Đưa nghị quyết vào cuộc sống: Bám thực tế, dựa sức dân
Dù còn tồn tại trên một số mặt, nhưng với một xã vùng cao có quá nhiều khó khăn như Trà Sơn (huyện Bắc Trà My), những thành quả đạt được trong thời gian qua đáng được ghi nhận. Trên đường xây dựng nông thôn mới, những nghị quyết của Đảng đã bám sát cuộc sống, tranh thủ được sức dân.
Làng Cao Sơn (xã Trà Sơn) được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: BÍCH HẠNH |
“Miệt vườn”vùng cao
Không để người dân “đầu hàng” trước đói nghèo, nhiều năm nay các cấp ủy đảng ở xã Trà Sơn đeo đuổi mục tiêu lãnh đạo địa phương phát triển mạnh mô hình trồng cây ăn quả. Đặc biệt, năm 2016, hơn 80 hộ đồng bào đã tham gia đăng ký trồng 2.404 cây cam, 1.976 cây thanh trà, 300 cây lòn bon. Theo ông Phan Trọng Dương - cán bộ nông nghiệp xã Trà Sơn, riêng tại thôn Cao Sơn có hơn 100 hộ trồng cây ăn quả các loại, trồng rau. Thu nhập người dân khá ổn định, chính quyền không còn lo lắng xảy ra tình trạng thiếu đói vào mùa giáp hạt. Vườn tược của đồng bào trồng đan xen cam quýt với cây chuối. Đảng ủy xã Trà Sơn còn ban hành Nghị quyết 03 về phát triển cây chuối bản địa. Đến nay, ước tính cả xã có hơn 20 nghìn gốc chuối và khoảng 100ha trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chanh, thanh trà, thanh long...
Còn nhiều việc phải làm Bí thư Đảng ủy xã Trà Sơn - Lê Đình Trung chia sẻ, tuy tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận từ “đòn bẩy” là những nghị quyết đúng đắn của Đảng, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Chặng đường phía trước của Trà Sơn còn khá dài và gian nan, bởi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, có thôn tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 50%. Các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ủy xã tuy đi vào đời sống nhưng chưa đều khắp, do một số chi bộ đảng ở cơ sở chưa thực sự quan tâm vào cuộc, trong khi đó Đảng ủy xã thiếu kịp thời trong công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện. Ngay cả ở thôn Cao Sơn - một điển hình về sự đổi thay tại Trà Sơn - vẫn còn diện tích đất bỏ hoang hóa vì thiếu nước tưới, chưa chủ động chuyển đổi giống cây trồng hợp lý. Đáng chú ý, quá tập trung phát triển kinh tế, Trà Sơn bị lỗ hổng trong công tác bảo vệ rừng, mặc dù vấn đề này cũng đã được Đảng bộ xã hiện thực hóa bằng nghị quyết chuyên đề. “Trong giai đoạn mới, để tiếp tục phát triển, Trà Sơn phải từng bước giải quyết những tồn tại mà địa phương đã và đang gặp phải. Những chủ trương về phát triển kinh tế sẽ phải được chuyển hóa thành kế hoạch bài bản và cụ thể, đồng thời chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng những mô hình hiệu quả. Với vai trò của mình, cấp ủy đảng ở cơ sở không chỉ động viên đảng viên và nhân dân hưởng ứng triển khai chủ trương của Đảng mà còn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời trao đổi thông tin lên cấp ủy, chính quyền cấp trên khi xuất hiện vướng mắc để tìm giải pháp xử lý phù hợp. |
Khi cây chuối khẳng định vị thế, trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” của địa phương, từ kinh nghiệm thực tiễn, Đảng ủy xã Trà Sơn quyết liệt chỉ đạo các chi bộ trực thuộc cụ thể hóa Nghị quyết 03 bằng chương trình hành động cụ thể, khẩn trương triển khai chủ trương phát triển cây chuối về các thôn, bản. Khu vườn của ông Hồ Văn Giác (đồng bào Ca Dong, thôn Cao Sơn, xã Trà Sơn) trồng xen nhiều loại cây ăn quả như chuối, cam quýt, thanh trà. Ông Giác chia sẻ: “Năm nay chuối, cam mất mùa nhưng vẫn có trái bán, đổi được thức ăn tươi sống. Cây trái làm ra thì có thương lái ở thị trấn Trà My chạy lên tận nơi thu mua. Ở rẻo cao này, vườn nhà ai cũng trồng chuối lùn, chuối mốc. Vụ năm ngoái, tôi để dành được số vốn kha khá từ tiền bán chuối, chanh, cam. Thấy mô hình hộ ông Giác và nhiều gia đình thực hiện hiệu quả, đồng bào học hỏi làm theo, dọn đất, chặt bỏ cây tạp trong vườn nhà, thậm chí chuyển đổi một số diện tích đất lúa năng suất thấp sang trồng chuối. Bí thư Đảng ủy xã Trà Sơn - ông Lê Đình Trung khẳng định: “Khi Nghị quyết 03 của Đảng ủy xã ra đời, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các chi bộ quán triệt, vận động bà con mạnh dạn mở rộng diện tích trồng chuối, chanh. Trong đó, quán triệt đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm gương, tiên phong. Trên địa bàn xã có không ít gia đình đảng viên ổn định cuộc sống nhờ vào cây chuối”. Cũng theo ông Trung, sau khi có Nghị quyết 03, địa phương đã cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào thâm canh; tranh thủ nguồn lực tập trung tu sửa, gia cố, nâng cấp các đập, kênh mương, đập thủy lợi đã xuống cấp, nhờ đó mà chủ động được nguồn nước tưới cho các vườn cây ăn quả. “Trong định hướng phát triển kinh tế, Nghị quyết 03 của Đảng ủy xã xác định trồng cây ăn quả đan xen trong vườn nhà là mục tiêu giảm nghèo bền vững. Với nguồn lực đất đai dồi dào, địa phương sẽ khai thác triệt để lợi thế phát triển kinh tế vườn cây ăn quả” - ông Trung nói. Từ chỗ cây ăn quả phát triển manh mún, tự phát là chính, đến nay xã Trà Sơn đã tạo ra mô hình thâm canh cây ăn quả quy mô, có thể cung ứng ra thị trường.
