Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Chỉnh đốn Đảng, vì dân
Mục tiêu cuối cùng của công tác xây dựng Đảng là xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên giàu năng lực, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân. Vì lẽ đó, rất cần sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy:
Dựa vào dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng
Thực tiễn cho thấy công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, khuyết điểm chứ chưa tròn, chưa tốt hết được, cũng còn có sai sót trong việc này, việc kia. Một trong những vấn đề mà toàn xã hội rất quan tâm hiện nay đó là tệ tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà cho nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra rằng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là các nguyên nhân làm cho Đảng bị suy yếu. Chính vì vậy, tập trung xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, cấp bách hiện nay.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong cán bộ chủ chốt của tỉnh. Ảnh: HÀN GIANG |
Tôi thấy “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” trong thời gian gần đây đã được phát hiện, ngày càng được làm rõ ra. Chúng ta phải hết sức cương quyết, làm tốt, xử lý nghiêm khắc đối với “một bộ phận không nhỏ” này thì mới yên dân, mới củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng.
Tập trung làm tốt được việc này chính là làm tốt công tác xây dựng Đảng, đồng thời hòa quyện gắn trách nhiệm giữa Đảng với dân. Chỉnh đốn Đảng để vì dân là như vậy. Cho nên chúng ta thấy Chính phủ đã và đang tập trung xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm khiết, vì dân. Chính phủ đã có chủ trương, quyết tâm như vậy thì các cấp, các ngành, đặc biệt ở địa phương là cấp gần và sát dân nhất. Người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm với dân thì dân mới tin tưởng. Dựa vào dân, lấy lực lượng và sức mạnh của dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng; nếu không làm tốt, không gắn bó với dân, không dựa vào dân thì công tác xây dựng Đảng sẽ không thành công.
Ông Phạm Sáu Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh:
Không ngoài mục tiêu phục vụ nhân dân
Suy cho cùng, 27 biểu biện được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu ra gắn với cơ thể sống của Đảng, mà trực tiếp là tổ chức đảng và đảng viên, về chất lượng chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Các biểu hiện được nghị quyết nêu ra gắn với các nguyên tắc về xây dựng Đảng. Nếu tổ chức đảng nào không thực hiện nghiêm các nguyên tắc về xây dựng Đảng thì sẽ dẫn đến vướng vào 27 biểu hiện mà nghị quyết đã chỉ. Theo đó, để thực hiện nghiêm các nguyên tắc, yêu cầu đầu tiên là tổ chức đảng phải quan tâm chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện ý thức, phẩm chất đạo đức cách mạng cho người đảng viên. Trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh có một chuyên đề tư tưởng về xây dựng Đảng. Ở chuyên đề này, Người đã tập trung làm rõ, chỉ ra các nguyên tắc, cách làm, quan điểm, nhận thức về công tác xây dựng Đảng. Trong đó, Người đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Tổ chức đảng nào không chăm lo giáo dục, bồi dưỡng đảng viên, người đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh cách mạng vững vàng thì sẽ dẫn đến suy thoái.
Phân tích hai nội dung như vậy để thấy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và mỗi cương vị công tác của từng cán bộ, đảng viên. Từ kết quả đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên được khẳng định. Đảng ta không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc. Đảng là đại biểu ưu tú và trung thành tuyệt đối của nhân dân, đại diện nhân dân cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Vì vậy, tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cuối cùng là vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Đồng thời cũng có thể thấy, xây dựng Đảng là điều kiện, cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng ngày một tiến bộ hơn, trở thành người cách mạng chân chính.
Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước:
Quyết liệt làm mới, vực dậy phong trào ở cơ sở
Theo hướng dẫn, sau khi được quán triệt, học tập, cán bộ, đảng viên phải viết bản cam kết không vi phạm 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng đã nêu ra. Nhưng để các bản cam kết này không mang tính hình thức, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ phải được tăng cường, xem người cán bộ, đảng viên có làm đúng theo nội dung đã cam kết hay không. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời tập trung chỉ đạo việc kiểm điểm đối với các tổ chức đảng trực thuộc, nhất là những nơi có dấu hiệu vi phạm, đang có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, bộ máy hoạt động không mạnh... Từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý, nếu xét thấy cần thiết sẽ thay đổi nhân sự chủ chốt, có như vậy mới vực dậy phong trào ở cơ sở.
Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đang tác động lớn đến niềm tin vào chế độ xã hội mà Đảng và nhân dân lựa chọn. Khi niềm tin suy giảm sẽ giảm sức phấn đấu và ý chí chiến đấu. Đặc biệt, những biểu hiện của sự suy thoái ở trong mỗi người có chức có quyền sẽ trở thành lực cản trong cơ quan, đơn vị, gây ra mất đoàn kết. Bên cạnh đó, không học lý luận, quan tâm đến lý luận thì lý luận sẽ ngày càng bị cùn đi và sẽ rất dễ tiếp thu tư tưởng không chính thống. Như vậy sẽ không đấu tranh để bảo vệ được tư tưởng đúng đắn của Đảng. (PGS-TS. Nguyễn Minh Tuấn- Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) |
Những năm trước địa phương làm việc này khá tốt, đã được rút kinh nghiệm thì nay phải làm tốt hơn. Thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, địa phương coi trọng cả việc “xây” và “chống”, quyết liệt nhưng không nóng vội, không để xảy ra tình trạng cơ hội gây mất đoàn kết nội bộ; không vì bị dư luận tạo sức ép mà thiếu tỉnh táo, xử lý oan cán bộ. Nhưng nếu người cán bộ, đảng viên bị phát hiện có sai phạm, vi phạm đến mức phải xử lý thì sẽ xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục. Tiên Phước xác định lấy hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị là thước đo đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Các - cán bộ hưu trí, sinh hoạt tại Chi bộ khối phố 4 (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ):
Kỳ vọng vào kết quả thực hiện
Qua nghiên cứu và so sánh nghị quyết về xây dựng Đảng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, tôi thấy nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần sau này đầy đủ hơn rất nhiều. Tôi rất tâm đắc khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn nhìn nhận về tình hình và nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nhất là đã chỉ ra được 27 biểu hiện suy thoái, là nguyên nhân làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Soi rọi 27 biểu hiện suy thoái được nghị quyết nêu ra, thấy ở chỗ này, địa phương kia vẫn còn xảy ra những vụ việc bức xúc liên quan đến người cán bộ, đảng viên khiến tôi rất trăn trở, phiền lòng. Tôi kỳ vọng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng lần này sẽ được triển khai thực hiện hết sức nghiêm túc; không hời hợt, hình thức, đối phó. Từng người đứng đầu, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong việc triển khai thực hiện nghị quyết; lấy chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên làm mục tiêu phấn đấu.
HÀN GIANG