Đồng thuận sẽ phát triển

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 16/04/2015 08:36

Hôm nay 16.4, Đảng bộ Khối doanh nghiệp kỷ niệm 10 năm thành lập. Dịp này, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, bà Lê Thị Nga - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp cho biết:

Đảng bộ Khối doanh nghiệp ngày đầu thành lập có 36 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trực thuộc với hơn 1.400 đảng viên, sau đó tăng lên thành 63 TCCS đảng với gần 2.400 đảng viên. Theo thời gian, qua việc củng cố, kiện toàn các TCCS đảng cho phù hợp quy mô, đặc thù của từng doanh nghiệp đã sáp nhập 3 chi bộ vào đảng bộ, giải thể 5 tổ chức đảng vì doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và 6 chi bộ không còn phù hợp; đồng thời thành lập mới 16 chi bộ đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Tháng 10.2013, chuyển giao 13 TCCS đảng về trực thuộc các thành ủy, huyện ủy theo tinh thần Nghị quyết số 13 - NQ/TU của Tỉnh ủy. Do vậy, hiện nay Đảng bộ Khối doanh nghiệp có 48 TCCS đảng. Trong 10 năm qua, các TCCS đảng trong doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc hoạch định kinh doanh và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh - Lê Thị Nga tặng giấy khen cho TCCS đảng xuất sắc tiêu biểu năm 2014. Ảnh: X.NGHĨA
Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh - Lê Thị Nga tặng giấy khen cho TCCS đảng xuất sắc tiêu biểu năm 2014. Ảnh: X.NGHĨA

- PV: Bà có thể nói rõ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp?

- Bà Lê Thị Nga: Hiện tại, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Quảng Nam có 3 loại hình TCCS đảng, gồm: TCCS đảng hoạt động trong doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; TCCS đảng trong doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống; TCCS đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình TCCS đảng trong doanh nghiệp đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. TCCS đảng trong doanh nghiệp là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước và các chế độ chính sách đối với người lao động. Đồng thời thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng rèn luyện về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, học tập nâng cao trình độ nhận thức và năng lực công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Công tác xây dựng Đảng của đảng bộ trong 10 năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Toàn đảng bộ kết nạp được 1.520 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Các doanh nghiệp rất bận rộn trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nhưng được sự tập trung của các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối, công tác kết nạp đảng viên mới ở một số đơn vị nhiều năm liền vượt chỉ tiêu hàng năm, điển hình như: Đảng bộ Viễn thông Quảng Nam, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Quảng Nam, Đảng bộ Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An... Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ quản lý và người lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thấy được sự cần thiết, lợi ích của việc vào Đảng cũng như thành lập TCCS đảng. Đây là khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển đảng của Đảng bộ Khối thời gian qua.
(Bà Lê Thị Nga - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp)

TCCS đảng trong doanh nghiệp còn có nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên vững mạnh, hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều lệ của các đoàn thể; tạo mọi điều kiện để cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia xây dựng Đảng và quản lý doanh nghiệp. Dù hoạt động trong doanh nghiệp, TCCS đảng phải thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện có nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên và quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, góp phần tích cực vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

- PV: Đảng ủy Khối sẽ có giải pháp gì để nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức đảng trong doanh nghiệp những năm tới?

- Bà Lê Thị Nga: Kinh nghiệm cho thấy tổ chức đảng nào buông lỏng, không thực hiện tốt hai vấn đề cốt lõi là chủ động tham gia lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và làm tốt công tác cán bộ thì vị trí tổ chức đảng ở đó mờ nhạt. Vì thế, giữa cấp ủy với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc doanh nghiệp cần tăng cường sự hợp tác, tôn trọng, tạo ra sự đồng thuận phát triển doanh nghiệp. Vai trò của cơ sở đảng phụ thuộc rất lớn vào uy tín, chất lượng đội ngũ đảng viên. Họ phải là người am hiểu chuyên môn, năng lực thực tiễn, có đầy đủ điều kiện để được tín nhiệm bổ nhiệm hoặc bầu giữ các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp. Bí thư đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc doanh nghiệp hoặc người ngang tầm với lãnh đạo công ty, có khả năng am hiểu sâu sắc về quản lý sản xuất, kinh doanh, nắm bắt những yêu cầu thị trường để đề ra những quyết định đúng đắn về đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Người đứng đầu TCCS đảng trong doanh nghiệp phải là một thủ lĩnh thực sự, là hạt nhân lãnh đạo có năng lực quy tụ lực lượng, thuyết phục, vận động quần chúng đoàn kết nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Qua thực tiễn lao động, sản xuất, TCCS đảng xét chọn những người ưu tú, nhiệt huyết, có động cơ phấn đấu đúng đắn để kết nạp, bổ sung cho đảng những đảng viên trẻ, giỏi, đạo đức lối sống tốt… Tất cả điều này được đáp ứng và thực hiện tốt sẽ nâng cao vai trò của TCCS đảng trong doanh nghiệp.

- PV: Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi!

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG (thực hiện)