Triển khai Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ: Không thể chần chừ

HÀN GIANG 25/08/2016 09:08

Ngày 12.8.2016, Tỉnh ủy (khóa XXI) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 04). Ngày 23.8, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn tỉnh, yêu cầu đặt ra với các địa phương, đơn vị là phải tổ chức thực hiện ngay để đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách phù hợp, hiệu quả.

Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Nghị quyết 04 (khóa XXI) của Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Ảnh: H.GIANG
Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Nghị quyết 04 (khóa XXI) của Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Ảnh: H.GIANG

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Nghị quyết 04 đã đề ra những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, đột phá với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trước đó, để xây dựng và ban hành Nghị quyết 04, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành 3 cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến đánh giá, góp ý của các địa phương, sở, ban ngành trong tỉnh về kết quả thực hiện công tác cán bộ theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XX) trong giai đoạn 2010 - 2015. Qua đó tiếp thu, chọn lọc nhiều nội dung quan trọng, ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục cho ý kiến, làm cơ sở để Tỉnh ủy đánh giá tổng kết công tác cán bộ của tỉnh trong thời gian qua, và ban hành nghị quyết mới một cách sát đúng, phù hợp với tình hình thực tế của Quảng Nam.

Nâng cao chất lượng, kiện toàn bộ máy

Trực tiếp quán triệt các nội dung chính của Nghị quyết 04, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định, Nghị quyết 04 về công tác cán bộ của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã được chuẩn bị và xây dựng khá kỹ lưỡng, công phu; kết hợp giữa vận dụng tinh thần các nghị quyết của trung ương và kế thừa kết quả đã đạt được trong công tác cán bộ; kết tinh trí tuệ, ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân, gắn với tình hình thực tiễn của tỉnh hiện nay. Nếu nhiệm kỳ 2010 - 2015, nghị quyết về công tác cán bộ của Tỉnh ủy (khóa XX) xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng là khâu đột phá, thì tinh thần của Nghị quyết 04 nhiệm kỳ này xác định: nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là khâu đột phá.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Nghị quyết 04 lần này là thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phải gắn liền với đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp và thực hiện tốt việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, cải cách hành chính. Đồng thời chú trọng đối với đội ngũ cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số.

Đến năm 2020, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy khóa XXI đề ra mục tiêu:

- Đối với cấp xã:

Có 100% đội ngũ cán bộ cấp ủy xã đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị và trung cấp chuyên môn trở lên, trong đó phấn đấu 80% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên.

Đối với cán bộ cấp xã (thuộc khu vực đồng bằng), có 100% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị và trung cấp chuyên môn trở lên; phấn đấu trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt hơn 80%. Đối với các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã có 100% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên.

Đối với cán bộ cấp xã (thuộc khu vực miền núi), có 90% trở lên đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị và 80% trở lên đạt trình độ trung cấp chuyên môn; phấn đấu 70% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên. Đối với các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã có 100% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên và 75% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên.

- Cấp huyện và tương đương:

 Cấp ủy huyện và tương đương phải đạt trình độ đại học chuyên môn trở lên và cao cấp lý luận chính trị.

Trưởng, phó phòng và tương đương 100% đạt trình độ đại học chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị; phấn đấu 10% đạt trình độ chuyên môn sau đại học.

 - Cấp tỉnh:

Giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương trở lên phải đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn theo chuẩn chức danh quy định, phấn đấu đạt 40% trình độ chuyên môn sau đại học.

Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban ngành phải đạt trình độ đại học chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị; phấn đấu 30% đạt trình độ chuyên môn sau đại học.

- Hoàn thành tốt việc tinh giản biên chế và bố trí đội ngũ cán bộ theo đề án vị trí việc làm; kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và sắp xếp chuyển đổi mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, Nghị quyết 04 đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, xác định việc đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm. Về giải pháp, xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ dựa trên chức danh, vị trí việc làm; việc đánh giá được thực hiện theo hướng: cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá những người thuộc quyền quản lý, cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu cấp dưới. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vu, hạn chế về năng lực, có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp (dưới 50%).

Cùng với đó, chú trọng chất lượng tuyển dụng theo vị trí việc làm, gắn với tinh giản biên chế. Thực hiện thi tuyển công chức, viên chức theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng luật, đảm bảo tính cạnh tranh. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Theo tinh thần của Nghị quyết 04 lần này, giám đốc sở, ban ngành và tương đương giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một cơ quan, đơn vị. Đối với các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị có từ 30% số cán bộ, công chức, viên chức là nữ thì phải có ít nhất 1 nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Khó nhưng phải làm

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, trong thời gian đến, việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và cấp huyện được thực hiện theo hướng thu gọn đầu mối. Một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ sẽ được thực hiện thí điểm hợp nhất; không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đối với cấp huyện, quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính xã, thôn, tổ dân phố và từ nay đến năm 2020 không tăng số lượng các đơn vị hành chính này.

Cũng theo đồng chí Lê Văn Dũng, Tỉnh ủy khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính, nhân sự; thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Trong thời gian tới, thực hiện việc xắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đầu mối, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh nhằm giảm áp lực cho ngân sách.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nêu rõ, công tác cán bộ là khâu rất quan trọng và then chốt. Do đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa tinh thần của nghị quyết, tổ chức triển khai thực hiện tốt, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và căn cứ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp. “Phải tổ chức thực hiện ngay để đưa Nghị quyết 04 đi vào cuộc sống, không chần chừ gì nữa. Việc triển khai thực hiện phải gắn với công tác cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy. Biết là khó nhưng chúng ta không thể không làm, và phải làm với quyết tâm cao, ý chí mạnh mẽ để đưa Quảng Nam phát triển hơn nữa trong thời gian đến” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.

HÀN GIANG

HÀN GIANG