Thủ lĩnh giữa biển khơi
Ở xã biển Tam Quang (Núi Thành), các đảng viên và chi bộ thôn giữ vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo quần chúng giữ nghề truyền thống của cha ông, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Gắn bó mật thiết
Chúng tôi gặp đảng viên Huỳnh Ngọc Tuấn (SN 1972, sinh hoạt tại Chi bộ thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) khi ông đang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi lưới vây sắp tới. Dứt khoát và thành thạo trong công việc là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận về người đảng viên đi biển này. Hầu như mọi chuyến biển, chiếc tàu QNa-91108 có công suất 482CV của ông Tuấn luôn cập bến trong thắng lợi, tạo niềm tin yên tâm cho các lao động khi làm ăn. “Khi có chủ trương của xã về việc cải hoán tàu cá để đánh bắt xa bờ dài ngày nhằm gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, tôi đã vay vốn nâng công suất tàu, đảm bảo khả năng bám biển gần 30 ngày/chuyến” - ông Tuấn cho biết. Là đảng viên nhưng cũng là chủ tàu nên gần như vai trò thủ lĩnh của ông Tuấn luôn được phát huy không chỉ trong nghề mà còn trong việc củng cố tình đoàn kết, giữ vững tinh thần của các lao động trên tàu.
Đảng viên Huỳnh Ngọc Tuấn (bên phải) cùng các bạn tàu chuẩn bị ngư cụ vươn khơi ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Ông Tuấn chia sẻ: “Chuyến trước, khi tàu đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì được tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép ở vùng biển Việt Nam. Lúc đó, tôi thông báo tình hình cho mọi người, cùng bàn bạc hướng đi thích hợp lúc quay về bờ để tránh đụng độ với tàu Trung Quốc nhằm đảm bảo sự an toàn cho các lao động trên tàu”. Ông Tuấn còn cho biết, thông qua các tàu cá khác và thông tin nội bộ từ đất liền, ông luôn kịp thời nói chuyện với các lao động, cùng nhau bình tĩnh, bàn phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Nói về chuyến biển tiếp theo, ông vững tin: “Trước việc tàu Trung Quốc liên tiếp tấn công tàu cá Việt Nam, tôi đã họp anh em trên tàu. Sau khi thông báo tin tức thời sự và tuyên truyền chủ trương của Nhà nước cho anh em rõ, mọi người đều quyết tâm bám biển, xác định phải ra khơi giữ biển đảo, giữ ngư trường truyền thống để đánh bắt, không có gì lo lắng”. Nói thêm về vai trò của người đảng viên làm nghề biển, ông Tuấn cho biết: “Ngoài thực hiện nhiệm vụ được Đảng giao, bản thân người đảng viên cũng là một tuyên truyền viên, giải thích mọi khúc mắc cho ngư dân về các chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ của mình”.
Tuổi cao, không thể ra biển được nữa, Bí thư Chi bộ thôn Sâm Linh Tây - Lê Văn Trình luôn tranh thủ ghé nhà các ngư dân trong thôn nói chuyện thời sự nhằm tranh thủ chia sẻ kinh nghiệm đi biển và phân tích rõ chủ trương đấu tranh hòa bình của Đảng và Nhà nước ta trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 vi phạm chủ quyền Việt Nam. Với tư cách là đảng viên, ông chia sẻ với ngư dân cách giữ bình tĩnh, né tránh đụng độ, trao đổi kinh nghiệm hải trình an toàn để bảo vệ mình giữa biển khơi. Theo ông Hoàng Ngọc Tiển - Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, ngư dân luôn có những chuyến biển dài ngày, ít khi ở lâu trên đất liền, nên cùng với chủ tàu, các đảng viên chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền địa phương với các ngư dân. Thông qua đó, họ kịp thời lãnh đạo ngư dân, gắn chặt tình đoàn kết để cùng nhau làm ăn thuận lợi và tuyên truyền chính sách, pháp luật, an ninh - quốc phòng kịp thời đến người dân.
Khẳng định vai trò
Ông Hoàng Ngọc Tiển cho biết, thắng lợi lớn của đảng bộ địa phương và các chi bộ thôn thời gian gần đây chính là việc vận động bà con ngư dân cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ. “Các Chi bộ thôn Sâm Linh Đông, Sâm Linh Tây, An Hải Đông, An Hải Tây đã bền bỉ vận động, tuyên truyền người dân mạnh dạn đóng tàu công suất lớn vừa phát triển kinh tế vừa gắn nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Sau 3 năm, Tam Quang đã có thêm hàng chục tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt. Đến nay, toàn xã có 98 tàu công suất lớn đang hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa” - ông Tiển thông tin. Tại thôn An Hải Tây, dưới sự vận động trực tiếp của Chi bộ và Ban nhân dân thôn, đã có thêm 5 hộ đóng tàu lớn đánh bắt ở Hoàng Sa. Bí thư Chi bộ thôn An Hải Tây - Nguyễn Văn Lý cho hay: “Thực hiện chủ trương của Đảng, chi bộ giao nhiệm vụ cho các đảng viên phụ trách tổ đoàn kết cùng với Ban quân dân chính thôn đến những hộ có điều kiện đóng tàu công suất lớn nói rõ chủ trương và giúp đỡ họ trong việc làm hồ sơ vay vốn”. Ngoài ra, các chi bộ thôn ở Tam Quang cũng chỉ đạo Ban nhân dân thôn kịp thời động viên tinh thần người dân kiên định giữ nghề và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Hiện nay, 44 tàu công suất lớn của 28 chủ tàu của thôn Sâm Linh Tây đã đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiều tàu đang thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi, các tàu chưa đi cũng đang tích cực sửa chữa để vươn khơi” - Bí thư Chi bộ thôn Sâm Linh Tây, Lê Văn Trình cho biết.
Vai trò của các chi bộ đảng và đảng viên ở xã biển là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên mới trong ngư dân còn nhiều hạn chế. “Chi bộ có 16 đảng viên thì chỉ có 5 đảng viên là ngư dân. Ba năm qua, chúng tôi chỉ kết nạp được một đảng viên là ngư dân” - ông Nguyễn Văn Lý, Bí thư Chi bộ thôn An Hải Tây cho biết. Theo ông Lý, do đặc thù làm biển phải lênh đênh ngoài khơi liên tục nên ngư dân không có cơ hội đi học các lớp đối tượng Đảng dù đó là những quần chúng tốt, tích cực và có uy tín. Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang - Hoàng Ngọc Tiển nói: “Trong 5 năm, đảng bộ kết nạp 40 đảng viên mới thì chỉ có 3 đảng viên là ngư dân. Vấn đề này, đảng ủy đã nhiều lần kiến nghị với đảng cấp trên xem xét linh hoạt trong việc mở các lớp đối tượng Đảng sao cho phù hợp với quy luật mùa vụ đánh bắt nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới trong ngư dân”.
ĐOÀN ĐẠO