Rõ hơn trách nhiệm đảng viên

THÀNH CHÂU - ĐÔNG ANH 12/08/2014 08:40

Ngày 16.4.2013, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên (gọi tắt là Nghị quyết 13). Thực hiện Nghị quyết 13, các địa phương ở huyện Thăng Bình đã vận dụng linh hoạt với những cách làm phù hợp, sát tình hình thực tế, đem lại hiệu quả cao.
Điểm sáng từ cơ sở

Ông Nguyễn Văn Gặp - Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết 13, trước mắt, đảng bộ tập trung đánh giá lại những mặt mạnh - yếu ở từng chi bộ, tìm cho ra nguyên do dẫn đến hạn chế năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở là quy trình thực hiện chưa khoa học, hay vì chất lượng cán bộ, đảng viên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khi đã xác định được nguyên nhân, từng chi bộ tổ chức họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ ngay. “Ở mỗi cuộc họp chi bộ, bên cạnh việc bám sát quy chế làm việc, các cấp ủy ở địa phương chúng tôi luôn họp trước để chuẩn bị chu đáo nội dung, rồi bàn bạc thảo luận dân chủ và thống nhất nội dung cần đưa ra, và không quên chuẩn bị nội dung trả lời khi chi bộ đưa ra câu hỏi”- ông Gặp cho biết thêm. Hiện nay, Đảng bộ Bình Giang có 9 chi bộ trực thuộc, trong đó có 4 chi bộ thôn (chi bộ ít đảng viên nhất có 35 đồng chí), trong đó 4 thôn trưởng, 4 thôn phó kiêm thôn đội trưởng đều là đảng viên. Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết 13, phát huy tinh thần dân chủ trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhận thấy được những ưu - khuyết điểm của mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cũng nhờ đó mà các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương hoạt động có chất lượng, năm 2013 đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.

Huyện ủy Thăng Bình tổ chức tọa đàm về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện.  Ảnh: CHÂU ANH
Huyện ủy Thăng Bình tổ chức tọa đàm về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện. Ảnh: CHÂU ANH

Tại xã Bình Định Nam, tiếp thu và thực hiện Nghị quyết 13, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Khi quán triệt nghị quyết, chúng tôi nhấn mạnh đến vai trò của các hội đoàn thể trong việc thực hiện công tác dân vận của Đảng theo tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Trên cơ sở đó, đảng ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Đến cuối năm, dựa vào hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo đánh giá. Nhờ đó chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên”. Hay ở xã Bình Đào, Chi bộ thôn Trà Đóa 1 đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Ông Đỗ Đức Thuận - Bí thư Chi bộ thôn Trà Đóa 1 cho biết, một trong những giải pháp cụ thể chi bộ thực hiện trong thời gian qua là gắn một công việc ở chi bộ cho một đảng viên, sau 6 tháng sẽ kiểm tra kết quả. Việc phân công công việc cũng được tiến hành bằng nhiều cách, thông qua từng phong trào, qua các buổi nói chuyện chuyên đề hay triển khai nghị quyết. “Khó khăn nhất ở chi bộ thôn vẫn là thực hiện quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên, giữa các đảng viên với nhau, nên chúng tôi luôn thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ dân cư, vừa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng, vừa nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những khuyết điểm ở mỗi người. Nhờ đó, năm 2013, chi bộ có 100% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 4 đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - ông Thuận nói.

Giải quyết vướng mắc

“Từ nhiều năm trước, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ sinh hoạt chi bộ. Đầu năm 2012, huyện ủy đã ban hành quyết định phân công các đồng chí cán bộ khối Đảng, định kỳ hằng tháng về dự sinh hoạt chi bộ thuộc địa bàn phụ trách. Sau khi có Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy, công tác này càng được đẩy mạnh, thông qua đó đảng viên được phân công phụ trách cơ sở theo dõi, nắm tình hình, kết quả triển khai công tác xây dựng Đảng, đồng thời phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương và kịp thời đề xuất giải pháp xử lý” - ông Nguyễn Đức Tám, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thăng Bình cho biết. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, việc thực hiện nghị quyết của Đảng cấp trên nói chung, Nghị quyết 13 nói riêng ở một số tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn Thăng Bình còn gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, hạn chế lớn nhất vẫn là năng lực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết và chất lượng sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới.

Cũng từ hạn chế trên, các tổ chức cơ sở đảng chưa kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở địa phương mình. Điều đó một phần còn do cơ cấu đảng viên ở các chi bộ thôn, tổ dân phố của Thăng Bình không đồng đều. Trong đó, có chi bộ quá đông đảng viên, có chi bộ rất ít đảng viên, tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên là đảng viên còn thấp, khó đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu Nghị quyết 13 đề ra. Thăng Bình hiện chỉ có 54 (trong số 132) trưởng thôn, khối phố là đảng viên, chiếm 40,9%; bên cạnh đó, chỉ 47 (trong số 132) trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên, chiếm 35,6%. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết 13 đặt ra đến năm 2015 có từ 75% số trưởng thôn, khối phố, phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, công an viên là đảng viên, và đến năm 2020 đạt từ 90%; đội ngũ cán bộ thôn, khối phố nói chung phải là đảng viên. Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Trần Vũ Công - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, huyện Thăng Bình cần tập trung chú trọng đến chất lượng của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; theo dõi xem nội dung sinh hoạt ở các chi bộ có thực sự dân chủ và phát huy được sức mạnh của tập thể hay không; chú trọng nhiều hơn công tác giám sát và giám sát từng vấn đề… Làm được điều đó, những hạn chế dù là nhỏ nhất cũng sẽ được nhìn thấy để bàn bạc, thảo luận, tìm ra cách thức giải quyết phù hợp và hiệu quả.

THÀNH CHÂU - ĐÔNG ANH

THÀNH CHÂU - ĐÔNG ANH