Dân vận ở Bình Đào

TRẦN HỮU 27/09/2013 08:12

Gần 3 năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, xã Bình Đào (huyện Thăng Bình) - nơi từng là “điểm nóng” về khiếu nại, khiếu kiện, đang từng bước tạo sự đồng thuận trong nhân dân thông qua những cách làm hay, hiệu quả.

Xã Bình Đào tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.Ảnh: MINH HẢI
Xã Bình Đào tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.Ảnh: MINH HẢI

Sửa sai

Hơn 3 năm trước, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người là “điểm nóng” ở xã Bình Đào. Câu chuyện “điểm nóng” Bình Đào bắt đầu từ khi triển khai các dự án lớn trên địa bàn. Dự án đường dẫn vào cầu Cửa Đại, đường cứu nạn, cứu hộ phòng chống thiên tai ảnh hưởng đến đất đai của người dân. Trước đây, khi chưa có dự án, không có trường hợp nào khiếu kiện về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng. Thế nhưng, từ khi Nhà nước triển khai thu hồi đất và tiến hành bồi thường, một số hộ dân không có đất rừng cho rằng, chính quyền địa phương đã thực hiện việc xét cấp đất không công bằng, thiếu dân chủ, nên họ khiếu nại, đề nghị chia đều lại đất rừng để ai cũng được bồi thường. Trong vụ việc này, tuy người dân yêu cầu không chính đáng nhưng vì cán bộ cơ sở thiếu sâu sát, không tuyên truyền, giải thích rõ, nên càng thổi bùng “ngọn lửa” hoài nghi trong một bộ phận nhân dân về sự khuất tất của chính quyền. Đương nhiên, một số phản ảnh của người dân là đúng, khi chính quyền thôn, xã chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức họp dân…

“Nếu không có sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Đào sẽ gặp nhiều chông gai. “Dân vận khéo” không nói suông mà phải chứng minh bằng hành động, tạo niềm tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Công tác này phải đánh thức được những suy nghĩ của người dân về  tinh thần xây dựng quê hương”.
(Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Đào - Hồ Văn Diêm)

Sau sự cố đáng tiếc trên, hơn 2 năm qua, Đảng bộ xã Bình Đào đã lãnh đạo các chi bộ thôn nghiêm túc rút kinh nghiệm, tự phê bình và phê bình, xử lý dứt điểm những vấn đề bức xúc, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân. Đầu tiên, rà soát, phân tích đúng sai, giải quyết dứt điểm từng vụ phức tạp nên trên địa bàn không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. Nhận thức được những sai lầm trong quá khứ, khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, địa phương lồng ghép công tác “dân vận khéo” để tranh thủ sự đồng lòng, chung tay góp sức của người dân. Khi triển khai mô hình nào, cả hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc, các thành viên của Ban vận động Xây dựng nông thôn mới được phân công phụ trách địa bàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân ủng hộ các mô hình hay. Thời gian qua, các đoàn viên thanh niên của xã đã phát động mô hình “Ánh sáng đường quê” phủ khắp địa bàn xã. Bình Đào là xã khó khăn (với hơn 21% hộ nghèo),  không dễ gì vận động thuyết phục người dân bỏ tiền đầu tư, công sức ra lắp bóng đèn chiếu sáng công cộng để rồi sẽ “gánh” thêm tiền điện. Tuy nhiên, sau khi lên kế hoạch, toàn bộ 4/4 thôn của xã tiến hành họp dân, những tổ nào có dân cư tập trung đông, điều kiện kinh tế khá giả được thí điểm làm trước.

Hiệu quả từ các mô hình

Ông Hồ Văn Diêm - Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng khối Dân vận xã Bình Đào cho biết, trước đây tình trạng trộm cắp vặt, gây mất an ninh trật tự thường xuất hiện vào ban đêm, vì lẽ đó địa phương quyết liệt “phủ” điện chiếu sáng khắp các khu dân cư. Đến nay, toàn bộ 4/4 thôn đều tham gia lắp đặt bóng điện chiếu sáng với tổng số 236 bóng đèn điện tại 36/52 tổ đoàn kết, tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Sau khi đi vào vận hành, mỗi hộ thanh toán tiền điện không quá 10 nghìn đồng/tháng. “Mô hình “Ánh sáng đường quê” đã tạo ra đời sống văn minh cho khu vực nông thôn, giúp học sinh đi học về đêm và người tham gia giao thông an toàn, tạo điều kiện cho bà con sản xuất về đêm, hạn chế tình trạng trộm cắp, thanh niên gây gổ đánh nhau” - ông Diêm nói. Cũng theo ông Diêm, bộ mặt ở các khu dân cư bây giờ khởi sắc, các tổ đoàn kết đã có cổng chào, nhà ở xây tường rào cổng ngõ khang trang. Mức đóng góp của mỗi người dân đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Như tại khu dân cư thôn Vân Tiên, người dân đã góp gần 150 triệu đồng để xây cổng chào, trong đó có nhiều hộ hỗ trợ 1 triệu đồng.

Các nẻo đường ở Bình Đào hôm nay có sự đổi thay lớn. Từng cánh đồng, làng quê, ngõ xóm trở nên sạch đẹp nhờ mô hình “Xử lý, thu gom rác thải” của Hội Phụ nữ xã. Hai năm qua, địa phương đã vận động người dân, các cơ quan, trường học, khu dân cư thực hiện cam kết thu gom rác thải, xem đây là tiêu chí quan trọng để bình xét gia đình văn hóa, thôn văn hóa… Hiện, Bình Đào có 4 tổ thu gom rác thải, riêng tại khu vực chợ Trà Đóa 2 (thôn Trà Đóa 2) đã có 58 hộ trực tiếp tham gia theo kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Để giữ danh hiệu thi đua, hằng tuần, tháng, các hội, đoàn thể, Mặt trận của xã tổ chức cho nhân dân ra quân tổng vệ sinh, tiêu hủy rác thải, tạo nhận thức cao cho cộng đồng về bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của Đảng bộ xã Bình Đào, thành công bước đầu khi xây dựng nông thôn mới ở địa phương là lồng ghép phong trào thi đua yêu nước với công tác dân vận, đặc biệt đã xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Qua đó, phát huy sức mạnh công tác vận động quần chúng, nổi bật là mô hình tổ dân vận thôn. Sau thời gian khắc phục sai lầm, 2 năm liền (2011 - 2012) Đảng bộ xã Bình Đào được cấp trên công nhận “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU