Chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020: Đột phá trong công tác cán bộ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 12/09/2014 08:30

Dư luận đang hết sức quan tâm câu chuyện giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới và việc bố trí sắp xếp cán bộ trước và sau đại hội đảng các cấp. Trong đó có vấn đề đáng lưu ý là bố trí 8 chức danh “không phải là người địa phương”.  

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam đã có Hướng dẫn số 20/HD-TCTU ngày 3.9.2014, thực hiện chủ trương “bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND và cán bộ cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế “không phải là người địa phương”. Vậy thế nào là “người địa phương”? Hướng dẫn 20 khu biệt khái niệm đó là người “sinh ra, lớn lên và trưởng thành” ở địa phương đó.

Bác Hồ thăm Nhà máy diêm Thống Nhất.  Ảnh tư liệu
Bác Hồ thăm Nhà máy diêm Thống Nhất. Ảnh tư liệu

Kế thừa lịch sử

Chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương (với 8 chức danh đã nêu) có phải là mới? Mới là đối với cách tổ chức cán bộ của thời chúng ta nhưng thực ra đã rất cũ so với cha ông.

Soi rọi lịch sử, từ triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”. Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) cũng định chế không đưa quan lại về trị nhậm ở bản quán; nếu nơi làm việc có quan hệ bạn bè cùng học, đồng hương, huyết thống thì phải “hồi tỵ”. Học giả Đào Duy Anh giải thích “hồi tỵ” là “tránh đi”, chỉ việc bố trí những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè, thông gia không được cùng làm tại một công sở, không được tham gia giải quyết cùng một việc như coi thi, xử kiện... Vua Minh Mạng còn triệt để hơn trong việc thực hiện luật “hồi tỵ”. Theo đó, ngoài việc quan không được bổ về trị nhậm ở bản quán, mà còn không được làm quan ở trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ, ngay cả nơi học tập thời còn trẻ. Dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh, nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ thì phải tách ra bổ nhiệm làm việc nơi khác. Các quan từ tham biện trở lên về kinh đô hội họp (đình nghị) không được dự bàn việc liên quan tới địa phương mình trị nhậm. Năm 1836, triều vua Minh Mạng, luật “hồi tỵ” định chế nghiêm rằng các chức quan đầu tỉnh như tổng đốc, tuần vũ, bố chánh, án sát, lãnh binh, đốc học đều không được cử người cùng một quê.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Thực tế, chúng ta cũng có kế thừa tinh hoa trong quản trị bộ máy tổ chức cán bộ. Pháp lệnh cán bộ công chức có quy định: “Người đứng đầu và cấp phó cơ quan, tổ chức, không được bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho...”. Song, đó chỉ là “hồi tỵ” ở cấp thấp. Giờ đây, chủ trương không bố trí người địa phương làm lãnh đạo tại bản quán, mà bố trí luân chuyển “tránh đi”, có thể hiểu là bước tạo đột phá trong công tác cán bộ.

Từ câu chuyện thuở cha ông đến hôm nay, rõ ràng công tác chăm lo giữ gìn sự thanh liêm của người lãnh đạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ thể chế chính trị, nhà nước nào. Việc áp dụng luật “hồi tỵ” thời xưa hay chủ trương luân chuyển cán bộ ngày nay cũng là để bảo vệ sự trong sạch của thể chế, ngăn ngừa sự thoái hóa biến chất của những người có chức có quyền.

Tâm tư

Chủ trương nào, câu chuyện nào cũng hai mặt với nhiều khía cạnh tâm tư.

Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng, cán bộ lãnh đạo là người địa phương thì sẽ am hiểu văn hóa, lối sống, sinh hoạt của nhân dân sở tại hơn người nơi khác đến. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo là người địa phương sẽ sâu sát và gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, có quyết sách phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó có mặt đúng, mà rõ nhất là cán bộ cho miền núi, vùng đồng bào còn giữ những đặc trưng văn hóa tộc người. Do thế, việc bố trí cán bộ lãnh đạo là người địa phương hay không phải người địa phương đều cần xem xét kỹ điều kiện đặc thù, bối cảnh xã hội.

Tuy vậy, chủ trương bố trí người đứng đầu và lãnh đạo các ngành nội chính, tài chính không phải người địa phương có cái lý cơ bản là để ngăn ngừa nạn tham nhũng, lộng hành “kiêu binh”. Ông cha ta đã sớm biết đề phòng sự tha hóa của quan chức, ngăn tệ bè phái cục bộ địa phương, cánh hẩu với nhau (mà bây giờ có thể hiểu gọi là “lợi ích nhóm”), do đó phải bố trí “tránh đi”. Ngay những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ viết ngày 1.3.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy cái họa đó và phê phán “những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.

Hiểu như thế, để thực hiện chủ trương đã nêu từ đầu thì phải làm đồng loạt nhiều khâu từ rà soát quy hoạch, bố trí, luân chuyển cán bộ… Một khối lượng công việc không hề nhỏ trong tình hình chỉ còn rất ít thời gian để bắt đầu đại hội đảng các cấp. Rất nhiều câu chuyện tâm tư, nhưng đã chủ trương, quy định không thể không làm.

Thực tế và mong mỏi

Thời gian qua, Quảng Nam đã thực hiện công tác luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh phó bí thư, phó chủ tịch UBND cấp huyện để luân chuyển, đào tạo cán bộ và chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố không phải là người địa phương theo Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã luân chuyển 136 lượt cán bộ lãnh đạo và quản lý, trong đó: Luân chuyển giữa các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh 4 đồng chí; luân chuyển cán bộ thuộc các cơ quan cấp tỉnh về huyện, thành phố 15 đồng chí (trong đó có 7 trường hợp không phải là người địa phương); luân chuyển cán bộ từ các huyện, thành phố lên các cơ quan cấp tỉnh 8 đồng chí; luân chuyển cán bộ từ các huyện, thành phố về các xã, phường, thị trấn 60 đồng chí; luân chuyển cán bộ từ các xã, phường, thị trấn lên các huyện, thành phố 49 đồng chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”. Do đó, Người luôn quan tâm công tác cán bộ, yêu cầu cán bộ phải gắn bó sâu sát với đời sống, tự học, tự rèn, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đặc biệt, Người dặn dò: “Cân nhắc cán bộ phải vì công tác tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy”; “nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.

Đồng chí Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá khái quát rằng, việc luân chuyển, bố trí cán bộ đã kịp thời tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho một số địa phương và các cơ quan, ban ngành của tỉnh, góp phần tích cực giúp các địa phương, ngành ổn định tổ chức, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ diện quy hoạch có triển vọng được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Hầu hết cán bộ được luân chuyển đều phát huy được năng lực, trí tuệ, tích lũy được kinh nghiệm trong thực tế; sau thời gian luân chuyển đều được bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Kết quả thực tế như vậy có thể tạo tiền đề thúc đẩy tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định công tác cán bộ là khâu đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Mong mỏi rằng, song hành công tác quy hoạch gắn với đề bạt bổ nhiệm, bố trí luân chuyển cán bộ sẽ tạo ra “đột phá về công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; có năng lực và trình độ; thật sự có tâm và có tầm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...” như mục tiêu nghị quyết đã đề ra.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM