Dân vận trong tình hình mới
Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 12.10.2009 về “Công tác dân vận trong tình hình mới” đã được các cấp ủy đảng triển khai đồng bộ hiệu quả. Theo đó, trong 5 năm qua, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong công tác dân vận năm 2013. Ảnh: VINH ANH |
Thời gian qua, hệ thống dân vận trong toàn tỉnh đã tích cực tham mưu cấp ủy cùng cấp chọn lọc những nội dung, nhiệm vụ có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải đưa vào chương trình công tác toàn khóa, hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận. Trước khi sơ kết, tổng kết, đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, khảo sát các địa phương, đơn vị để có cơ sở đánh giá sát đúng với tình hình triển khai thực hiện nghị quyết trên địa bàn tỉnh.
Trước khi có Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe phản ánh của nhân dân, nhất là những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc nhằm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Sau khi tiếp công dân, các cấp ủy có sự chỉ đạo phân công lãnh đạo hoặc trưởng các ngành liên quan phụ trách việc giải quyết, kết quả được công khai minh bạch nên tạo niềm tin của nhân dân.
Gần dân, sát dân
Những năm qua UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 11 bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện cải cách thủ tục hành chính như: Chỉ thị 19/CT-UBND, ngày 5.6.2009 của UBND tỉnh về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền trong tình hình mới”, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 12.10.2012 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị”, Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 14.5.2013 của UBND tỉnh về việc “Tăng cường triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh”... Năm 2014, UBND tỉnh chỉ đạo từ chính quyền cơ sở, các sở, ban, ngành tổ chức sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-UBND của UBND tỉnh về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền trong tình hình mới”. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, từng bước đổi mới theo hướng gần dân, sát dân, hướng về cơ sở.
Trong 5 năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp hơn 46 nghìn lượt công dân, giải quyết 3.943/4.083 vụ khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực hành chính thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,6%. Việc triển khai công tác cải cách hành chính trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thể hiện được trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn của các cơ quan công quyền được nhân dân đánh giá cao. Đồng thời ban hành các chính sách, chương trình, dự án phù hợp với tình hình địa phương nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết việc làm, huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Nhiều phong trào thiết thực
Mặt trận, đoàn thể các cấp tích cực phát động, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, như: Liên đoàn Lao động tỉnh với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tự nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Tuổi trẻ giữ nước”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, đoàn kết giúp nhau vượt khó, xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Cựu Chiến binh với phong trào “Xây dựng tổ chức hội trong sạch vững mạnh”, “Hội Cựu chiến binh gương mẫu, gia đình cựu chiến binh văn hóa”... tạo nên tinh thần thi đua sôi nổi, đạt được nhiều thành tích to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên có sự phối hợp có hiệu quả giữa giữa Mặt trận, đoàn thể, các hội quần chúng với các cơ quan, ban, ngành. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh và làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn dân cư, do đó tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia các phong trào đạt hơn 80%. Lực lượng quần chúng nòng cốt trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng tập hợp một cách cơ bản, đảm bảo về số lượng và chất lượng, thường xuyên được củng cố và bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình vận động, tập hợp nhân dân.
Tuy nhiên, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền còn coi nhẹ công tác dân vận; hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chưa thật sự đổi mới; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận thường xuyên biến động nên ảnh hướng đến công tác chuyên môn. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng trong tỉnh cần đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện các nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận; bổ sung nhiệm vụ, đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện đem lại những kết quả thiết thực. Đồng thời tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời nhân dân; thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân, giải quyết có hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của công dân; triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) để các chủ trương, chính sách trên địa bàn tỉnh thực sự đi vào cuộc sống.
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
(Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)