Đảng trong doanh nghiệp tư nhân
“Mỗi cán bộ, đảng viên, từ nhân viên lái xe đến giám đốc phải là tấm gương chuẩn mực về đạo đức; không ngừng học tập, nghiên cứu các chủ trương, nghị quyết của Đảng để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh, qua đó làm lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp” - ông Cao Xuân Dũng, Bí thư Chi bộ Công ty cơ khí Cao Xuân Dũng nói như vậy về vai trò của chi bộ đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
Sát cánh cùng nông dân
Nằm trên quốc lộ 1, cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng (xã Tam Đàn, Phú Ninh) là địa chỉ tin cậy của nông dân suốt 10 năm qua, nhất là từ sau năm 2008, khi công ty thành lập chi bộ đảng trực thuộc Huyện ủy Phú Ninh. Theo chia sẻ của ông Cao Xuân Dũng - Bí thư Chi bộ kiêm Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, công ty quyết định xin thành lập chi bộ để không bị mù mờ trước những chủ trương lớn của Đảng. Vậy là chi bộ non trẻ được thành lập với vỏn vẹn 8 đảng viên - chi bộ đảng đầu tiên của khối doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Phú Ninh.
Bí thư Chi bộ kiêm Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng tại xưởng sản xuất. Ảnh: HỮU PHÚC |
Khi trung ương phát động xây dựng nông thôn mới và Phú Ninh được chọn làm huyện điểm, gần như trên địa bàn huyện cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp khó khăn do đặc thù đồng bằng nhỏ hẹp, chủ trương dồn điền đổi thửa thực hiện chưa đồng bộ, khả năng mua máy móc phục vụ canh tác của người dân còn hạn chế. Thời điểm này, các loại máy gặt đập liên hợp, máy cày 4 bánh phần lớn nhập từ Nhật Bản xuất hiện trên thị trường với giá “khủng” từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/chiếc. Trong khi đó, Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng cũng chỉ sản xuất các mẫu mã máy móc theo đơn đặt hàng của người dân, kém xa hiệu quả sử dụng hàng ngoại nhập. Hàng loạt máy móc nông cụ ngoại nhập đưa vào sử dụng hiệu quả, đa chức năng triển khai ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long làm nhiều nông dân xứ Quảng mơ ước. Nắm bắt được “ước mơ trên túi tiền eo hẹp” của nông dân, sau khi cùng chi bộ họp bàn thống nhất định hướng, ông Cao Xuân Dũng lội khắp vùng miền trong nước mua lại các loại máy móc ngoại nhập đã qua sử dụng, hoặc đã thành phế liệu đem về tái chế, thiết kế lại phục vụ cho người dân với giá rẻ. Với kinh nghiệm trong nghề cơ khí, ông Dũng cùng những kỹ sư trẻ mày mò, nghiên cứu phục hồi hàng trăm chiếc máy gặt, máy cày, đồng thời cải tiến thêm một số công năng sử dụng mới phục vụ thiết thực cho người dân.
Ông Dũng bộc bạch: “Một chiếc máy gặt đập liên hợp ngoại nhập công suất 45 - 50 mã lực có giá đến 1 tỷ đồng. Còn với máy cũ mua về, doanh nghiệp bảo dưỡng, làm mới lại chỉ bán với giá khoảng 100 triệu đồng. Với định hướng đúng đắn của chi bộ, mỗi năm, công ty cải tạo bán ra thị trường khoảng 50 chiếc máy cày, máy gặt vừa đảm bảo chất lượng vừa phù hợp túi tiền nông dân”. Theo nhiều nông dân ở xã Tam Phước (Phú Ninh), trên những cánh đồng mẫu của xã, các loại máy móc sản xuất, phục hồi lại từ Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng rất hữu ích về kinh tế. Trước đây, mỗi sào ruộng phải tốn 400 nghìn đồng thuê nhân công dọn đất, gặt lúa, nhưng khi có máy móc cơ giới chỉ tốn khoảng 160 nghìn đồng, lại giảm thời gian lao động và đáp ứng kịp thời vụ. Chiếc máy cày của công ty sản xuất còn thiết kế đa chức năng, vừa dọn đất vừa có thể sử dụng đào móng nhà, đào lỗ trồng cây, bơm nước, xay xát… Nắm bắt được yêu cầu và nhu cầu thị trường nên công ty phát triển nhanh chóng, từ 15 cán bộ, nhân viên, đến nay đã có hơn 70 cán bộ, người lao động, với doanh thu mỗi năm hơn 40 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 5 triệu đồng/tháng; tham gia nhiều hoạt động xã hội - từ thiện ở địa phương.
