Khơi dậy lòng dân - Bài 1: Khi dân biết, dân bàn
LTS: Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ viết: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”… Hội nghị Trung ương 7 (khóa 11) vừa qua đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.
Ở Quảng Nam, nhiều mô hình dân vận khéo ở cơ sở đã và đang thực hiện có hiệu quả, tạo nên sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Từ số này, Báo Quảng Nam sẽ giới thiệu một số điển hình tiêu biểu.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, chủ trương dồn điển đổi thửa được nhân dân xã Duy Sơn tích cực hưởng ứng thực hiện. Ảnh: VINH ANH |
BÀI 1: KHI DÂN BIẾT, DÂN BÀN
Lấy công tác dân vận để huy động sức dân, dựa vào nhân dân để xây dựng quê hương, những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Duy Xuyên được người dân đồng lòng hưởng ứng.
Sức dân Vạn Buồng
Xóm Vạn Buồng (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh) vốn được biết đến như một ốc đảo nhỏ, thường xuyên bị chia cắt trong mùa lũ. Nhưng từ khi có cây cầu Vạn Buồng chắc chắn, kiên cố nối nhịp bờ vui, đời sống nhân dân ở đây có nhiều khởi sắc. Bà Đoàn Thị Tài - Trưởng khối Dân vận xã Duy Trinh dẫn chúng tôi đi qua cây cầu Vạn Buồng và không quên ca ngợi: “Cây cầu này được làm nên từ sức mạnh của lòng dân”. Quả đúng như vậy, cầu Vạn Buồng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 1,3 tỷ đồng thì trong đó nhân dân đã đóng góp hơn 850 triệu đồng.
Bà Đoàn Thị Tài cho hay, trước đây người dân Vạn Buồng mỗi khi ra đồng ra bãi phải đi qua cây cầu tre, nhưng mỗi mùa lũ đến, cây cầu bị cuốn đi, sau phải làm lại. Sau này, bà con đóng góp làm được cây cầu phao nhưng cũng bị trận lũ năm 2006 cuốn trôi mất. Không thể cam chịu cảnh chia cắt, đồng thời hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM của xã nên nhân dân Vạn Buồng đã đồng tâm nhất trí xây dựng chiếc cầu kiên cố. Nhưng, tiền ở đâu ra để làm cầu? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước có hạn (chỉ khoảng 300 triệu đồng) nên phải dựa vào dân. Mà dân Vạn Buồng chưa tới 100 hộ, chủ yếu làm nông nghiệp nên cũng khó.
Qua 3 năm, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM của huyện Duy Xuyên hơn 201,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ nhân dân hơn 26 tỷ đồng. Đến nay đã có hơn 58km giao thông nông thôn được làm mới cùng với nhiều công trình cầu, cống. Hiện, 2 xã điểm Duy Phước, Duy Sơn đã đạt 14 tiêu chí, xã Duy Hòa đạt 12 tiêu chí xây dựng NTM. |
Khó nhưng cũng phải làm. Thực hiện theo phương châm “Vừa thi công vừa vận động tìm nguồn”, nhiều cán bộ, người dân Vạn Buồng vào TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố gặp bà con đồng hương vận động đóng góp được gần 750 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhân dân Vạn Buồng đóng góp thêm hơn 157 triệu đồng, cùng ngân sách của huyện, xã và các thôn kế bên hỗ trợ. Cuối cùng, cây cầu - niềm ước mong bao đời của người dân Vạn Buồng đã thành hiện thực. Cầu được làm bằng bê tông cốt thép có 10 nhịp, dài 84m, rộng 2,3m, khánh thành vào ngày 24.8.2012. “Cây cầu tre tạm bợ một thời giờ đã được thay bằng cây cầu chắc chắn. Đó là nhờ cả vào sức dân. Nếu không có dân, không dễ gì có được cây cầu, điều đó minh chứng cho việc nếu mình làm dân vận “khéo” thì việc gì nhân dân cũng nghe và cuối cùng sẽ thành công” - bà Tài chia sẻ.
Dân biết, dân bàn...
Đầu tháng 10, chúng tôi về xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên). Những cơn mưa nặng hạt, dư âm của cơn bão số 10, vẫn trút rào rào. Ấy vậy mà, trên nhiều cánh đồng của xã, hàng trăm người dân vẫn “đội” mưa cùng nhau đắp bờ vùng, bờ thửa hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa của địa phương. Đây cũng là một trong những chủ trương mà những người làm công tác dân vận ở xã Duy Sơn và các tổ dân vận ở các thôn đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động để nhân dân hưởng ứng. Ông Nguyễn Trường Kim - Trưởng khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Sơn cho biết, nhờ làm tốt công tác vận động nên hiện nay công tác dồn điền đổi thửa ở Duy Sơn hết sức thuận lợi. Toàn xã có 500ha đất lúa thì đến nay người dân đã dồn điền đổi thửa được 103ha. Ông Kim nói: “Ở Duy Sơn, các đảng ủy viên được phân công đứng điểm ở từng thôn, cùng với tổ dân vận thôn đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.
Theo ông Nguyễn Thanh Bốn - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Duy Xuyên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Duy Xuyên có 11 xã tiến hành, trong đó có 3 xã điểm là Duy Phước, Duy Sơn và Duy Hòa đã đăng ký thi đua cấp tỉnh. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ; thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, con vật nuôi tiềm ẩn rủi ro trong sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (15,71%)... Thực trạng trên đòi hỏi công tác vận động nhân dân thực hiện xây dựng NTM là hết sức quan trọng. Hằng năm, Ban Dân vận Huyện ủy đều có công văn chỉ đạo khối dân vận cơ sở, tổ dân vận thôn, khối phố tổ chức đăng ký thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo xây dựng NTM”. Qua đó, đã có 350 cơ quan, đơn vị thôn, khối phố đăng ký xây dựng mô hình. Trên cơ sở đăng ký, mỗi tổ dân vận rà soát các hạng mục công trình cần xây dựng để đạt tiêu chí xây dựng NTM tại thôn mình. Sau đó xây dựng kế hoạch chi tiết vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng, không trông chờ vào ngân sách nhà nước. “Có thể nói qua 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò của tổ dân vận ở thôn, khối phố. Đồng thời xác định “nhân dân là chủ thể xây dựng NTM” nên mọi chủ trương, kế hoạch đều được đưa ra để nhân dân tham gia góp ý, bàn bạc thống nhất. Do đó, nhiều nội dung công việc cụ thể như dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, bê tông hóa giao thông nông thôn… được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng” - ông Nguyễn Thanh Bốn nói.
-------------------
Bài 2: Giải phóng mặt bằng nhờ dân vận “khéo”
VINH ANH