Về thảo luận tại đại hội đảng
Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã qua hơn nửa chặng đường, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI càng đến gần. Một vấn đề đáng quan tâm ở đại hội đảng vừa diễn ra tại một số địa phương, đơn vị, cũng như đối với các địa phương sắp tổ chức đại hội, tiến tới đại hội đảng bộ tỉnh là chuyện: thảo luận tại đại hội.
Tranh luận và thảo luận trong đại hội đảng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yêu cầu hết sức quan trọng để tập hợp trí tuệ đại biểu. TRONG ẢNH: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiệp Đức lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: V.SỰ |
Hướng dẫn tổ chức đại hội đảng các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW yêu cầu lãnh đạo, tổ chức tốt việc thảo luận tại đại hội. Qua đại hội cơ sở và một số huyện, thị, thành phố của tỉnh cho thấy, nhiệm vụ trên được đảng viên, đại biểu quan tâm nhưng thảo luận, tranh luận còn ít, thiếu kỹ càng, ít sôi nổi, chủ yếu đọc tham luận chuẩn bị sẵn. Để góp phần cho đại hội thành công, cấp ủy các cấp và đảng viên ở các địa phương, đơn vị chuẩn bị tổ chức đại hội, cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI sắp tới cần thực hiện tốt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thảo luận tại đại hội.
Phát huy trí tuệ
Bàn về vấn đề thảo luận tại đại hội đảng, trên báo Nhân dân, số ra ngày 3.4.1960, Bác Hồ có bài viết “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng”, trong đó có đoạn: “Đại hội đảng là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả các đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận… Đại hội đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo đại hội thành công thật tốt đẹp”.
Từ lời dặn của Bác, mỗi đảng viên, đại biểu dự đại hội cần coi trọng việc thảo luận. Muốn làm rõ hơn ý kiến của nhau thì phải tranh luận. Đây là cách thức phát huy trí tuệ, đi đến thống nhất ý chí, hành động trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Bác yêu cầu “toàn thể các đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án, đóng góp ý kiến sôi nổi...”. Thời gian đại hội có hạn, để thảo luận có chất lượng, đảm bảo yêu cầu đại hội, trước đó các tiểu ban và cấp ủy đương nhiệm phải chuẩn bị chu đáo những nội dung trình đại hội. Trong đại hội, Đoàn chủ tịch điều hành bằng nhiều cách thức phù hợp và biết gợi ý, động viên tinh thần trách nhiệm của đảng viên, đại biểu để họ hăng hái tham gia, thảo luận sôi nổi, trọng tâm, chất lượng.
Thảo luận, tranh luận nhằm giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra để tiệm cận chân lý, đạt tới mục tiêu và tìm ra giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ theo định hướng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thảo luận phải nhằm nâng cao đạo đức cách mạng cho đảng viên; tạo sự đoàn kết, củng cố tốt tổ chức; đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đề ra. Trên tinh thần đó, cấp ủy các cấp phải chú trọng chất lượng đội ngũ và năng lực chỉ đạo, điều hành của tổ chức đảng.
Dựa vào thực tiễn
Trong thảo luận có những ý kiến khác nhau hoặc hoàn toàn không khớp nhau là chuyện bình thường. Nếu không cần đến tranh luận mà thống nhất thông qua một cách dễ dàng thì chứng tỏ sự nhất trí mang tính gượng ép, theo đó ý chí đề ra không sát nguyện vọng của nhân dân, sức mạnh thật sự của một tập thể sẽ bị yếu đi. Tuy không coi thường ý kiến bất đồng, nhưng phải gạt bỏ tư tưởng háo thắng, luôn cho mình là đúng đắn. Đại biểu dự đại hội cần nhớ, mình đại diện cho đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân, mang ý kiến, tâm huyết, bức xúc của cơ sở đến với đại hội nên phát biểu phải được chắt lọc kỹ càng, phản ánh thực tiễn một cách sinh động, không chủ quan, duy ý chí. Tranh luận, thảo luận trong đại hội đảng tuyệt đối tránh tình trạng tìm cách hạn chế tiếng nói của những người có ý kiến trái ngược và cũng cần tránh phát biểu một chiều. Mặt khác, phát biểu không nên theo kiểu dung hòa những ý kiến khác nhau, chấp nhận ở mỗi ý kiến một phần nội dung nào đó, mang tính hỗn hợp, để ai cũng cảm thấy có phần của mình trong đó. Giải quyết cách thảo luận, tranh luận theo lối “dĩ hòa” là được lòng chứ không được việc.
Có thể nói thêm rằng, tranh luận, thảo luận phải dựa vào cuộc sống của dân, phong trào quần chúng nhân dân để kiểm nghiệm ý kiến của mình và của người khác. Nên khi thảo luận trong đại hội đảng, mỗi đảng viên, đại biểu phải liên hệ đúng đắn, thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, đơn vị mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố, phát triển tổ chức, rèn luyện mình. Cuối cùng, phải quán triệt trong đại hội đảng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc sinh hoạt để dân chủ trong thảo luận đi đến tập trung. Vì rằng, quá trình tranh luận, thảo luận có gay gắt, sôi nổi đến mấy cũng phải kết thúc bằng nguyên tắc tập trung dân chủ; tùy nội dung có thể biểu quyết toàn phần hoặc từng phần theo tinh thần thiểu số phục tùng đa số. Mặt khác, dù sau khi tập thể đã quyết định, số đại biểu không tán thành được quyền bảo lưu ý kiến và những ý kiến này được xem xét lại vào bất cứ lúc nào có cơ hội và theo khuôn khổ quy chế, quy định của Đảng.
Tranh luận và thảo luận trong đại hội đảng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yêu cầu hết sức quan trọng để tập hợp trí tuệ đại biểu dự đại hội nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng Đảng. Lời Bác Hồ căn dặn về thảo luận trong Đại hội Đảng không chỉ để cho tổ chức đảng tốt hơn mà còn giúp cho mỗi chúng ta có cái nhìn kỹ càng hơn về nhận thức, trách nhiệm, ý kiến của mình với đồng chí, đồng đội và sự phát triển của Đảng.
THANH HẢO