Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) ở Duy Xuyên: Quyết liệt nhưng không nóng vội
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, huyện Duy Xuyên đang quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập...
Duy Xuyên tập trung thực hiện tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh: HOÀI NHI |
Triển khai khoa học, cụ thể
Theo Kế hoạch hành động số 58/KH-HU (ngày 4.6.2018) của Huyện ủy Duy Xuyên về thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong năm 2018 huyện tập trung xây dựng, đề xuất phương án sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đồng thời khảo sát hoạt động của các tổ chức hội đặc thù có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để tiến hành sáp nhập, như Hội Từ thiện, Hội Khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam. Từ nay đến cuối năm, Huyện ủy chọn xã Duy Phước làm điểm thực hiện việc sáp nhập Văn phòng Đảng ủy và Văn phòng UBND; tiến hành sáp nhập một số trường tiểu học trên địa bàn…
Nâng “chất” đội ngũ cán bộ Từ tháng 6.2012 đến nay, Duy Xuyên đã cử 39 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị và 351 cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị. Ngoài ra, cử 77 cán bộ đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trong đó 14 người học thạc sĩ và 63 học đại học. Huyện còn liên kết với Đại học Huế mở lớp đại học chuyên ngành Công tác xã hội cho 57 cán bộ và liên kết với Đại học Vinh mở lớp đại học liên thông chuyên ngành Luật cho 74 cán bộ. Ngoài ra, 43 công chức thuộc Đề án 500 của tỉnh đã được bổ nhiệm vào các chức danh công chức ở xã, thị trấn; trong đó có 5 trường hợp trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời từ năm 2012-2016 huyện đã luân chuyển 8 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý về giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp xã... |
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, kế hoạch năm 2019 địa phương sẽ tiếp tục thực hiện việc sáp nhập Văn phòng Đảng ủy và Văn phòng UBND ở 13 xã, thị trấn khác. Cạnh đó, xây dựng cụ thể đề án, xin ý kiến của Tỉnh ủy để sắp xếp, giải thể và thành lập mới một số phòng, ban thuộc khối UBND huyện, gồm: Phòng Y tế, Trung tâm VH-TT, Đài Truyền thanh - truyền hình, gắn liền với việc sáp nhập, sắp xếp một số đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các xã, thị trấn, Duy Xuyên thực hiện việc sáp nhập, giảm đầu mối tổ đoàn kết ở các thôn, khối phố. Ngoài ra, rà soát, sắp xếp các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện theo quy định khung của Trung ương, Tỉnh ủy. Thực hiện chủ trương kiêm nhiệm chức danh như Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiêm Chánh thanh tra, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Ngoài ra, hợp nhất 2 cơ quan Văn phòng cấp huyện… Ông Mạnh nói: “Đây là công việc khó, phức tạp vì liên quan đến tâm tư tình cảm của cán bộ công chức, nhất là những người đang giữ vị trí lãnh đạo. Vì vậy, ngoài việc không bổ nhiệm thêm cán bộ lãnh đạo, đề ra phương hướng - kế hoạch cụ thể, khoa học và kịp thời nắm bắt tư tưởng cán bộ thì cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải tuyệt đối nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt, hiệu quả nhưng không được nóng vội, để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng hoạt động, điều hành, quản lý đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh”.
Bám sát Nghị quyết 19
Hiện nay, Duy Xuyên có 8 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 2 đơn vị sự nghiệp thông tin, văn hóa là Đài Truyền thanh - truyền hình và Trung tâm VH-TT cùng 6 đơn vị sự nghiệp khác gồm Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng, Đội quản lý Trật tự xây dựng, Ban quản lý chợ Nam Phước, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn. Trong khi đó, ngành GD-ĐT có 51 đơn vị trường học với 15 trường mẫu giáo, 21 trường tiểu học, 15 trường THCS. Những năm qua, các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực, đáp ứng chức năng cơ bản trong quá trình phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý nhà nước về đơn vị sự nghiệp vẫn còn một số chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lúc trực thuộc huyện quản lý, lúc giao về tỉnh… Vì vậy, việc thực hiện theo Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, đảm bảo đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, từ nay đến năm 2020, địa phương sáp nhập Trung tâm VH-TT và Đài Truyền thanh - truyền hình. Cạnh đó, giảm tối thiểu 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Phấn đấu có tối thiểu 25% số đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính. Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, thông qua việc sáp nhập Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng với Trung tâm Phát triển quỹ đất. Đồng thời phấn đấu có tối thiểu 50% số đơn vị tự chủ tài chính. Lộ trình đến năm 2030 tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025, phấn đấu giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025. Duy Xuyên cũng sẽ nỗ lực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và nâng cao năng lực quản trị.
HOÀI NHI