Khơi dậy lòng dân - Bài 2: Giải phóng mặt bằng nhờ dân vận "khéo"

ĐOÀN ĐẠO 10/10/2013 08:23

Bằng cách vận động khéo léo, khối dân vận và các tổ dân vận cơ sở ở xã Tam Anh Bắc (Núi Thành) đã vượt qua vấn đề “nóng” trong bồi thường giải tỏa, giải phóng mặt bằng từng diễn ra nhiều năm, thực hiện tốt chương trình xây dựng giao thông nông thôn.

  • Khơi dậy lòng dân - Bài 1: Khi dân biết, dân bàn
Từ sự khéo léo của cán bộ làm công tác dân vận, nhân dân xã Tam Anh Bắc tự nguyện hiến đất, đóng góp công của xây dựng nông thôn mới.Ảnh: Đoàn Đạo
Từ sự khéo léo của cán bộ làm công tác dân vận, nhân dân xã Tam Anh Bắc tự nguyện hiến đất, đóng góp công của xây dựng nông thôn mới.

“Mưa dầm thấm lâu”

Chúng tôi về thôn An Lương xã Tam Anh Bắc khi 200 người dân đang ra quân làm đường giao thông nông thôn. Để làm tuyến đường này, các hộ dân bị ảnh hưởng đã vui vẻ tự tay chặt bỏ cây cối, phá dỡ tường rào để giao mặt bằng. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thạc một người dân địa phương chia sẻ: “Chủ trương làm đường giao thông nông thôn rất hợp lòng dân, mình mà ích kỷ không hiến đất, phá bỏ tường rào để làm đường thì con cháu cứ mãi đi học trong lầy lội, bà con đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn”. Từ sự đồng lòng đó, chỉ trong 5 ngày, tuyến đường có chiều dài 1 cây số chỉ còn vài mét cuối cùng nữa là hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổ trưởng tổ dân vận thôn An Lương cho hay, tuyến đường qua thôn An Lương là tuyến huyết mạch để hơn 200 hộ dân của thôn và nhân dân xã lân cận Tam Hòa thông ra với bên ngoài. Nhiều năm trước đi trên tuyến đường này rất khó khăn vì luôn nằm trong tình trạng lầy lội, chuyện học sinh bị té rơi xuống tuyến kênh N29 diễn ra thường xuyên. Bức xúc trước vấn đề này, Chi bộ, Ban nhân dân thôn An Lương quyết định giao tổ dân vận thôn vận động bà con chung tay làm đường bê tông. “Khi khảo sát làm đường, chúng tôi xác định khó khăn lớn nhất là có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, vận động không khéo sẽ hỏng hết việc. Tổ dân vận phải họp, quyết định phương pháp: với mỗi chủ hộ thuộc giới nào, hội đoàn thể nào thì hội, đoàn thể đó đến vận động trước, vận động thường xuyên theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Sau bước cơ bản đó, chúng tôi họp tổ dân cư, họp thôn để tuyên truyền vận động tiếp” - ông Thanh nói. Cách làm này đã phát huy hiệu quả khi chỉ sau gần một tháng vận động, toàn thôn đều thống nhất chủ trương làm đường, tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng và đóng góp công sức thực hiện.

Trưởng khối Dân vận xã Tam Anh Bắc - ông Trần Sỹ Nam cho biết: “Để thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, khối dân vận xã xác định các tổ dân vận cơ sở là nòng cốt trong việc vận động bà con hiểu chủ trương, chung tay xây dựng. Chúng tôi tham mưu cấp ủy chỉ đạo, triển khai lực lượng tuyên truyền với tinh thần tích cực, đồng bộ”. Cũng theo ông Nam, không riêng gì An Lương, các thôn khác như Thuận An, Đức Bố 2 đều thành công khi các tổ dân vận khéo léo vận động người dân hiến đất, hiến công làm đường giao thông. Tại 2 thôn Thuận An, Đức Bố 2 đã hoàn thành 2,5km đường bê tông, nay sắp hoàn thành tuyến bê tông 1km tại An Lương sẽ là “cú hích” cho các thôn khác làm theo.

