Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng
Năm năm qua, Đảng bộ Trường Chính trị Quảng Nam lấy công tác tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ, đổi mới công tác quản lý, nội dung đào tạo làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh.
Trường Chính trị Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá công tác đổi mới phương thức đào tạo ở các cơ sở bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh. |
Trong những năm qua, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị Quảng Nam không ngừng nâng lên. Theo kết quả khảo sát, điều tra xã hội học của đề tài khoa học cấp tỉnh “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” được thực hiện năm 2014, có đến 79,1% số cán bộ, đảng viên cho rằng học tập lý luận chính trị giúp ích cho công tác của họ; 80,3% cho rằng kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, năng lực sáng tạo trong công việc và phong cách công tác, thực thi công vụ tốt hơn so với trước khi được đào tạo, bồi dưỡng. Qua vài con số dẫn luận trên, có thể khẳng định chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng không ngừng nâng lên cũng như tính hiệu quả, thiết thực của phong trào “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt” mà Trường Chính trị tỉnh đang triển khai thực hiện.
Xây dựng đội ngũ
Trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường chỉ đạo quyết liệt đổi mới từ khâu chiêu sinh, tổ chức đào tạo, quản lý chất lượng, đánh giá kết quả đến công nhận tốt nghiệp. Công tác phối hợp với cấp ủy các địa phương trong việc quản lý chất lượng giảng dạy, học tập đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng mở ở huyện, thành phố được tăng cường. Nhà trường đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và địa phương đổi mới công tác xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với nhu cầu của các địa phương, đơn vị và điều kiện cụ thể của trường. |
Quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành công của công tác đào tạo, bồi dưỡng và là yêu cầu tự thân cho sự phát triển của Trường Chính trị tỉnh. Do đó, công tác tổ chức quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ và giảng viên được nhà trường đặt lên nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với việc thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp trường, các đơn vị trực thuộc; xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, giảng viên, nhà trường rất quan tâm đến công tác đánh giá, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Trong nhiệm kỳ qua, trường đã bổ nhiệm 18 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp khoa, phòng; tổ chức cho hơn 60 lượt cán bộ, giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy tích cực, dự thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc; 6 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị. Nếu năm 2010, trường chỉ có 3/35 giảng viên có trình độ thạc sĩ thì đến nay có đến 25 cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ và đang theo học cao học.
Hằng năm giảng viên được đi khảo sát thực tế cơ sở, viết báo cáo nghiên cứu tổng kết thực tiễn; tham gia thao giảng, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, hội thảo khoa học. Năm năm qua, nhà trường đã có một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 10 đề tài cấp cơ sở, hàng chục đề tài khảo sát tổng kết thực tiễn triển khai thực hiện, cùng hơn 200 bài báo, bài nghiên cứu của cán bộ, giảng viên đăng trên 8 số Nội san “Lý luận - Thực tiễn”, các báo, tạp chí chuyên ngành ở địa phương, trung ương. Thông qua hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đã giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có thêm nhiều kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm, vốn sống, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn lý luận với thực tiễn trong hoạt động của nhà trường.
Đổi mới quản lý, nội dung đào tạo
Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và quan hệ công tác của trường. Theo đó, bộ máy của nhà trường được tổ chức lại theo đúng quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, gồm 4 khoa giảng dạy, 3 phòng chuyên môn. Đồng thời ban hành mới bộ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường, của tập thể lãnh đạo; quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động chuyên môn khác; quy chế về tiêu chuẩn, chế độ làm việc của giảng viên, về thực hiện dân chủ ở cơ sở… Nhờ tổ chức lại mô hình và làm việc theo quy chế, nhà trường đã khắc phục những tồn tại về tổ chức bộ máy cũng như tạo môi trường lành mạnh, dân chủ, công khai để cán bộ, đảng viên làm việc, cống hiến. Qua đó, phòng ngừa những tiêu cực, lệch lạc trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực thi chức trách nhiệm vụ.
Năm năm qua, Trường Chính trị Quảng Nam luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao với 65 lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, gồm 5.985 học viên - bình quân mỗi năm tổ chức 13 lớp, với 1.196 học viên; 6 lớp Cao cấp lý luận chính trị, với 689 học viên; 5 lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn theo chủ trương của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh cho 418 học viên; tổ chức 32 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính cho 3.308 học viên; 2 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh..., góp phần đáng kể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, đơn vị còn đào tạo các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ tỉnh Sê Kông (Lào). |
Trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường chỉ đạo quyết liệt đổi mới từ khâu chiêu sinh, tổ chức đào tạo, quản lý chất lượng, đánh giá kết quả đến công nhận tốt nghiệp. Công tác phối hợp với cấp ủy các địa phương trong việc quản lý chất lượng giảng dạy, học tập đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng mở ở huyện, thành phố được tăng cường. Nhà trường đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và địa phương đổi mới công tác xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với nhu cầu của các địa phương, đơn vị và điều kiện cụ thể của trường.
Chất lượng là số 1
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh luôn coi chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là uy tín, là ưu tiên cao nhất trong chiến lược phát triển của nhà trường. Do đó, trường đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, trong đó công tác đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá được đặc biệt coi trọng. Việc rà soát, cập nhật, bổ sung cho từng chương trình, bài giảng được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, nhà trường đã tiến hành xây dựng khung chương trình đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, biên soạn giáo trình giảng dạy học phần “Tình hình nhiệm vụ địa phương”, tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, tài liệu giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ tỉnh Sê Kông (Lào)… Hầu hết giảng viên nhà trường thường xuyên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy, cũng như thực hiện tốt phương châm “đối tượng học viên nào - giáo án ấy”. Nhà trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá chất lượng như thi vấn đáp, thi tự luận với câu hỏi mở, viết tiểu luận theo tình huống…
Thành tích nổi bật, đáng ghi nhận là những năm qua, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh tập trung chăm lo xây dựng toàn diện trên các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức, do vậy, năng lực lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ nhà trường không ngừng nâng lên. Nếu như đầu nhiệm kỳ, đảng bộ chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, thì từ năm 2012 đến nay liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
THÁI VIẾT TƯỜNG
(Hiệu trưởng Trường Chính trị Quảng Nam)