Gương mẫu và kỷ luật
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất là một trong những mục tiêu then chốt khi xây dựng nông thôn mới. Theo ông Dũng, dù Nhà nước đã có cơ chế ưu đãi đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tam nông, nhưng thực tế nhà đầu tư rất dè dặt. Còn Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng, nhờ có sự lãnh đạo của chi bộ nên luôn có những quyết định đúng đắn, hướng đi hợp lý, trong đó xem nông dân là đối tượng phục vụ chính. Ông Cao Xuân Dũng cho biết, từ ngày thành lập chi bộ, giữa đảng và công đoàn phối hợp bài bản hơn, việc sinh hoạt chính trị và thói quen sản xuất công nghiệp đã đi vào nền nếp. Doanh nghiệp lấy hiệu quả trong kinh doanh làm mục tiêu hàng đầu, nhưng cũng đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu cơ khí, thường xuyên giáo dục cán bộ, công nhân có lối sống lành mạnh, uốn nắn kịp thời trường hợp người lao động có dấu hiệu bê tha, vi phạm kỷ luật khi làm việc. “Chúng tôi xác định mỗi cán bộ đảng viên, từ nhân viên lái xe đến giám đốc phải là tấm gương chuẩn mực về đạo đức; không ngừng học tập, nghiên cứu các chủ trương, nghị quyết của Đảng để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh qua đó góp phần làm lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. Mỗi năm, cán bộ, người lao động đơn vị có 5 - 7 sáng kiến kỹ thuật đưa vào sử dụng hiệu quả” - ông Dũng khẳng định. Cũng theo ông Dũng, phương hướng của chi bộ công ty là tiếp tục phát triển đảng viên, “treo thưởng” sáng kiến kinh nghiệm làm lợi cho doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật đơn vị, nêu cao tinh thần gương mẫu trong sinh hoạt và làm việc của đảng viên, nên nhiều năm nay chưa có trường hợp người lao động nào của Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng sai phạm, bị các hình thức kỷ luật; 5 năm liền (2008 - 2013) chi bộ đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh.
Nắm được các chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước tại địa phương nên Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng rất nhạy bén trong kinh doanh và đứng vững trong “bão” suy giảm kinh tế. Ngoài cung ứng máy móc phục vụ nông thôn mới, công ty còn tham gia các công trình bê tông hóa nông thôn, thủy lợi, xây dựng trên địa bàn tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh ban hành đề án “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cơ khí trên địa bàn xã nông thôn mới tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020” càng tạo điều kiện để công ty nắm bắt thời cơ, mở rộng quy mô đầu tư. Cơ chế hỗ trợ cho người nông dân mua máy nông cụ (hỗ trợ mỗi trường hợp mua máy cày 4 bánh, máy gặt tối đa 40 triệu đồng) kết thúc vào năm 2015. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Dũng, thị trường máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất đã bão hòa nên chiến lược kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục mở rộng sang một số tỉnh như Quảng Bình, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. Thêm nữa, các sản phẩm tung ra thị trường sắp tới sẽ nâng cấp tối đa công năng sử dụng.
HỮU PHÚC