Ngôi làng xanh - sạch
Làng Cao Sơn (xã Trà Sơn) - nơi đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong sinh sống - có khí hậu quanh năm mát lạnh và nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên, cùng với đời sống tinh thần phong phú của đồng bào Ca Dong. Vì vậy, chính quyền Bắc Trà My dự định phát triển nơi đây thành làng du lịch sinh thái. Lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu chưa hẳn là lý do để địa phương “chọn mặt gửi vàng” cho những ý tưởng phát triển kinh tế mới lạ, mà cái chính là cộng đồng dân cư rất chăm chỉ làm ăn, có ý thức bảo vệ môi trường, các giá trị văn hóa tinh thần độc đáo không bị lai căng. Ngôi gươl truyền thống của người Ca Dong ở xã Trà Sơn tuy không hoành tráng, nhưng từ dáng dấp kiến trúc, kết cấu nguyên vật liệu xây dựng đến cách trang trí bên trong đều rất thô mộc, thể hiện được bản sắc gần gũi với đời sống của họ. Ngay cả căn nhà sàn đồng bào ăn ở cũng đơn giản sử dụng vật liệu từ núi rừng, rất ít can thiệp bởi khối xi măng, sắt thép. Và điểm chung là nhà ở rất sạch sẽ, đều có công trình vệ sinh. Gia súc, gia cầm được xây chuồng trại riêng.
Nhiều đồng bào Ca Dong ở thôn Cao Sơn như hộ ông Hồ Văn Giác trồng đan xen các loại cây ăn quả trong vườn nhà, đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: BÍCH HẠNH |
Về Trà Sơn hôm nay, những con đường bê tông uốn lượn theo triền núi, điện chiếu sáng nhiều đường làng ngõ hẻm. Tỉnh lộ 622B giờ đã khớp nối với thôn Bắc và thôn Tây (xã Trà Sơn). Đây là con đường nối dài những ước mơ, hiện thực hóa phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hai năm trước, biết Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm đường, nhưng không có nguồn kinh phí giải tỏa mặt bằng, Đảng bộ xã đã ra chủ trương kêu gọi, vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức. Sau khi quán triệt tinh thần lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các thôn đã xuống từng nhà dân có đất gần đường để vận động bà con hiến đất. Đoạn bê tông còn lại từ thôn Bắc lên thôn Tây dài gần 1km, hầu hết đồng bào đều hiến đất mở rộng mặt bằng. Giao thông nông thôn mở ra đến đâu ánh sáng phủ khắp đến đó. Lãnh đạo Đảng ủy xã Trà Sơn cho biết, địa phương đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, nhưng hiện tại các tiêu chí về điện thắp sáng khu dân cư, giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường... cơ bản đã đảm bảo. Sau khi Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết 44 về bảo vệ vệ sinh môi trường, người dân đã thực hiện tốt quy ước thôn văn hóa ở từng cụm khu dân cư, tổ đoàn kết, giữ gìn vệ sinh chung. “Riêng tại thôn Cao Sơn, huyện Bắc Trà My đã bỏ ngân sách ra đầu tư gần 5km đường giao thông với mục đích sẽ phát triển du lịch cộng đồng làng, du lịch sinh thái. Và hơn ai hết, đồng bào Ca Dong sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp. Nhìn chung các nghị quyết đều đi vào thực tế đời sống và hướng đến đích giảm nghèo bền vững cho người dân” - ông Trung khẳng định.
BÍCH HẠNH