Đổi mới sinh hoạt chi bộ
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định.
Ông Phan Tấn Nghị - Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng, ngoài kiện toàn nhân sự, cần thường xuyên tập huấn bồi dưỡng kỹ năng công tác kiểm tra Đảng cho đội ngũ làm công tác này. Ảnh: NG.ĐOAN |
Thời gian qua, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ” được xem như cẩm nang giúp cho cấp ủy và các tổ chức đảng nắm bắt được trình tự sinh hoạt chi bộ, làm phong phú thêm nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua kết quả thực hiện, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.
Diễn đàn dân chủ
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Cần tránh tình trạng ngại va chạm Tinh thần chung của việc tổ chức sinh hoạt chi bộ là để uốn nắn, nhắc nhở đồng chí mình tiến bộ. Trong sinh hoạt, các chi bộ cần tạo ra sự lôi cuốn, không khí thảo luận sôi nổi các vấn đề về xây dựng Đảng, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng chí bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, chọn những vấn đề trọng tâm, nhận diện được các khó khăn, vướng mắc của chi bộ là gì, giải pháp xử lý như thế nào. Các vấn đề được đưa ra cho tập thể bàn bạc, thống nhất và tập trung thực hiện tháo gỡ, giải quyết, phân công rõ trách nhiệm cho mỗi cá nhân. Ở đây, cần hết sức tránh tình trạng né tránh, ngại va chạm, không góp ý xây dựng cho đồng chí mình tại các cuộc sinh hoạt chi bộ nhưng lại gửi đơn thư tố cáo khắp nơi. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiệu suy thoái, và nó ở ngay xung quanh chúng ta, nếu bản lĩnh không vững vàng thì rất dễ vướng vào. Không chịu học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nói một đằng làm một nẻo chính là biểu hiện của sự suy thoái. Vì vậy, từng loại hình tổ chức cơ sở đảng phải tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt kỹ, bởi lẽ người cán bộ, đảng viên có hiểu đúng, hiểu sâu sắc nghị quyết của Đảng thì việc triển khai mới hiệu quả, mới đưa nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống. |
Đánh giá về kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW tại Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, ông Phan Đức Thấn - Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tập trung chỉ đạo cấp ủy cơ sở tích cực đổi mới nội dung sinh hoạt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chi bộ. Trước hết, trong sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo đầy đủ 3 tính chất: tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Đồng thời phải thực hiện đúng nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt đảng để mỗi buổi sinh hoạt chi bộ thực sự là diễn đàn dân chủ, góp phần phát huy trí tuệ, khơi dậy tính sáng tạo của đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác tư tưởng và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, thống nhất ý chí và hành động trong thực hiện nghị quyết của chi bộ.
Cũng theo ông Thấn, nhờ làm tốt công tác triển khai, quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nên qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW và Hướng dẫn 09-HD/BTCTW, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối có sự chuyển biến mạnh mẽ; góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhận thức của các cấp ủy đảng và đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ được nâng cao, nắm bắt được phương thức, quy trình sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chi bộ ở các tổ chức đảng đạt chất lượng, nội dung sinh hoạt bám sát yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và đặc điểm của từng loại hình chi bộ. Trước đó, nội dung đã được bàn bạc kỹ trong hội nghị cấp ủy và có sự tham gia của thủ trưởng cơ quan trước khi đưa ra chi bộ, tạo sự thống nhất giữa lãnh đạo cơ quan với cấp ủy. “Sau hội nghị cấp ủy, thường trực cấp ủy gửi thông báo nội dung sinh hoạt hằng tháng bằng văn bản tới các chi bộ trực thuộc, để các chi bộ chủ động xây dựng nội dung sinh hoạt sát với định hướng lãnh đạo của cấp ủy cấp trên” - ông Phan Đức Thấn nói.
Phải tự soi mình
Nhắc lại tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW và Hướng dẫn 09-HD/BTCTW do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tổ chức mới đây, ông Phan Khắc Chưởng - Bí thư Chi bộ Hội Luật gia tỉnh cũng đặt vấn đề, rằng đánh giá tổng kết đã nêu ra một số tồn tại, khuyết điểm, trong đó tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số ít chi bộ còn yếu. Một số đảng viên có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm. Bên cạnh đó, hình thức sinh hoạt còn đơn điệu, chưa chú ý đến sinh hoạt chuyên đề, ít tổ chức sinh hoạt đột xuất để giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở. Cũng theo ông Phan Khắc Chưởng, lâu nay việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề đã được các chi bộ làm rồi, có nơi làm rất tốt nhưng cũng có nơi làm mang tính đối phó, không có chất lượng, có tình trạng nói không đi đôi với làm. “Theo tôi, trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Khối cần tiếp tục chú trọng chất lượng, tập trung vào vấn đề sinh hoạt chi bộ, phải chỉ rõ ra là nơi nào chưa làm tốt. Nguyên nhân của các tồn tại trong thời gian qua phải chăng là có phần của sự bao che hay do cơ chế quản lý. Chúng ta phải tự soi rọi mình, nhìn thẳng vào sự thật, từ đó làm mạnh, làm quyết liệt trong việc chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ ra, nhằm xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, có như vậy thì Đảng mới mạnh” - ông Chưởng góp ý.
Kiểm tra, giám sát được xác định là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Có thể thấy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ, của cấp ủy cấp trên là yếu tố quan trọng nhằm kịp thời phát hiện và uốn nắn, chấn chỉnh đối với các sai sót, khuyết điểm, lệch lạc trong công tác xây dựng Đảng nói chung, và đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói riêng. Vậy nên, theo ông Đinh Đạo - Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, để công tác này thực hiện hiệu quả, đạt chất lượng, Đảng bộ Khối cần tăng cường tập huấn kỹ năng kiểm tra, giám sát cho các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Ở đây phải phân biệt rõ là tổ chức giám sát để có cơ sở kiểm tra, và thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Việc thực hiện giám sát hay kiểm tra cần có bản đánh giá cụ thể với các mức độ khác nhau. Nội dung giám sát cần tập trung nhiều hơn vào những mặt yếu, khâu yếu nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.
HÀN GIANG