Làm nguội vấn đề “nóng”

“Nhắc đến Tam Anh Bắc là nhắc đến chuyện bồi thường giải tỏa. Nhiều dự án bị đình trệ tồn đọng không triển khai được vì nhân dân chưa thống nhất giải tỏa, di dời. Dự án lưới điện hạ thế nông thôn tại thôn Đức Bố 2 là một ví dụ điển hình. Khởi công từ năm 2009 nhưng qua 4 năm vẫn vướng vì người dân không chịu tháo dỡ vật kiến trúc, dời mồ mả mặc dù dự án để phục vụ lại cho chính nhân dân ở vùng này” - ông Trần Sỹ Nam cho biết. Sự “giậm chân” được ông Nam lý giải do dự án này không bồi thường cho hộ dân bị ảnh hưởng, trong khi những dự án khác đầu tư tại Tam Anh Bắc đều có hỗ trợ, bồi thường. Cùng lúc đó, địa phương đang triển khai vận động nhân dân đóng góp tiền xây dựng các công trình nhà văn hóa, làm đường… khiến vấn đề càng trở nên khó khăn. Qua hướng dẫn của Ban Dân vận Huyện ủy Núi Thành, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy xã Tam Anh Bắc, Khối dân vận xã thực hiện việc bám sát cơ sở để vừa nghe ý kiến nhân dân, vừa tranh thủ vận động tại chỗ. Đồng thời, Tổ dân vận thôn Đức Bố 2 cũng được giao nhiệm vụ đến từng nhà nói chuyện, giải thích rõ các chính sách để tạo tâm lý thông cảm, an tâm từ phía người dân. Nhờ vậy, dự án lưới điện đã hoàn thành, và nay nhân dân đang tập trung góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng nông thôn.

Trên địa bàn xã Tam Anh Bắc có 3 dự án lớn đang triển khai thi công, gồm: đường Việt - Hàn, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1, đường cao tốc. “Tuy các dự án này Nhà nước có hỗ trợ bồi thường, nhưng việc cả 3 dự án cùng triển khai một lúc đã gây áp lực rất lớn đối với khối dân vận của xã khi cán bộ dân vận còn mỏng, lực lượng dân vận các tổ còn thiếu kỹ năng vận động quần chúng” - ông Nam cho biết. Để hoàn thành việc bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, khối dân vận xã Tam Anh Bắc đã tập trung bổ sung lực lượng cho các tổ dân vận nơi có dự án đi qua như Lý Trà, Thuận An, Đức Bố 1 và Đức Bố 2. Lực lượng tham gia công tác dân vận không chỉ có cán bộ, mà Khối Dân vận xã Tam Anh Bắc đã khéo léo xây dựng lực lượng là những người thân, người có quan hệ gắn bó với hộ bị ảnh hưởng để nâng cao hiệu quả vận động. Khối dân vận xã còn tổ chức in sao, tuyên truyền công khai các tài liệu như văn bản, quy định đơn giá bồi thường do Nhà nước ban hành. “Việc này đã giảm được rất nhiều thắc mắc không đáng có từ phía nhân dân. Đồng thời, chúng tôi đề nghị các hộ bị giải tỏa cử người đại diện tham gia vào tổ kiểm kê để giám sát, nâng cao tính minh bạch, dân chủ với nhân dân. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã vận động nhân dân giải phóng, bàn giao phần lớn mặt bằng cho các dự án”. Ông Phan Đoàn Cư (thôn Lý Trà) nói: “Tổ dân vận thôn, khối dân vận của xã đến tuyên truyền, giải thích rõ các chính sách bồi thường giúp tôi hiểu thông suốt. Trong khi đó, công tác kiểm kê chính xác, mức giá bồi thường thỏa đáng nên người dân chúng tôi nhanh chóng bàn giao mặt bằng để dự án đường Việt - Hàn triển khai thi công”.

____________________________
Bài 3: Thay đổi diện mạo nông thôn

ĐOÀN ĐẠO

ĐOÀN ĐẠO