Đảng phải quyết tâm, dân cần đồng thuận
Chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khối phố (gọi chung là trưởng thôn) trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện từ năm 2013. Đến nay, hiệu quả đã được nhìn nhận, tuy nhiên số địa bàn dân cư thực hiện chủ trương trên vẫn thấp khi còn vướng không ít khó khăn.
Nhiệm kỳ 2017-2020, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Ảnh: HÀN GIANG |
Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc đánh giá kết quả thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy (khóa XX), tính đến ngày 31.12.2017, toàn tỉnh có 18/18 địa phương cấp huyện thực hiện mô hình, với 497 trường hợp bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trong tổng số 1.719 thôn trên địa bàn, đạt tỷ lệ 28,91%.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Đảm nhiệm chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Kỳ Phú (xã Tam Phước, Phú Ninh) đã hơn một năm nay, ông Nguyễn Khôi chia sẻ, từ khi kiêm nhiệm hai chức danh, ông thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn, việc hội họp để tiếp nhận chủ trương, chính sách cũng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, nếu bản thân không nhiệt tình, hết mình với công việc chung và đặc biệt là phải có uy tín với nhân dân thì sẽ không tập hợp được phong trào, khó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. “Tôi luôn phân vai rõ đối với hoạt động công tác đảng và trong việc thực hiện nhiệm vụ thôn. Nghị quyết của chi bộ được thống nhất thông qua, tôi tổ chức họp ban dân chính thôn để triển khai kịp thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện đạt hiệu quả. Khi bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn phát huy được tinh thần dân chủ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đối với các chủ trương, công việc đề ra thì sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân” - ông Khôi nói.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy (khóa XX) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, huyện Phú Ninh có 49/85 địa bàn dân cư cấp thôn thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Năm 2018, Phú Ninh phấn đấu đạt 70% số thôn và vào năm 2020 có 100% địa bàn dân cư thực hiện chủ trương này. Theo ông Nguyễn Công Khai - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Ninh, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh chủ chốt ở cấp thôn trên địa bàn huyện như thời gian qua hướng tới mục tiêu giảm số người hoạt động không chuyên trách, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. “So với nhiều địa phương, việc thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại Phú Ninh được thuận lợi nhờ tập trung làm tốt công tác phát triển đảng viên tại địa bàn dân cư, và chú trọng phân công đảng viên giữ các chức vụ tại cơ sở. Các nhân sự kiêm nhiệm hai chức danh này đều có uy tín, sức khỏe, tập hợp được quần chúng nhân dân, và được chọn giới thiệu ra ứng cử, bầu cử theo quy định. Thời gian qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả khi tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở” - ông Khai nhìn nhận.
Phải quyết tâm cao
Trong 5 năm qua, ngoài một số địa phương thực hiện tốt như Đại Lộc đạt 100% (160/160 thôn), Phú Ninh 57,6% (49/85), Bắc Trà My 51% (41/80)…, còn nhiều địa phương thực hiện mô hình đạt rất thấp so với bình quân của tỉnh. Trong đó, TP.Tam Kỳ mới chỉ có 17/109 khu dân cư thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Chia sẻ kết quả thực hiện của địa phương, ông Trình Minh Đức - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Tam Kỳ cho biết, việc thực hiện mô hình trên địa bàn gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Tam Kỳ là địa bàn đô thị, phần lớn bí thư chi bộ là đảng viên hưu trí, lớn tuổi, khó thực hiện kiêm nhiệm thêm chức vụ. Trong khi đó, đảng viên trẻ còn phải chăm lo phát triển kinh tế gia đình, giao một nhiệm vụ thì được, chứ phân công hoạt động kiêm nhiệm cũng khó. “Tam Kỳ xác định việc thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn theo từng bước để đạt hiệu quả và nhất là không gây xáo trộn làm ảnh hưởng đến phong trào chung ở cơ sở. Theo lộ trình, đến năm 2020 Tam Kỳ phấn đấu có 50% số thôn thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh, gắn với thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, khối phố, xã, phường theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII)” - ông Đức cho hay.
Theo ông Lê Văn Dũng - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc thực hiện mô hình nhất thể hóa các chức danh chủ chốt ở thôn đã tạo được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở; góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên mô hình thực hiện đạt tỷ lệ thấp do còn nhiều vấn đề vướng mắc và đây cũng là việc khó, nên trong thời gian tới phải có quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, sự đồng thuận của nhân dân. “Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 50% số địa bàn dân cư thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tham mưu Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 nhằm bàn giải pháp thực hiện tốt hơn chủ trương này gắn với thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Trong đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo phương châm “dân bầu, Đảng cử” - có nghĩa là giới thiệu đảng viên ra tranh cử trưởng thôn, nếu dân bầu “trúng” thì Đảng sẽ giao nhiệm vụ bí thư chi bộ. Ngoài ra, sẽ thực hiện việc khoán ngân sách phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, thôn để khắc khục việc chế độ kiêm nhiệm chưa hợp lý hiện nay” - ông Dũng nói.
HÀN GIANG