Bước ngoặt cách mạng

LÊ NĂNG 28/01/2015 09:12

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27.1.1973), phong trào cách mạng miền Nam có nhiều chuyển biến. Trước tình hình đó, Đảng bộ Quảng Nam và Đảng bộ Quảng Đà mở Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X đề ra phương hướng nhiệm vụ mới. Đây là kỳ đại hội cuối cùng trong chống Mỹ, tạo bước ngoặt quan trọng hướng đến giải phóng quê hương.

Bộ đội tiến vào giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3 (ảnh tư liệu).
Bộ đội tiến vào giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3 (ảnh tư liệu).

Tình hình mới

Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt sự can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Mỹ gấp rút đưa thêm nhiều phương tiện chiến tranh vào miền Nam. Nguyễn Văn Thiệu dựa vào quan thầy Mỹ ra sức đôn quân, bắt lính và trắng trợn tuyên bố không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử…

Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, từ cuối tháng 2.1973, địch huy động lính cộng hòa cùng quân địa phương với máy bay, xe tăng yểm trợ đánh vào vùng giải phóng từ Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn đến Thăng Bình, Nam Tam Kỳ, Tiên Phước. Nơi nào lực lượng ta mạnh, chúng hòa hoãn, tiếp xúc thương lượng; nơi nào lực lượng ta yếu, chúng tấn công, có lúc bất ngờ đánh sâu vào vùng giải phóng của ta, như ở tây Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ. Tình thế trên chiến trường diễn ra rất quyết liệt, các lực lượng của ta kiên cường bám trụ, phản công địch lấn chiếm, giữ vững trận địa với quyết tâm “một tấc không đi, một li không rời”. Nhưng sau gần một năm liên tục chiến đấu, không ít cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có biểu hiện mệt mỏi, không chủ động chuẩn bị kế hoạch đánh địch vì sợ vi phạm hiệp định; một số khác có biểu hiện ảo tưởng hòa bình, buông lỏng tiến công.

Trước diễn biến mới của phong trào cách mạng miền Nam, tháng 7.1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phê phán những biểu hiện “lừng chừng”, “hữu khuynh trong việc đối phó với địch”. Tư tưởng hòa bình làm cho ta không phát huy được khí thế chiến thắng của cách mạng khi Mỹ rút quân, đối phó không có hiệu quả trước những hành động lấn chiếm, bình định của Mỹ - ngụy. Hội nghị khẳng định phương châm của cách mạng miền Nam là đánh địch phá hoại Hiệp định Paris, không những chỉ đánh trả mà còn phải phản công, tấn công cả vào căn cứ và sào huyệt của địch.

Sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương, Khu ủy 5 họp bàn biện pháp chuyển hướng lãnh đạo, xác định nhiệm vụ trung tâm: Ra sức đánh bại kế hoạch lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Khu ủy chỉ rõ hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch tạm chiếm. Ngay sau đó, các đơn vị tập trung của huyện, tỉnh và quân khu được lệnh trở lại đồng bằng cài vào vùng ven và thọc sâu vào vùng địch, hỗ trợ du kích và quần chúng diệt ác, phá kèm, chống lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng.

Trước bước chuyển của phong trào cách mạng, Đảng bộ Quảng Nam và Đảng bộ Quảng Đà mở Đại hội lần thứ X đề ra phương hướng nhiệm vụ mới.

Khí thế mới

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam họp từ ngày 10 đến 20.3.1973, khẳng định phong trào cả ba vùng chiến lược đều có sự chuyển biến mới, nhưng do chiến tranh tàn phá nặng nề, nên đời sống nhân dân chưa được ổn định, vật chất còn khó khăn, thực lực vũ trang và chính trị còn yếu. Đại hội đề ra nhiệm vụ của đảng bộ trong giai đoạn tới: “Ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tấn công, đánh bại mọi âm mưu mới của địch; đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định, giữ gìn hòa bình; ra sức xây dựng thực lực mọi mặt, đẩy lên một cao trào chính trị mạnh mẽ ở vùng địch, khẩn trương xây dựng căn cứ địa (cả miền núi và đồng bằng) một cách toàn diện thành hậu phương vững chắc”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 20 ủy viên, do đồng chí Hoàng Minh Thắng làm Bí thư.

Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà họp từ ngày 4 đến 10.9.1973, đánh giá tình hình địch - ta, khó khăn, thuận lợi và những bước đi của đảng bộ qua chặng đường máu lửa suốt 19 năm chống Mỹ. Đại hội đề ra nhiệm vụ: “Ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch. Phương châm đấu tranh là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao”. Về công tác xây dựng Đảng, chú trọng xây dựng đảng bộ, chi bộ ở cơ sở vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ tình hình với những diễn biến khó khăn, phức tạp và bản chất ngoan cố, hiếu chiến của địch nhằm phá hoại Hiệp định Paris, kéo dài “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quán triệt quan điểm, phương hướng, phương châm, tình hình nhiệm vụ mới; phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, nêu cao lòng yêu nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 29 ủy viên, do đồng chí Trần Thận làm Bí thư.

Đại hội Đảng bộ Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà đã tổng kết một cách toàn diện các mặt hoạt động của hai đảng bộ suốt trong những năm dài chống Mỹ, đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho giai đoạn có tính chất bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Đại hội đã thổi một luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng trong tỉnh, làm dấy lên phong trào thi đua đánh giặc lập công trong cán bộ, đảng viên trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, binh vận. Từ đó đưa phong trào cách mạng Quảng Nam, Quảng Đà từng bước phát triên mạnh mẽ và tiến đến tổng tấn công giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24.3.1975 và giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3.1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

LÊ NĂNG

LÊ NĂNG