Tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn: Đáp ứng yêu cầu phát triển
Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, xét về chất lượng và cơ cấu có nhiều mặt chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. CBCC cấp xã đạt 3 chuẩn chỉ đạt tỷ lệ 51,83%, số còn lại đạt 1 chuẩn và 2 chuẩn. Một số đơn vị có tỷ lệ CBCC xã đạt 3 chuẩn thấp, như: Tây Giang 18,36%; Đông Giang 26,96%; Nam Trà My 35,17%; Nam Giang 37,26%... Trước thực trạng đó, sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015 tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút, tuyển chọn nhân tài, đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã. Trong đó, điểm nhấn là Quyết định số 2398 của UBND tỉnh ngày 28.7.2011 về ban hành Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2016 (gọi tắt là Đề án 500) với mục tiêu tuyển chọn, đào tạo 500 sinh viên đã tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chức danh CBCC cấp xã để tạo nguồn cán bộ trẻ và quy hoạch, bổ sung vào các chức danh cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền ở xã, phường, thị trấn, phục vụ yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Ban điều hành Đề án 500 của tỉnh tổ chức sát hạch lựa chọn ứng cử viên cho khóa IV vào tháng 5.2015. Ảnh: HÀN GIANG |
Phù hợp thực tiễn
Sau khi có Đề án 500, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy đã hưởng ứng tích cực, triển khai đồng bộ các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công đề án. Hầu hết địa phương đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, đồng thời chỉ đạo đảng ủy, UBND cấp xã chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện việc tuyển chọn, tiếp nhận và phân công công tác cho học viên đề án sau khi tốt nghiệp. Đề án được xác định là có bước đổi mới, đột phá, nhằm tuyển chọn, đào tạo có chất lượng những người có trình độ đại học hệ chính quy, trẻ tuổi, có phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, để bố trí và quy hoạch, bổ sung vào các chức danh cán bộ chủ chốt của đảng, chính quyền cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND), góp phần đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở.
Qua gần 4 năm triển khai, Đề án 500 đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Kết quả đề án đem lại cho thấy đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời khẳng định, đề án đã tạo ra môi trường tốt để học viên tự rèn luyện, thử thách và trưởng thành. Đến nay, Ban điều hành Đề án 500 của tỉnh đã tổ chức xét tuyển 4 khóa với tổng số 523 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy đưa vào Trường Chính trị tỉnh đào tạo (mỗi khóa đào tạo 12 tháng). Đến cuối năm 2014, có 415 học viên tốt nghiệp các khóa 1, 2, 3 về nhận công tác tại địa phương, hiện có 108 học viên khóa 4 đang được đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam.
Sau khi tốt nghiệp về địa phương, hầu hết học viên được bố trí vào các chức danh công chức cơ sở và được phân công công tác với những nhiệm vụ khác nhau ở chính quyền cơ sở như văn phòng - thống kê, văn hóa - xã hội, địa chính - xây dựng, tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán... Qua thời gian về công tác tại địa phương, từng học viên đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, năng nổ, nhiệt tình trong công việc. Mỗi người đã biết kết hợp tốt kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế ở địa phương, thể hiện sự chuyên nghiệp trong thực thi công vụ.
Tiếp tục nâng tầm
Từ thực tiễn công tác, các học viên tốt nghiệp Đề án 500 đã khẳng định hiệu quả trên từng lĩnh vực được phân công, là quần chúng ưu tú, được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao... nên sớm được tổ chức đảng nơi công tác tạo nguồn, phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ, giao nhiệm vụ thử thách để rèn luyện xem xét kết nạp vào Đảng. Tính đến tháng 9.2015, đã có 207/523 cán bộ Đề án 500 được xem xét, kết nạp vào Đảng. Đồng thời qua những kết quả từ công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, các học viên đã được cấp ủy, chính quyền phát hiện, tiếp tục bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở. Đến nay, đã có 5 học viên được bố trí giữ chức danh phó chủ tịch UBND xã; qua đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 51 cán bộ Đề án 500 trúng cử vào Ban Chấp hành đảng bộ cơ sở; trong đó có 1 người trúng cử vào Ban Thường vụ cấp ủy cơ sở (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ). Có thể kể một số địa phương có cán bộ Đề án 500 trúng vào cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 như huyện Thăng Bình 13/43 học viên, tỷ lệ 30,23%; Tam Kỳ 7/29, tỷ lệ 24,13%; Hội An 6/30, tỷ lệ 20%; Điện Bàn 5/32, tỷ lệ 15,6%; Duy Xuyên 5/4, tỷ lệ 11,62%...
Có thể nói, Đề án 500 của tỉnh đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, tạo được niềm tin cho các cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở. Nhiều địa phương đã chủ động xin tuyển thêm cán bộ ngoài chỉ tiêu được phân bổ để cử đi đào tạo trong diện đề án để tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho cơ sở.
Để Đề án 500 của tỉnh đạt hiệu quả cao nhất nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ chiến lược của Đảng ở địa phương, nhân tố có tính chất quyết định chính là từng cán bộ được đào tạo theo đề án phải tiếp tục phấn đấu, kết hợp tốt hơn nữa kiến thức, kỹ năng qua đào tạo vào thực tế ở địa phương. Mỗi cá nhân nâng cao nhận thức tích cực học tập, nghiên cứu, trau dồi và học hỏi kinh nghiệm công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách. Về phần mình, các cấp lãnh đạo của tỉnh và địa phương cơ sở cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ giúp học viên đề án thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp cũng cần tổ chức những buổi gặp mặt, trao đổi để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học viên đề án, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian công tác tại cơ sở.
Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần tập trung quan tâm, tiếp tục chăm lo, dìu dắt, bố trí sử dụng đối với cán bộ Đề án 500 và tạo điều kiện để họ được tiếp tục đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để nâng cao trình độ, góp phần nâng cao đội ngũ CBCC ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
LÊ VĂN DŨNG