa phương toàn tỉnh đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức chi bộ thôn, khối phố một cách chặt chẽ theo quy định và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Qua đó từng bước khẳng định vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở mọi loại hình, góp phần giải quyết được nhiều vụ việc từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói.
Không chỉ nêu cao tinh thần chủ động trong công tác xây dựng Đảng, kết quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ sở đảng các cấp còn ghi nhận được nhiều dấu ấn, thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thông qua công tác dân vận khéo, công tác tuyên truyền, vận động làm theo gương Bác. Ở nhiều địa phương như Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My... từ các nghị quyết của Đảng, đời sống người dân đã dần được nâng cao rõ nét, nhất là trong phát triển kinh tế, tạo cơ hội giảm nghèo bền vững. Đây được xem là cơ hội để đồng bào các địa phương phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nên dấu ấn kết nối giữa ý Đảng - lòng dân thêm vẹn tròn.
Chú trọng kỷ cương trong Đảng
Nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần làm trong sạch tổ chức cơ sở Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được các cấp, các ngành chú trọng triển khai thực hiện một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng, đảm bảo theo quy định của Điều lệ Đảng. Nổi bật trong công tác kiểm tra, là kết quả xử lý, kỷ luật nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm thời gian qua, đã răn đe và ngăn ngừa được tình trạng suy thoái về tư tưởng, trách nhiệm trong một bộ phận đảng viên và tổ chức đảng. Hiệu quả từ công tác kiểm tra, giám sát đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức, giúp cán bộ đảng viên giữ vững niềm tin, quyết tâm phấn đấu không để xảy ra vi phạm.
Đánh giá cao kết quả công tác cán bộ thời gian qua, ông Dũng nói, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04, sau này là Nghị quyết 15 về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ một cách chặt chẽ, đem lại hiệu quả đáng mừng. Trong đó, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động phát huy hiệu lực, hiệu quả khá quyết liệt. Nhờ đó, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức các cơ quan tham mưu giúp việc của tỉnh, thực hiện văn phòng chung đang phát huy hiệu quả, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan hệ thống chính trị. Ở cấp huyện, bên cạnh sáp nhập chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm bồi dưỡng chính trị vào cơ quan Ban Tuyên giáo Huyện ủy, còn tiến hành sắp xếp, kiện toàn và tinh gọn bộ máy cán bộ thôn, khối phố, cũng như sáp nhập một số xã không đủ tiêu chí theo quy định của trung ương. Ngoài ra, mô hình văn phòng chung cấp xã, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ ở các thôn, khối phố cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Phương thức đánh giá cán bộ được thực hiện bằng nhiều kênh, ngày càng thực chất, giúp công tác tuyển chọn, quy hoạch cán bộ chất lượng, vững vàng.
“Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo cương quyết công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, bên cạnh tiến hành rà soát, chấn chỉnh những sai sót trong công tác cán bộ theo Kết luận số 43 và 48 của Bộ Chính trị, tỉnh cũng đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng các tiêu chuẩn còn thiếu đối với nhân sự nằm trong diện quy hoạch trong nhiệm kỳ đến. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo kiên quyết không đưa vào cấp ủy, cơ cấu chức danh chủ chốt đối với nhân sự chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cũng như cán bộ có uy tín thấp, năng lực yếu kém, có biểu hiện trong việc tham nhũng, lãng phí,...” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.