Công tác kiểm tra Đảng ngày ấy
Chia sẻ của những cán bộ lãnh đạo làm công tác kiểm tra Đảng qua các thời kỳ, cũng là những gửi gắm đến thế hệ hôm nay và mai sau trong ngành.
Bà Hồ Thị Kim Thanh - nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (giai đoạn 1986 - 1991): Phấn đấu với trách nhiệm Đảng giao
Ngày 15.5.1970, Tỉnh ủy Quảng Nam có quyết định thành lập Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy lâm thời gồm 7 đồng chí, trong đó có tôi, do đồng chí Đỗ Thế Chấp - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Họp phiên đầu tiên, chúng tôi xác định Đảng tin tưởng mới giao cho mình nhiệm vụ trọng đại này, vì vậy phải phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngày ấy tôi được phân công theo dõi một số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hợp pháp, khối dân vận đấu tranh chính trị binh vận. Thời gian đầu có gặp khó khăn, vì mình vừa làm công tác phụ nữ, vận động phong trào rộng rãi; bây giờ sáp vào công việc cụ thể của UBKT yêu cầu phải đi sâu, đi sát xuống chi bộ, đảng viên cơ sở, nhất là đảng viên, cán bộ hợp pháp. Khi phát hiện người ở vùng này, vùng kia “có vấn đề”, nhưng không dễ gì đi ngay xuống tiếp cận được. Mình phải chuẩn bị, bám sát, bố trí đội công tác, có giao liên... để đưa mình đi vào bên trong tổ chức để gặp gỡ, trao đổi. Có khi đi năm, bảy lần vẫn chưa gặp được, vì địch liên tục vây ráp, mật phục; còn kêu ra vùng giải phóng thì phải chuẩn bị hết sức chặt chẽ, nếu làm không khéo sẽ lộ bí mật, mất một cán bộ hợp pháp. Nói vậy để thấy ở thời điểm chiến tranh khó khăn như thế nhưng vì trách nhiệm Đảng giao mà chúng tôi phải hết sức phấn đấu để làm tốt nhiệm vụ.
Năm 1971, UBKT Tỉnh ủy được bầu chính thức gồm 7 người, do đồng chí Võ Quỳnh làm Trưởng ban. Tôi phụ trách vùng địch, công tác phụ nữ nên tiếp tục được giao nhiệm vụ như trên. Phải nói rằng, khi chưa có UBKT thì mình làm theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh ủy yêu cầu sao mình làm vậy. UBKT Tỉnh ủy được thành lập, có nội dung, chương trình, kế hoạch của Trung ương hướng dẫn, trên cơ sở đó mình bám sát để làm, giúp Tỉnh ủy theo dõi một cách toàn diện. Tháng 10.1986, tôi được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 bầu làm Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngoài việc quán triệt sâu sắc nhiệm vụ mà Đảng giao, tôi luôn nhắc nhở anh em trong ngành phải luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; trung thực, liêm khiết, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực; chứ mình mà tiêu cực thì không kiểm tra được ai. Trong đó, xác định rõ cho anh em về thái độ, trách nhiệm của mình là phải trung thực, vì công việc gắn liền với sinh mệnh của đồng chí mình, của Đảng bộ tỉnh, không để bị tác động bởi cái này cái kia, đúng là đúng mà sai là sai...
Ông Thái Văn Lữ - nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy (giai đoạn 2005 - 2010): Vì mục đích xây dựng Đảng trong sạch
Muốn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được thuận lợi, đạt kết quả, trước hết phải tạo được sự đồng thuận, gắn kết giữa cấp lãnh đạo và cấp tham mưu. Đồng thời UBKT còn phối hợp và kết hợp với các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; lắng nghe ý kiến của các đoàn thể chính trị - xã hội, tiếp thu thông tin của báo chí, dư luận xã hội..., qua đó tổng hợp lại, phân tích tình hình, chọn lọc đưa vào chương trình công tác kiểm tra. Hàng năm, việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ dù đã rõ ràng rồi, nhưng cần chọn ra nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để tiến hành kiểm tra. Với giai đoạn của chúng tôi ngày đó, nội dung trọng tâm của cấp ủy, cũng như UBKT là tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm ở các mảng tài chính công, đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, chính sách..., nói chung là trên lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, công tác kiểm tra tạo nên động lực, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, tạo sự đồng thuận.
Người cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng, ngoài vững vàng, kiên quyết, còn phải hết sức khôn khéo, mềm dẻo, thuyết phục, làm cho đối tượng tâm phục khẩu phục, như vậy mới đưa cuộc kiểm tra đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả. Nếu phương pháp kiểm tra không tốt, sẽ có tác dụng ngược lại. Chúng tôi luôn nhắc nhau, công tác kiểm tra phải dựa trên các quan điểm của Đảng: khách quan, toàn diện, chống phiến diện. Mặc dù “đầu đội nguyên tắc, vai mang chứng từ” rồi nhưng không nghe ngóng, tổng hợp thông tin, lựa lọc và không chu đáo thì vẫn có thể dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt sai phạm. Ngoài ra, khi thực hiện một cuộc kiểm tra, hay xem xét một sự việc nào đó cần phải xuất phát từ quan điểm lịch sử cụ thể của nó; không thể quy kết. Kiểm tra làm gì, kiểm tra để giáo dục, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cho nên phải đứng trên quan điểm phát triển, không phải kiểm tra để vùi dập; kiểm tra phải làm cho thấu tình đạt lý, vì sự tiến bộ chung. Công tác kiểm tra phải luôn gắn liền với công tác giáo dục tư tưởng, tổ chức cán bộ, bởi vì mục đích kiểm tra là để giáo dục, để xây dựng Đảng, sử dụng cán bộ hợp lý.
Trong tình hình hiện nay, nhân tố tích cực nhiều, nhưng tiêu cực không phải là ít. Nó len lỏi ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, phức tạp và tinh vi, cho nên cấp ủy phải xem công tác kiểm tra là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên; chú trọng tiến hành kiểm tra các cấp, mở rộng kiểm tra của Trung ương, của tỉnh xuống cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra. Công khai kết quả kiểm tra, xử lý và phúc tra xem đối tượng khắc phục đến đâu, phải truy đến cùng.
NGUYÊN ĐOAN