Góp phần tạo đột phá ngành công thương
Năm năm qua, Sở Công Thương đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp.
Ngành dệt may phát triển mạnh ở Quảng Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Ảnh:Đ.H |
Chú trọng công tác xây dựng Đảng
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở Công Thương đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể hơn cho cấp ủy viên và từng đảng viên. Việc nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chỉ đạo theo hướng làm rõ những nội dung cơ bản, điểm mới, kịp thời phát hiện các bất cập, những điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Một trong những nghị quyết được Đảng bộ Sở Công Thương ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả là nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực phát triển ngành công thương. Đây được xem là động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn được giao đối với cán bộ, đảng viên và cán bộ công chức.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, 5 năm qua, Đảng bộ Sở Công Thương đã phát huy vai trò tham mưu về việc hoạch định chiến lược, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư; đổi mới và nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; lập quy hoạch phát triển các ngành CN hỗ trợ, CN chế tạo động cơ và CN cơ khí theo hướng bền vững, hiện đại. Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu và trình UBND tỉnh, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển CN hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025 trên địa bàn tỉnh; quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phê duyệt quy hoạch phát triển CN hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; phê duyệt đề án phát triển CN hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 và ban hành nghị quyết hỗ trợ khuyến khích xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh...
Hiệu quả
Khi tái lập tỉnh, ngành CN ở Quảng Nam mới manh nha phát triển, lúc ấy chỉ có Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc được Chính phủ cho phép đầu tư mô hình thí điểm xây dựng KCN trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5 KCN đóng vai trò đầu tàu và là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Ở khu vực phía bắc của tỉnh có KCN Điện Nam - Điện Ngọc với những lợi thế về vị trí, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã phát triển khá nhanh thành điểm kinh tế công nghiệp mạnh, có tác dụng lan tỏa cho cả khu vực. Ở phía nam có KCN Bắc Chu Lai, Tam Hiệp (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai) cùng với KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, cảng và hậu cần cảng Tam Hiệp đã làm nòng cốt phát triển CN. KCN Thuận Yên đang ở giai đoạn đầu tư kết cấu hạ tầng và bước đầu thu hút nhiều dự án đầu tư, từng bước phát triển tạo nền tảng về kinh tế cho TP.Tam Kỳ và giải quyết lao động cư dân đô thị. Tại khu vực trung điểm của tỉnh, KCN Đông Quế Sơn ra đời nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội huyện Quế Sơn và các địa phương lân cận.
Với định hướng và nỗ lực phát triển thành tỉnh CN theo Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 30.4.2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh 5 năm 2011 - 2015 tăng bình quân 11,5%/năm, giá trị sản xuất CN của tỉnh tăng bình quân 18,3%/năm và cơ cấu ngành CN chiếm tỷ trọng hơn 34,5% trong cơ cấu kinh tế… Thời gian qua Quảng Nam đã từng bước hình thành một số ngành CN trọng điểm và mũi nhọn, có tốc độ phát triển khá mạnh, thuận lợi về thị trường và có khả năng xuất khẩu cao. Theo ông Nguyễn Quang Thử, để đạt mục tiêu phát triển CN giai đoạn (2015 - 2020), Đảng bộ Sở Công Thương sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh một số giải pháp đột phá trong phát triển CN. Đó là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu, cụm CN và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút dự án; thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm CN. Các cơ chế hỗ trợ phát triển CN cũng được đẩy mạnh, như tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý nhà nước; tăng cường hoạt động của ban quản lý các khu, cụm công nghiệp; cải cách hành chính theo hướng chất lượng và hiệu quả...
ĐẶNG HÙNG