Đi trên thế và lực mới

CÔNG TÚ (thực hiện) 28/07/2015 10:59

Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam trước thềm đại hội, ông Lê Thân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho biết, mục tiêu phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2015 đã đạt được sau quá trình vượt qua nhiều khó khăn, phấn đấu quyết liệt, mà trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (nay là thị xã) đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra, đưa Điện Bàn bước vào giai đoạn phát triển mới.

Giao thông nội thị khu vực trung tâm thị xã Điện Bàn được mở rộng khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ
Giao thông nội thị khu vực trung tâm thị xã Điện Bàn được mở rộng khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ

Vượt khó, về đích

PV: Ông có thể cho biết vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng Điện Bàn trở thành thị xã?

Bí thư Thị ủy Điện Bàn - ông Lê Thân.
Bí thư Thị ủy Điện Bàn - ông Lê Thân.

Ông Lê Thân: Điện Bàn xây dựng thị xã trong thời kỳ đầu tương đối thuận lợi, song từ nửa cuối năm 2011 trở về sau đã chịu sự tác động bất lợi của các yếu tố khách quan… Dẫu gặp bao thách thức, chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm, định hướng phát triển, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ bằng nhiều giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực. Trước hết, địa phương tập trung huy động thật tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) theo định hướng đô thị và xây dựng nông thôn mới. Vấn đề thứ hai, xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, và đây là yếu tố quan trọng đảm bảo lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI. Trên cơ sở này, Điện Bàn chủ động đề xuất với tỉnh có cơ chế cho địa phương, nhất là về nguồn lực. Đồng thời xác định các chương trình, dự án trọng tâm. Chẳng hạn, ngoài hỗ trợ cùng với tỉnh thu hút lấp đầy Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, địa phương phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp của mình để kêu gọi doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh…

Trải qua nửa nhiệm kỳ, xét thấy tình hình chung có nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XXI đạt thấp sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chung xây dựng thị xã nên địa phương đã điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, Điện Bàn ưu tiên tập trung cho 3 nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá nhằm tạo sức lan tỏa, tác động đa chiều. Thứ nhất, huy động tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đô thị, nông thôn mới; ưu tiên cho những công trình trọng điểm, thiết yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thứ hai, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển. Thứ ba, tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Trong quá trình thực hiện, các đồng chí trong Ban Thường vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, để kịp thời có chủ trương tháo gỡ khi phát hiện ách tắc ở khâu nào, nhiệm vụ nào. Điện Bàn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng vì mục tiêu chung… Thành quả là ngày 11.3.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường trực thuộc.

PV: Đảm bảo tiêu chí trở thành thị xã, nền kinh tế của Điện Bàn luôn duy trì mức tăng trưởng khá suốt nhiều năm qua. Vậy theo ông, đâu là điểm nhấn trong “bức tranh” toàn cảnh của nền kinh tế địa phương?

Ông Lê Thân: Điện Bàn luôn nằm trong tốp các địa phương cấp huyện có mức tăng trưởng kinh tế khá cao của tỉnh. Bình quân tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 của Điện Bàn đạt 14,65 %/năm; trong đó giá trị ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 72%, dịch vụ 24%, nông nghiệp giảm còn 4%. Từ cơ cấu ấy, chúng ta đủ thấy sức tăng trưởng của Điện Bàn được tác động mạnh mẽ nhờ đẩy nhanh giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đó là điểm nhấn của bức tranh tăng trưởng ở Điện Bàn. Có thể dẫn một vài minh chứng: Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với diện tích 390ha hiện đã lấp đầy 95%, giải quyết việc làm cho 23 nghìn lao động; bên cạnh đó, 11 cụm công nghiệp của Điện Bàn đã có 28 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho 3.700 lao động. Tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, hàng chục dự án đã và đang đi vào khai thác. Các khu du lịch cao cấp và khu đô thị nghỉ dưỡng dọc bờ biển như The Nam Hai, sân golf Montgomerie Links, Le Belhamy… hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, thị xã có đến 11.100 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Các khu phố chợ như Vĩnh Điện, Điện Nam Trung, Điện Ngọc… hình thành và hoạt động khá sầm uất.

Xây dựng “thị xã phát triển”

 PV: Sự phát triển của mỗi địa phương không ngoài mục tiêu chăm lo ngày một tốt hơn đời sống nhân dân. Để phát triển bền vững, vấn đề cốt lõi là phải tạo sự tương xứng giữa tăng trưởng kinh tế với chăm lo giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội, thưa ông?

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trao Nghị quyết về việc thành lập thị xã Điện Bàn. Ảnh: C.TÚ
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trao Nghị quyết về việc thành lập thị xã Điện Bàn. Ảnh: C.TÚ

Ông Lê Thân: Đúng vậy. Nhờ đầu tư đúng mức, 5 năm qua, các vấn đề về văn hóa, an sinh xã hội ở Điện Bàn tiếp tục có nhiều tiến bộ. Tôi đơn cử, thị xã hiện hoàn thành phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS và bậc trung học về trình độ học vấn, có 68/68 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn thị xã có 2 bệnh viện đa khoa, một trung tâm y tế, 2 phòng khám đa khoa, 20 trạm y tế với 825 giường bệnh; bình quân một vạn dân có hơn 6 bác sĩ; có 19/20 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; y tế tư nhân phát triển khá mạnh với hơn 268 cơ sở. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Hàng năm có hơn 68% thôn, khối phố, 91% gia đình, 35 - 40% số xã, phường và gần 90% số cơ quan đạt chuẩn văn hóa, có 7 tuyến phố văn minh đã được công nhận…

PV: Ông có thể cho biết mục tiêu và những giải pháp chủ yếu tiếp theo trên hành trình phát triển của Điện Bàn là gì?

Điện Bàn hiện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 có thêm 7 xã đạt chuẩn. Trong 5 năm qua, chính sách đối với người có công, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội… địa phương thực hiện cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Thị xã đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.074 nhà ở cho gia đình chính sách với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Hỗ trợ cho vay 10 tỷ đồng đối với 508 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động; cho vay giảm nghèo 6.100 lượt hộ với tổng số vốn 93 tỷ đồng. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, ước năm 2015 đạt 32,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3,43%.

Ông Lê Thân: Điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn đang hướng đến là xây dựng thành “thị xã phát triển” vào năm 2020.

Dự báo tình hình những năm tới vẫn còn hết sức khó khăn. Nếu không chủ động nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thì khó có thể đạt được mục tiêu xây dựng thị xã phát triển vào năm 2020. Vì vậy, Đảng bộ thị xã Điện Bàn xác định công việc quan trọng đầu tiên là phải tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, định hướng phát triển những năm đến cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Xây dựng quyết tâm chính trị, tạo sự đồng thuận, thấu suốt từ trong Đảng đến các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện.

Thị xã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện xuyên suốt. Đó là: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, chú trọng từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đô thị và nông thôn, tạo động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa - xã hội theo yêu cầu phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; tăng cường, giữ vững quốc phòng - an ninh. Xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác ngoại vụ. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

CÔNG TÚ (thực hiện)

CÔNG TÚ (thực hiện)