Nâng cao vai trò chi bộ thôn
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), đến nay, các chi bộ thôn, khối phố (sau đây gọi chung là thôn) đã xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.
Ngày 2.2.2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW và ngày 28.4.2008 Tỉnh ủy Quảng Nam (khóa XIX) ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Trên cơ sở đó, các đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chương trình hành động nhằm củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chi bộ thôn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ khẳng định, chi bộ thôn có vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo triển khai các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chi bộ thôn chính là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chi bộ Khối phố 5 phường Phước Hòa (Tam Kỳ) tổ chức sinh hoạt định kỳ. Ảnh: THANH XUÂN |
Cầu nối giữa Đảng với dân
Qua giám sát ở các địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, các chi bộ đã bước đầu cụ thể hóa chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân nên thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với nhân dân ở khu dân cư. Hầu hết chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tích cực xóa đói giảm nghèo, chăm lo xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm... Nhiều chi bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt công tác bồi thường giải tỏa, quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Một số chi bộ thôn thuộc các xã vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã lãnh đạo việc định canh, định cư, giao đất giao rừng, phát triển khai thác nghề rừng, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng ủy cơ sở cấp xã, chi bộ thôn đã thể hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Các đảng ủy cơ sở đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình và tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, chủ động xây dựng, củng cố và hướng dẫn chi ủy, chi bộ, các tổ chức đoàn thể của thôn hoạt động và sinh hoạt có nền nếp, hiệu quả, thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở thôn. Ví như ở thôn 2, xã Tiên Sơn (Tiên Phước), trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sau khi xây dựng nghị quyết, chi bộ thôn giao cho tổ dân vận làm chủ công vận động nhân dân chung tay thực hiện; chi bộ giám sát, hỗ trợ khi có khó khăn, vướng mắc.
Nâng cao năng lực lãnh đạo
Thực hiện Nghị quyết 22, các chi ủy, chi bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt trong thôn để lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Ban nhân dân, Mặt trận, đoàn thể thôn. Hằng tháng, trong sinh hoạt định kỳ của chi bộ, có phần đánh giá tình hình, đề ra giải pháp lãnh đạo các hoạt động của các tổ chức quần chúng, nên giữ được vai trò lãnh đạo của chi bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị của thôn. Như ở Tiên Phước, hằng tháng, hằng quý các chi bộ thôn tổ chức đánh giá kết quả, điểm lại những hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở đánh giá tinh thần trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên. Đồng thời bàn bạc, tìm ra giải pháp khắc phục để chỉ đạo Ban nhân dân, Mặt trận, đoàn thể thực hiện. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt, một số chi bộ còn phân công đảng viên hưu trí phụ trách việc sưu tầm những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để phục vụ cho sinh hoạt chi bộ hằng tháng, như đảng viên Huỳnh Ngọc Tráng, Chi bộ thôn Long Xuyên (thị trấn Nam Phước); đảng viên Nguyễn Đình Trung, Chi bộ thôn Lệ Nam (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên); đảng viên Dương Văn Xuân, Chi bộ thôn 7 (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước... Nhờ vậy, công tác quản lý đảng viên, phân công đảng ngày càng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả.
Đến tháng 12.2012 Quảng Nam có 16 huyện, 2 thành phố với 244 xã, phường, thị trấn và 1.718 thôn, khối phố. Các tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn đã thành lập được 1.684 chi bộ thôn, trong đó có 1.109 chi bộ có chi ủy; 88 chi bộ có hơn 30 đảng viên, nhiều nhất là các địa phương Điện Bàn (20 chi bộ), Hội An (14), Tam Kỳ (13), Núi Thành (14). Qua đánh giá chất lượng năm 2012, toàn tỉnh có 1.127 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, trong đó có 34 chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen. |
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai Nghị quyết 22, đa số các tổ chức cơ sở đảng tập trung xây dựng chi bộ trực thuộc trong sạch, vững mạnh theo hướng nâng cao chất lượng sinh hoạt và hoạt động. Trước mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, các chi ủy đều chuẩn bị tốt nội dung, bàn và thống nhất đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết trong tháng và đưa ra phương hướng nhiệm vụ tháng tới, xác định những nội dung trọng tâm của kỳ họp. Trong điều hành sinh hoạt chi bộ, các bí thư chi bộ đã nêu được những nội dung trọng tâm để đảng viên thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể, đi đến thống nhất đưa vào nghị quyết kỳ họp và phân công thực hiện. Từ đó, nội dung nghị quyết của chi bộ phát huy được trí tuệ tập thể, vừa giữ gìn được sự đoàn kết nhất trí trong nhận thức và hành động, củng cố đoàn kết nội bộ, giáo dục rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên, vừa tạo không khí sinh hoạt sôi nổi, chân tình, bảo đảm tính lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
LÊ VŨ