Đảng viên phải gương mẫu thực hiện Hiến pháp
LTS: Ngày 28.11.2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi); đến ngày 8.12.2013, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp 2013 và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành. Để góp phần đưa Hiến pháp vào cuộc sống, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tuân thủ thực hiện, từ tuần này, Báo Quảng Nam mở chuyên trang “Đưa Hiến pháp vào cuộc sống” và chuyên mục “Hỏi - Đáp Hiến pháp” trên các số thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần.
Sáng 8.12.2013, tại Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: vpctn.gov.vn |
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong lúc tù trong giặc ngoài chống phá chính quyền non trẻ, để giữ vững trụ cột của hệ thống chính trị, Bác Hồ có nói: “…Trăm điều phải lấy thần linh pháp quyền”. Và Hiến pháp 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước kiểu mới ra đời. Trên nền tảng đó, từng giai đoạn lịch sử, Hiến pháp được bổ sung, hoàn chỉnh, phù hợp yêu cầu bảo vệ, kiến thiết đất nước.
Xuất phát từ ý Đảng, lòng dân, Hiến pháp theo sát yêu cầu cuộc sống là hành lang pháp lý cơ bản để phát triển đất nước. Đảng nhiều lần xác định sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm điều chỉnh nguyên tắc xử sự chung nhất của xã hội. Mặt khác, tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ lãnh đạo các cấp đã xây dựng, thực hiện nhiều quy định, quy chế để Nhà nước hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy vậy, còn một bộ phận không ít đảng viên sống thiếu nghiêm túc, chưa đúng pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do nhận thức chưa sâu sắc tinh thần cơ bản của Hiến pháp và thiếu tu dưỡng rèn luyện thường xuyên nên có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật làm giảm uy tín lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành Nhà nước, cần giải pháp khắc phục.
Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều, có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường theo hướng cơ bản, khái quát hơn so với Hiến pháp năm 1992. Đây là lần đầu tiên trong các bản Hiến pháp của đất nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trở thành một chương riêng, được đặt ngay sau chương “Chế độ Chính trị”. Hiến pháp khẳng định Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời nhấn mạnh “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”, là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. |
Tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp cơ sở, thường xuyên nâng cao nhận thức mọi mặt cho đảng viên, trong đó quán triệt những nội dung cơ bản của Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị là yêu cầu cần thiết để giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng và phát huy vai trò đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ lẽ trên nên trong công tác xây dựng Đảng nói chung, sinh hoạt chi bộ nói riêng, cần tăng cường phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp, cấp ủy cơ sở phối hợp với thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo các đoàn thể tổ chức nhiều hình thức phù hợp để tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ nhân viên nội dung như đã nêu. Cấp ủy và cán bộ lãnh đạo xác định giáo dục để thực hiện Hiến pháp là việc làm thường xuyên, lâu dài, với tinh thần “mưa dầm thấm lâu” để đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.
Cấp ủy phối hợp với lãnh đạo chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Hiến pháp mới sát với yêu cầu thực tế của đơn vị; đặc biệt chương trình hành động phải cụ thể, nêu ra để làm và phải có biện pháp thực hành chu đáo. Phối hợp công tác kiểm tra của Đảng của thanh tra của Nhà nước để giúp cấp dưới và đảng viên điều chỉnh những tư tưởng, hành động chưa hợp pháp. Phương hướng nhiệm vụ chính trị cũng như công tác xây dựng Đảng ở cơ sở phải hợp pháp, hợp hiến và có tính hiệu quả; loại bỏ hoặc bổ sung các nội dung, tiêu chí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành chưa phù hợp hoặc trái Hiến pháp hiện hành. Cấp ủy tạo điều kiện thuận lợi để thủ trưởng thực hiện tốt vai trò chỉ đạo điều hành đơn vị, phối hợp giáo dục đảng viên, cán bộ nhân viên chấp hành Hiến pháp, pháp luật nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong giáo dục Hiến pháp, pháp luật cần đến vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên là cán bộ lãnh đạo về thực hiện nhiệm vụ này, cấp trên sống kỷ cương theo phép nước, cấp dưới ắt học theo và xem việc sống hợp hiến là đạo đức, là văn minh.
Tổ chức đảng các cấp xác định triển khai, thực hiện Hiến pháp là yêu cầu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và trách nhiệm của mọi đảng viên. Định kỳ cấp ủy cần đánh giá vai trò của mình trong lãnh đạo đảng viên, cán bộ nhân viên thực hiện Hiến pháp và đảng viên cũng phải kiểm điểm trách nhiệm của mình về nội dung nói trên. Để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong quán triệt và thực hiện. Riêng đối với tổ chức đảng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là thông qua sinh hoạt, hoạt động của đảng viên để giám sát thường xuyên, giúp đảng viên, cán bộ nhân viên xem việc thực hiện Hiến pháp là lẽ sống cần gìn giữ, phát huy.
Đảng viên không sống ngoài pháp luật nên tuân thủ Hiến pháp là trách nhiệm, đạo đức của đảng viên. Với tinh thần đó, trong công tác giáo dục và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh có biện pháp nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy để lãnh đạo đảng viên, cán bộ, công nhân viên luôn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Hỏi: Vì sao phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992? - Trả lời: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Qua hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới là nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. |
NGUYỄN THANH HẢO